Số gỗ lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ |
- Ông có thể cho biết kết quả kiểm tra bước đầu về vụ việc đường dây buôn gỗ lậu của ông trùm Phượng “râu” vừa bị cơ quan chức năng triệt phá?
Ông Đỗ Quang Tùng: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục Kiểm lâm đã cử lãnh đạo vào Đắk Lắk chỉ đạo và trực tiếp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, kiểm lâm vùng 4 đi kiểm tra thực địa. Bước đầu xác định không có hoạt động phá rừng ở VQG và các khu vực xung quanh.
-Vậy theo ông, nguồn gốc số gỗ lậu của Phượng “râu” từ đâu mà có?
Ông Đỗ Quang Tùng: Hiện chúng tôi đã cử lực lượng phối hợp điều tra với công an và trực tiếp tham gia kiểm đếm số lượng gỗ đang được tập kết tại xưởng của ông Phượng. Sau khi kiểm đếm sẽ phân loại, xác minh nguồn gốc và đối chiếu hồ sơ để truy nguồn gốc xuất xứ. Hiện công tác kiểm đếm vẫn đang được thực hiện, dự kiến cuối tuần sẽ hoàn hành. Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ những người có liên quan.
- Được biết, xe gỗ lậu của Phượng “râu” có thể “bon bon chạy” trên một quãng đường rất dài mà không bị lực lượng chức năng phát hiện. Thậm chí, có thông tin bãi tập kết gỗ của Phượng "râu" câu điện sinh hoạt từ đồn biên phòng Bo Heng cách đó 300 mét. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong vụ việc này như thế nào?
Phượng “râu” đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng... |
Ông Đỗ Quang Tùng: Chúng tôi đang yêu cầu kiểm lâm địa phương báo cáo. Vì với đối tượng hoạt động như vậy, mà kiểm lâm không biết thì cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn thế nào. Nếu phát hiện cán bộ kiểm lâm dung túng cho lâm tặc phá rừng, buôn lậu gỗ, quan điểm của Cục kiểm lâm sẽ xử lý, hoặc yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
-Trước vụ việc trên, Tổng cục Lâm nghiệp có chỉ đạo gì để sớm chấn chỉnh tình hình?
Ông Đỗ Quang Tùng: Với chức năng bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, Cục Kiểm lâm thường xuyên quán triệt cho kiểm lâm địa phương phải bám sát địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để đấu tranh với những đầu nậu kiểu này (Phượng “râu”). Đồng thời lập danh sách để tập trung theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, những đối tượng này hoạt động mang tính chất tội phạm, tinh vi nên việc phát hiện, xử lý phải có sự tham gia, hỗ trợ của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Tây Nguyên được xác định là điểm nóng về bảo vệ rừng, nên Bộ NN-PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp luôn tập trung quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ cho khu vực này. Đồng thời Bộ và Tổng cục cũng yêu cầu xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Với việc thực hiện Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, trong thời gian vừa qua, các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực, nhờ đó năm 2017 số vụ vi phạm đã giảm 23%, thiệt hại giảm 68%. 4 tháng đầu năm, số vụ giảm 46%, thiệt hại giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng 27/4, Cục cảnh sát môi trường (C49) phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an đã bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép trên 2 xe tải tại khu vực thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút, Đắk Nông). Kết quả kiểm đếm số lượng gỗ tang vật thu giữ trên 2 xe là khoảng 37m3, chủ yếu là gỗ từ nhóm II đến nhóm V. Tối cùng ngày, Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp nhà riêng của Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”). Bên trong nhà của Phượng có rất nhiều nội thất bằng gỗ quý hiếm và đắt giá. Phía sau nhà là một xưởng gỗ có quy mô khá lớn, có nhiều phách gỗ đã được cưa xẻ và xếp ngay ngắn. Phượng “râu”) đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. |