Tăng nhiệt
Anh Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp hiện nay, trang trại của anh đã cho vận hành song song 2 hệ thống lò sưởi cho gà. Đó là hệ thống Heather sử dụng nhiên liệu ga và hệ thống lò sưởi đốt than. Việc vận hành cùng lúc cả 2 hệ thống dù tốn kém song vẫn phải thực hiện để tránh rủi ro khôn lường.
Ông Nguyễn Kim Xưa, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương cho biết: Để đảm bảo nhiệt độ trong chuồng nuôi quy mô 4 vạn gà của gia đình, những ngày qua, mỗi ngày ông phải bỏ ra gần 3 triệu tiền mua củi để đốt lò.
Là huyện vùng cao nên Võ Nhai thường chịu những thiệt hại lớn do rét đậm, rét hại gây ra. Ông Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ xuống rất thấp (chỉ từ 6 đến 8 độ C), tuy chưa xảy ra băng giá, sương muối nhưng rét hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến vật nuôi.
Trước thực trạng trên, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, giữ ấm chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn và di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt để bảo đảm an toàn. Để bảo vệ đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, hướng dẫn bà con gia cố chuồng trại, giữ nền chuồng luôn khô ráo.
Trong những ngày giá rét, bà con được hướng dẫn dùng bao tải, chăn, vải cũ làm áo ấm mặc cho vật nuôi; đốt trấu, củi, than để sưởi ấm và bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám, bột ngô, bột gạo cho gia súc; cho gia cầm ăn đủ số lượng, nước uống bảo đảm hợp vệ sinh. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai, đến nay, toàn huyện không có trâu, bò, vật nuôi bị chết rét.
Không chủ quan
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết: Không khí lạnh kéo dài kết hợp độ ẩm cao khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, rất dễ mắc các loại dịch bệnh nguy hiểm, như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm gia cầm… Vì vậy, cùng với quan tâm phòng, chống rét, cán bộ cũng khuyến cáo bà con cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin để phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù chưa có thiệt hại trên đàn vật nuôi, song Chi cục thường xuyên kiểm tra để tránh chủ quan, tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời để người dân biết để chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.
Về trồng trọt, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã gieo cấy được trên 21.000 ha lúa, đạt 75% kế hoạch; 3.680 ha ngô, đạt 55% kế hoạch và hơn 4.500 ha rau, đạt 98% kế hoạch. Những ngày qua, mưa rét đã khiến cho một số diện tích rau xà lách, su hào, hành… bị táp lá, thối rễ.
Rét đậm, rét hại cũng khiến chu kỳ sinh trưởng của cây rau kéo dài hơn, cây lúa chậm phát triển. Đặc biệt, tại huyện Phú Bình, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại và mưa, trên địa bàn đã có hơn 410 ha lúa xuân đang trong giai đoạn bén rễ bị ngập úng, trong đó trên 50 ha diện tích lúa ở các xã: Kha Sơn, Dương Thành, Lương Phú, Hà Châu… bị thối rễ, khó có khả năng phục hồi.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung thu hoạch rau màu đã đến kỳ; không gieo trồng các loại rau khi thời tiết còn rét hại. Đối với nhóm rau ăn lá, bà con nên che phủ bằng nilon. Những ngày có sương muối, băng giá, bà con dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng…
Hiện đang là giai đoạn cao điểm bà con tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân để kịp khung thời vụ. Tuy nhiên, trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, khuyến cáo bà con không cấy hoặc gieo sạ. Đối với diện tích lúa đã xuống giống, nếu xảy ra rét đậm, rét hại, bà con cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2 - 3cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm hơn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng, rét đậm, rét hại hiện đã làm 121 con gia súc bị chết, trong đó có 84 con trâu, 37 con bò. Nhiều nhất là huyện Trùng Khánh có 28 con; Hà Quảng 22 con; Nguyên Bình 18 con; Thạch An 14 con; Bảo Lạc 12 con…
Số trâu bò bị chết ở Cao Bằng chủ yếu là bê, nghé vì sức đề kháng yếu. Trâu, bò chết rét nhiều chủ yếu ở các huyện biên giới, vùng cao có nền nhiệt độ thấp, khí hậu khắc nghiệt.
Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh chia sẻ: Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề vỗ béo gia súc. Người chăn nuôi đã nhận thức được giá trị kinh tế mà gia súc mang lại nên cứ đến mùa đông lại chủ động dự trữ thức ăn, chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết: Với diễn biết thời tiết phức tạp, không khí lạnh vẫn còn tăng cường và kéo dài trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Cao Bằng đã chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông các cấp phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương tăng cường các giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, kiên cố, kín gió, đủ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông; tích cực trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi. Không thả rông gia súc khi nhiệt độ dưới 12 độ C...