| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua các cuộc điều tra để duy trì các thị trường quan trọng cho nông sản Việt

Thứ Sáu 13/01/2023 , 14:34 (GMT+7)

Nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp cần thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để mở rộng thị trường, đẩy manh xuất khẩu.

Thích ứng với các FTA thế hệ mới

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và đang triển khai 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do mới với Israel và Canada.

Về cơ bản, tới thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA với tất cả các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trọng điểm (trừ Hoa Kỳ), đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá (do giảm thuế) khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.

bi-chuyen-de-nghi-cua-viet-nam-den-ec-xem-xet-go-the-vang-iuu-112350_428

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến ký kết gia hạn bản ghi nhớ (MOU) về chất lượng, an toàn nông sản, thú y và bảo vệ thực vật giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Bỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Việc ký kết và triển khai các FTA đã tạo ra cơ hội lớn của xuất khẩu nông lâm thủy sản. Năm 2022 mặc dù trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine dẫn tới khủng hoảng về năng lượng và phân bón, tác động của biến đổi khí hậu nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Trong giai đoạn 10 năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022 (mức tăng trưởng trung bình đạt 9,4%/năm).

Tham gia vào các FTA thế hệ mới, nông dân, người sản xuất và doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ trong sản xuất, mà còn về mẫu mã sản phẩm và các tiêu chuẩn về môi trường. Đây là thách thức lớn để Việt Nam có thể là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó trong quá trình hội nhập, nông sản Việt Nam cũng phải chịu rất nhiều áp lực về các rào cản phi thuế do các nước đặt ra. Chỉ trong năm 2021-2022, ngành nông nghiệp đã phải xử lý nhiều vụ điều tra của Hoa Kỳ như điều tra về khai thác và sử dụng gỗ bất hợp pháp; điều tra chống bán phá giá (CBPG) mật ong của Hoa Kỳ với mức thuế tạm thời cao nhất trong lịch sử áp thuế chống bán phá giá là 413,99%, sau nhiều vòng đàm phán và điều trần, mức thuế chống bán phá giá sau cùng được áp dụng ở mức 58,74% - 61,27%; điều tra về xuất xứ ván dán, tủ gỗ cứng; điều tra của Hoa Kỳ và EU về chống đánh bắt IUU…

Với sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Chính phủ, các địa phương, các Hiệp hội và doanh nghiệp, cho tới thời điểm này, chúng ta đã thành công vượt qua các cuộc điều tra để duy trì các thị trường quan trọng cho nông sản Việt xuất khẩu, đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thể hiện trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới.

xuat khau buoi

Năm 2022, nhiều nông sản Việt Nam được cấp phép xuất khẩu các thị trường lớn, trong đó có bưởi đi Mỹ. Ảnh: TL.

Con đường mở cửa thị trường

Năm 2022 đã ghi dấu những bứt phá về xuất khẩu nông sản, điều này thể hiện những nỗ lực vươn lên, thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo của toàn ngành để vượt qua các khó khăn, thác thức.

Công tác mở cửa thị trường đã có nhiều bước tiến nổi bật như việc mở cửa thị trường cho sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc,  bưởi sang Hoa Kỳ, thịt gà chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc, bưởi và chanh sang New Zealand…

Điểm quan trọng hơn là năng lực của các cơ quan chuyên môn đã được cải thiện rõ nét, sẵn sàng chuẩn bị các thông tin, hồ sơ cần thiết cũng như các phương tiện kỹ thuật để đáp ứng quy định của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn trong Bộ, giữa Bộ NN-PTNT với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương… trong xử lý các rào cản thương mại ngày càng chặt chẽ, bài bản.

Trong thời gian tới, còn nhiều dư địa để thúc đẩy mở cửa thị trường đặc biệt với các sản phẩm tươi sống và có nguồn gốc động vật. Để công tác mở cửa thị trường có hiệu quả, trước hết cần chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về đăng ký kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng đã được cấp phép.

nguyen do anh tuan

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT. Ảnh: TL.

Đối với các mặt hàng cần mở mới, cần lên kế hoạch mở cửa thị trường một cách bài bản, tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cân đối lợi ích tổng thể về kinh tế, chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Trên cơ sở đó, cần chuẩn bị đầy đủ thông tin để làm việc với đối tác nhằm thúc đẩy nhanh đàm phán mở cửa thị trường, chuẩn bị sẵn sàng kênh kết nối, hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật cho người sản xuất tuân thủ và đăng ký một cách minh bạch.

Cần đầu tư rất bài bản vào công tác thu thập và xử lý thông tin để tận dụng tốt nhất, hiệu quả nhất các cơ hội để mở cửa thị trường cho nông sản Việt.

Thêm vào đó, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng trong việc chuẩn bị, đăng ký và triển khai công tác mở cửa thị trường. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tính tới việc phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản Việt ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ cho mở cửa thị trường.

Quan trọng nhất không chỉ là việc được phép xuất khẩu, giá trị doanh thu đem lại từ xuất khẩu nông sản, mà là hình ảnh của nông sản Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ triển khai một cách có bài bản các hoạt động marketing ngành nông nghiệp Việt Nam đối với thị trường toàn cầu.

Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI

Với lợi thế nổi bật về nông nghiệp và thị trường nhiều tiềm năng, Việt Nam đã thu hút được lượng đầu tư nước ngoài đáng kể cho ngành nông nghiệp.

Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến - dịch vụ hỗ trợ liên quan đã thu hút được gần 2000 dự án FDI với vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng số dự án và 4,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Tỷ lệ FDI nông nghiệp trong tổng vốn FDI ở Việt Nam cao hơn so với mức trung bình toàn cầu, và tương đương các nước có thế mạnh nổi bật về nông nghiệp như New Zealand.

Nông nghiệp Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, và có giá trị vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Nestle, De Heus, CJ, CP, New Hope….

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, theo hướng có chọn lọc, đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu. Mở rộng xúc tiến đầu tư tại chỗ với các nhà đầu tư đã triển khai thành công tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp FDI trong ngành nông nghiệp. Tăng cường hoạt động và hiệu quả của các nhóm đối tác công - tư theo các ngành hàng giữa Bộ NN-PTNT với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

Xem thêm
Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lào Cai đề xuất bỏ tuyến đường sắt đi xuyên nhiều khu đô thị

Tuyến đường sắt của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam vận hành từ hàng chục năm nay, hiện đi qua nhiều khu đô thị của thành phố Lào Cai.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.