Gặp người đem cây về rừng
Nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, xã Nghinh Tường giáp ranh với hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Là xã vùng cao núi đá của huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), mật độ dân cư thưa thớt, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với thói quen sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.
Ngay sau Tết Nguyên đán, chúng tôi hẹn đến thăm lại vườn rừng của gia đình ông Hà Quốc Vượng (58 tuổi, Xóm Bản Chang). Lần trước, khi đưa chúng tôi tham quan vườn dược liệu, ông Vượng hẹn lên vào mùa xuân để ngắm cây cối cảnh sắc vùng cao đẹp mê ly. Đầu tháng 2 âm lịch, vùng cao vẫn còn đang chìm trong sắc xuân. Nhiều nhất là những hàng đào phai, đào bích nở rực rỡ dọc theo các con đường làng trên những khoảng sân. Những chồi non đủ màu sắc của các loài cây rừng cũng góp phần tô điểm bức tranh phong cảnh mùa xuân.
Là con thứ tư trong gia đình nông dân nghèo có tới 8 người con, suốt cả thời ấu thơ của ông Hà Quốc Vượng nếm trải sự nghèo đói. Để mưu sinh, ông đã làm đủ mọi ngành nghề từ làm lái xe, vận tải hàng hóa, bán kem, làm đậu phụ, bán hàng tạp hóa...
Năm 2010, khi trong tay có chút vốn liếng, ông bắt đầu thực hiện mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Thận trọng từng bước, bắt đầu từ những loại cây, con ít đòi hỏi cả về vốn liếng và kỹ thuật, bản thân đã dành nhiều ngày tháng đi học hỏi, tham khảo nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi tại khắp các tỉnh thành ở miền Bắc, ông Vượng đã trồng thử nghiệm cây chuối tây và nghệ. Ngay từ vụ đầu tiên, ông đã thắng đậm.
Chúng tôi đi dưới vòm xanh của những khóm chuối tây giống Thái Lan, dưới gốc là cơ man nghệ củ đợi thu hoạch. Được chăm sóc tốt nên cây rất mập và khỏe. Ông Vượng “khoe” chuối quả được bán tại chợ huyện, bà con thích lắm, đem ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Thu xong quả, thân chuối là nguồn thức ăn quan trọng nhất để nuôi đàn lợn, gà , vịt và ao cá. Mấy năm trước còn nuôi cả đà điểu nữa. Đến hoa chuối và lá chuối cũng là món tiền vặt hàng ngày, chỉ cần hô một tiếng là có người đến tận vườn thu mua. Chuối chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau sẽ tách cây con từ gốc để nhân giống.
Năm 2013, khi đã chủ động cả kỹ thuật đến nguồn giống, ông Vượng đã “rủ rê” thêm 7 hộ trong và ngoài xóm bản Chang, bao gồm cả các anh em ruột, thành lập HTX Thịnh Vượng vào năm 2013, cùng nhau góp vốn đất đai trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu và chăn nuôi với tổng số là 80 ha rừng sản xuất.
Ông Vượng tính toán, mỗi ha keo từ 3-5 năm giỏi thì được 100 triệu, còn cây nghệ, chi phí trồng 1ha khoảng 50 triệu đồng nhưng sau 2 năm có thể thu về khoảng 100 triệu đồng lợi nhuận… Riêng cây Ba kích để đầu tư diện tích 1 sào, người dân chỉ phải bỏ ra gần 20 triệu đồng cho 4 năm trồng là có thể đạt được lợi nhuận tới 100 triệu đồng, làm ít mà thu gấp nhiều lần thì tội gì không chọn.
Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi. Với 05 ha Ba kích bắt đầu đến thời kỳ thu hoạch, với giá hiện tại là 200.000 đồng/kg, các hộ gia đình ở đây đã có trên 10 tỷ đồng, là nguồn thu khổng lồ ở xã vùng cao núi đá này.
Hiện nay, riêng gia đình ông Vượng mỗi năm thu 50 tấn nghệ củ, giá thị trường từ 10 nghìn -15 nghìn đồng/kg, cả trăm triệu từ chuối. Tuy nhiên, đó chỉ là “tiền vặt đi chợ” còn “tiền cho ra tấm ra món” nằm ở 2ha Ba kích và 3ha Trà hoa vàng đã bắt đầu có sản phẩm ra thị trường.
Những vườn cây trị giá ngàn vàng
Có lẽ đến thăm vườn rừng vào dịp đặc biệt nên chúng tôi là những người khách đầu tiên được ông Vượng tiết lộ bí mật về vườn cây mà mỗi cây trị giá cả lượng vàng. Đó là những vườn trầm hương của bà con Nghinh Tường.
Ông tâm sự rằng có lợi thế đất rừng rộng rãi nên cứ nghe thấy loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì đều trồng thử. Cây trầm hương (còn gọi là cây dó bầu) là loại cây có hiệu quả kinh tế rất cao ở các tỉnh Nam trung bộ.
Ở miền núi phía Bắc cũng đã có một số địa phương trồng thử nghiệp nhưng rồi đều phá bỏ vì cây không có trầm. Gia đình ông Vượng có 2 quả đồi trồng 1.000 cây đã được 10 năm tuổi, đường kính mỗi gốc đạt 40cm. Sở dĩ ông kiên trì giữ lại diện tích cây dó bầu đến hôm nay bởi cây rất dễ trồng, không hề kén đất, trồng đất nào cũng lên, đất nghèo kiệt cây cũng sống và lớn nhanh. Giả sử như không thể khai thác được trầm hương thì đây cũng là loại cây cảnh quan đẹp, phủ xanh đất và cho lấy gỗ tốt.
Niềm vui đến với những người trồng rừng bởi đã có công nghệ ép dó bầu tạo trầm. Công nghệ này đã ứng dụng thành công ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chỉ cần có cây dó bầu là sẽ tạo thành trầm.
Năm vừa rồi, các hộ ở Nghinh Tường đã được một doanh nghiệp tại miền Nam liên kết sản xuất trầm hương và bao tiêu sản phẩm toàn bộ những cây trầm hương này. Họ sử dụng chế phẩm sinh học cấy tạo trầm trên cây dó bầu bằng cách bơm trực tiếp lên các vết thương tạo sẵn của cây để một thời gian nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây sẽ kết trầm.
Sau khi cấy tạo trầm 3 năm, mỗi cây sẽ được thu mua với giá trên 40 triệu đồng. Ngoài việc sản xuất trầm hương, gỗ cây sẽ được sử dụng để chế tác thành đồ mỹ nghệ rất có giá trên thị trường trong và ngoài nước.
Thành thật chia sẻ, ông Vượng cho rằng đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi dài hạn, rất cần sự kiên trì. Ước muốn làm giàu không phải chỉ vì bản thân mình mà muốn có 1 mô hình để bà con học hỏi, tin tưởng tìm hướng thoát đói nghèo, phát huy lợi thế về đất đai và điều kiện thiên nhiên của chính nơi mình đang sinh sống.
Hiện, trong xã có đến vài chục hộ có rừng cây “vàng đen” từ 2.000- 3.000 cây trên 10 năm tuổi. Cây trầm hương “khủng” nhất trên đã trên 30 năm, chu vi gốc đến 1m, đã được khách mua trả tới 120 triệu đồng. Không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, với mồ hôi và công sức của những người như ông Vượng đổ xuống, những vườn rừng ở vùng cao hôm nay thực sự đúng nghĩa là rừng vàng.