| Hotline: 0983.970.780

20 năm gian nan, bền bỉ đàm phán kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản

Thứ Bảy 07/01/2023 , 14:01 (GMT+7)

Doanh nghiệp chính là những người thay mặt cho nông dân, thay mặt cho quốc gia xuất khẩu nông sản Việt Nam nên phải đảm bảo được uy tín của cả ngành hàng, uy tín của doanh nghiệp, của quốc gia.

Empty

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Phạm Hiếu.

2022 được coi là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nông sản Việt Nam trong mở cửa thị trường khi hàng loạt mặt hàng trái cây chủ lực như sầu riêng, chanh leo, bưởi, khoai lang đã được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand,.. Để hiểu thêm những nỗ lực bền bỉ và hành trình gian nan đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN-PTNT.

Kết quả năm 2022 là sự chuẩn bị từ 5-6 năm về trước

Thưa ông, đồng loạt các thị trường lớn thuộc top đầu trên thế giới đều chính thức đồng ý nhập khẩu chính ngạch nhiều trái cây chủ lực của Việt Nam trong năm 2022 này chỉ là sự ngẫu nhiên hay còn có lý do nào khác?

Năm 2022, rất nhiều thị trường lớn trên thế giới đã có Nghị định thư và các văn bản cho phép Việt Nam xuất khẩu nông sản có tiềm năng và giá trị. Trước hết cần khẳng định, đây là quá trình đàm phán bền bỉ, liên tục với các nước trong nhiều năm qua chứ không phải sự ngẫu nhiên.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT và nhu cầu thực tế, từ doanh nghiệp, người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước đều mong muốn quá trình đàm phán kết thúc bằng những thành quả càng sớm càng tốt. Chúng ta mở cửa thị trường sớm ngày nào, đồng nghĩa nông sản được xuất khẩu, mang về lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp, cũng như giá trị cho đất nước sớm ngày đó.

Empty

Sự thành công trong mở cửa thị trường của nông sản Việt Nam trong năm 2022 là thành quả của quá trình đàm phán bền bỉ, liên tục với các nước trong nhiều năm qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chính vì vậy, sau thời điểm chúng tôi nộp những hồ sơ từ khoảng 5 - 6 năm trước là một quá trình đàm phán liên tục với những phương thức xử lý vấn đề kỹ thuật một cách linh hoạt. Kết quả đạt được chính là việc một số mặt hàng nông sản trọng yếu của Việt Nam mở toang cánh cửa đi sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand… trong năm 2022 này.

Có thể thấy, để đàm phán xuất khẩu thành công một mặt hàng trái cây, nông sản phải mất trung bình 5 - 6 năm, thậm chí là 10 năm, vậy lý do nào khiến việc đàm phán kéo dài như vậy thưa ông?

Việc đàm phán mở cửa thị trường là thông lệ chung trên toàn thế giới và bất kì nước nhập khẩu nào cũng đều phải tuân thủ Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) được thỏa thuận bởi các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong khuôn khổ WTO, khi nhập khẩu một loại nông sản mới, nước nhập khẩu đều yêu cầu phải đánh giá nguy cơ dịch hại. Đây là khâu đánh giá kỹ thuật yêu cầu sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian với trình tự hết sức phức tạp.

Empty

Đánh giá nguy cơ dịch hại là khâu đánh giá kỹ thuật yêu cầu sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian với trình tự hết sức phức tạp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ví dụ, khi muốn xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ, việc đầu tiên là chúng ta cần hoàn thiện một bộ hồ sơ với 9 nhóm vấn đề kỹ thuật. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt, nhanh sẽ mất khoảng 6 tháng. Nếu không có đầy đủ thông số kỹ thuật và cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi nộp hồ sơ, thời gian có thể kéo dài hơn 1 năm mới có thể hoàn thiện được bộ hồ sơ kỹ thuật và có 1 công hàm kèm theo bộ hồ sơ gửi sang nước nhập khẩu đề nghị mở cửa thị trường đối với nông sản mà chúng ta yêu cầu. Sau khi nhận được bộ hồ sơ đó, nước bạn sẽ kiểm tra tính hợp lệ, đặc biệt là 9 nhóm thông tin kỹ thuật.

Sau khi kiểm tra xong, nếu hồ sơ hợp lệ, họ sẽ thông báo cho chúng ta biết hồ sơ đã đầy đủ. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, nước bạn sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu bổ sung các thông tin theo yêu cầu. Do vậy, bước đầu tiên gửi công hàm và tài liệu kỹ thuật cũng đã mất rất nhiều thời gian. Có những bộ tài liệu phải mất hơn 1 năm mới hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận.

Sau khi công nhận tính hợp lệ của hồ sơ, nước nhập khẩu sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại. Thời gian triển khai công đoạn này sẽ phụ thuộc vào từng loại mặt hàng và từng quốc gia khác nhau. Bởi có những mặt hàng danh sách sinh vật gây hại chỉ khoảng 20-30 loại, nhưng cũng có những sản phẩm, danh sách sinh vật gây hại lên đến 100-200 loại. Càng nhiều đối tượng sinh vật gây hại trong bộ hồ sơ, công đoạn xem xét, đánh giá lại càng mất nhiều thời gian.

Đánh giá, chọn lọc, đưa ra những đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ cao với mặt hàng chúng ta xuất khẩu xong, nước nhập khẩu sẽ yêu cầu cung cấp những biện pháp quản lý và xử lý đối với từng đối tượng sinh vật gây hại. Đây là một bước rất quan trọng và mất rất nhiều thời gian. Nếu có sẵn biện pháp, chúng ta cần phải cung cấp những thông số kỹ thuật để nước bạn sẽ xem xét và đồng ý với biện pháp đó.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải) cùng các cơ quan của Bộ NN-PTNT kiểm tra cơ sở chế biến cà phê xuất khẩu tại Đăk Lăk. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chúng ta phải nghiên cứu và đánh giá thêm. Ví dụ như trường hợp đối tượng ruồi trên quả nhãn cần phải được xử lý lạnh. Trong khi việc nghiên cứu xử lý lạnh từ khâu chuẩn bị, xây dựng các công thức thử nghiệm đến khâu đánh giá hoàn tất đã mất hơn 1 năm.

Ngoài ra, nếu chỉ có một đối tượng và một biện pháp thời gian còn nhanh. Nếu có nhiều đối tượng khác nhau và phải áp dụng nhiều biện pháp xử lý khác nhau, đồng nghĩa với việc chúng ta phải nghiên cứu và xác lập những biện pháp để quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại đó sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đó là những lí do tại sao chúng ta phải tốn nhiều thời gian, nguồn lực để xây dựng các biện pháp quản lý các đối tượng sinh vật gây hại mà phía nước nhập khẩu quan tâm.

Sau khi đánh giá lại một lần nữa, trong trường hợp cần thiết, nước nhập khẩu sẽ cử chuyên gia sang xem xét, đánh giá, kiểm tra thực tế.

Nếu các thiết bị, thông số, cách thức, phương thức theo dõi của chúng ta đã chuẩn, nước bạn sẽ hoàn thiện các yêu cầu về kiểm định thực vật nhập khẩu, xây dựng kế hoạch cho phép chúng ta xuất khẩu khẩu, hay như Trung Quốc sẽ kí các Nghị định thư, trong đó đề cập toàn bộ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, các biện pháp xử lý trong kiểm dịch thực vật, các biện pháp xử lý hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Empty

Cục trưởng Hoàng Trung kiểm tra sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp đến, nước nhập khẩu sẽ công bố và lấy ý kiến công chúng trước khi thông qua. Hầu hết các nước như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Hoa Kỳ đều có khâu lấy ý kiến công chúng, lấy ý kiến toàn bộ các bên liên quan từ Hiệp hội, các trang trại, người dân đến người tiêu dùng đối với ngành hàng đó. Nếu có ý kiến yêu cầu nước xuất khẩu phải làm rõ chúng ta phải có văn bản trả lời và làm rõ ý kiến đó.

Đến khi không vướng mắc vấn đề gì, nước nhập khẩu mới hoàn thiện, tiếp thu, xem xét, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các bên liên quan và ra văn bản cuối cùng đề xuất lên cấp Bộ có thẩm quyền ban hành công hàm kèm theo văn bản về những yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm gửi cho nước xuất khẩu.

Qua đó, thông tin mốc thời gian phía nước nhập khẩu cho phép Việt Nam xuất khẩu loại hàng hóa sang thị trường của họ. Lúc đó chúng ta mới chính thức mở cửa được thị trường của mặt hàng đó. Đó là những lí giải cho câu hỏi tại sao có những sản phẩm chúng ta phải đàm phán mất 5 năm, có những sản phẩm là 7 năm, thậm chí có những sản phẩm mất tận 10 năm.

Có sẵn 20 bộ hồ sơ và giải pháp kỹ thuật để tự tin tiếp cận thị trường

Qua chia sẻ của ông có thể thấy, để đàm phán được thành công một loại trái cây cần có sự nỗ lực, bền bỉ không biết mệt mỏi của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, đặc biệt là ngành kiểm dịch thực vật, vậy qua những kết quả đàm phán mở cửa thị trường thành công vừa rồi, ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã có cho mình được nhiều kinh nghiệm hơn để tự tin tiếp tục đàm phán các mặt hàng tiếp theo chưa thưa ông?

Cho đến nay, Việt Nam đã có gần 20 năm thực hiện theo các quy định mới để mở cửa thị trường. Do vậy, việc chuẩn bị các bộ hồ sơ kỹ thuật theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như thông lệ quốc tế đã được nguồn lực cán bộ của chúng ta thực hiện rất tốt.

Empty

Hiện nay, Việt Nam đều có thể thực hiện được hầu như tất cả các biện pháp kiểm dịch thực vật trên thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, Cục BVTV đã có sẵn khoảng 20 bộ hồ sơ kỹ thuật tiếp cận thị trường để sẵn sàng áp dụng khi cần mở cửa thị trường. Với từng quốc gia nhập khẩu khác nhau, hồ sơ kỹ thuật sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Qua đó, thay vì mất từ 6 tháng đến 1 năm, chúng ta sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật và gửi kèm công hàm yêu cầu mở cửa thị trường tới nước nhập khẩu.

Ngoài ra, cho đến nay, Việt Nam đều có thể thực hiện được hầu như tất cả các biện pháp kiểm dịch thực vật trên thế giới. Cụ thể, thứ nhất là phương pháp chiếu xạ đang được các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, New Zealand, Australia… đang sử dụng phổ biến. Việt Nam hiện có 3 nhà máy chiếu xạ đã và đang hoạt động. Chúng tôi đang cố gắng nâng cấp, đa dạng hóa và tối ưu hóa công suất của các nhà máy này.

Thứ hai là biện pháp xử lý bằng hơi nhiệt nóng. Việt Nam đang có 5 nhà máy xử lý hơi nhiệt nóng phục vụ cho các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều yêu cầu bắt buộc phải áp dụng biện pháp này để xử lý toàn bộ các pha phát dục khác nhau của ruồi đục quả.

Thứ ba là biện pháp xử lý hơi nhiệt nóng bằng các năng lượng khác được dùng để xử lý các tấm pallet gỗ. Một trong những yêu cầu từ các nước nhập khẩu là tất cả các tấm pallet gỗ làm kệ đều phải được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tư là biện pháp xử lý bằng hóa chất. Hiện nay xu thế chung của thế giới là sử dụng 2 hoạt chất chính là Phosphine và Methyl Bromide và chúng ta đã sử dụng rất hiệu quả không chỉ xử lý pallet gỗ mà còn xử lý trên hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là một số mặt hàng trái cây tươi.

Thứ năm, xử lý lạnh không phải là biện pháp mới nhưng xử lý lạnh trong công tác kiểm dịch thực vật để phục vụ xuất khẩu lại là biện pháp mới. Phương pháp này vừa dùng để phục vụ xuất khẩu theo đường hàng không và tới đây là đường thủy một cách thuận tiện.

Empty

Những quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Australia đều có yêu cầu về rào cản kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm khắt khe số 1 trên thế giới. Ảnh: TL.

Để đáp ứng được những yêu cầu của nước nhập khẩu, Cục BVTV đang xây dựng và tiến hành áp dụng biện pháp quản lý ngoài đồng ruộng từ khâu chăm bón, thu hoạch, sử dụng thuốc BVTV, đóng gói, IPM… theo hệ thống. Việc ứng dụng hệ thống các biện pháp đó sẽ giúp đến khâu thu hoạch, chúng ta gần như loại bỏ triệt để các sinh vật gây hại các nước nhập khẩu quan tâm. Sau thu hoạch, các biện pháp thổi, rửa cũng đều được áp dụng.

Nếu làm tốt biện pháp này, chúng ta sẽ dần thay thế được những biện pháp xử lý bằng hóa chất cũng như những biện pháp có giá thành cao hơn. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện biện pháp này đối với từng sinh vật gây hại, từng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Những quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Australia đều có yêu cầu về rào cản kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm khắt khe số 1 trên thế giới.

Và Việt Nam đã vượt qua được những rào cản ấy, tất các các biện pháp xử lý của chúng ta đều đã thành công, các lô hàng xuất khẩu đều đáp ứng được những yêu cầu. Đó là cơ sở quan trọng để chúng ta có căn cứ đàm phán với các nước khác nhanh hơn, thuận lợi hơn, dễ được chấp nhận hơn.

Bỏ tư duy “buôn chuyến” để làm ăn lâu dài

Thưa ông, việc đàm phán mở cửa thị trường đã khó rồi, nhưng làm sao để giữ được uy tín, giữ được thị trường xuất khẩu còn khó hơn, ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp, HTX và người dân trong thời gian tới khi bắt đầu được thừa hưởng thành quả từ việc xuất khẩu chính ngạch, để việc mở cửa thị trường thực sự đem lại hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở trên Nghị định thư?

Đúng là mở cửa thị trường đã khó nhưng duy trì và mở rộng thị phần đối với một sản phẩm tại một quốc gia còn khó hơn. Muốn làm được điều đó cần phải có một chuỗi các biện pháp, các bộ ngành đều phải có trách nhiệm tham gia.

Empty

Nông dân là những người tạo ra các sản phẩm này, cần phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước hết, nông dân là những người tạo ra các sản phẩm này, cần phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Hiện nay, một trong những yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu là phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Mã số vùng trồng là do người dân thực hiện dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Họ là chủ sở hữu của mã số vùng trồng thì phải có ý thức, trách nhiệm với mã số của mình, phải tiếp tục tuân thủ theo các hướng dẫn, quy định của Nghị định thư cũng như các văn bản cam kết kỹ thuật mà 2 cơ quan nhà nước đã ký với nhau, đã tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân.

Người dân cũng phải cùng đồng hành, chung tay với nhau để tạo ra sự thống nhất, bài bản trong làm ăn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn tại địa phương và doanh nghiệp. Qua đó những sản phẩm sẽ đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật cũng như an toàn thực phẩm để doanh nghiệp có thể thu mua.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để người dân thực hiện tốt. Khi người dân làm tốt mới có thể nâng cao giá trị. Và giá trị cao, thu nhập cao chính là động lực để người dân thực hiện tốt hơn.

Empty

Doanh nghiệp phải tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân lực để cùng với người dân, chủ sở hữu các mã số vùng trồng tuân thủ các quy định một cách tốt nhất. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp đến, doanh nghiệp là cầu nối đưa các sản phẩm của nông dân để xuất khẩu sang các thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân lực, đặc biệt là những nhân lực có chuyên môn để cùng với người dân, chủ sở hữu các mã số vùng trồng tuân thủ các quy định một cách tốt nhất. Qua đó thu về được những sản phẩm vừa có sản lượng cao, vừa có chất lượng tốt.

Doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng theo cam kết với người dân. Thậm chí các doanh nghiệp cần phải thực hiện theo đúng cam kết về mặt bằng giá cả thu mua mặc cho sự thay đổi, biến động thị trường cũng như hợp đồng của doanh nghiệp với các đối tác nhập khẩu. Có như vậy mới bảo đảm được tính bền vững trong liên kết.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải chú trọng đạo đức kinh doanh. Cần xác định chúng ta không phải “buôn chuyến”, không phải làm 1 - 2 lần mà đang làm ăn bền vững với các đối tác. Các doanh nghiệp chính là những người thay mặt cho nông dân, thay mặt cho quốc gia xuất khẩu nông sản Việt Nam nên phải đảm bảo được uy tín của cả ngành hàng đó, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp, của quốc gia.

Song song đó, bản thân các doanh nghiệp phải có sự kết nối, cạnh tranh lành mạnh mới có thể bảo đảm, duy trì xuất khẩu, mở rộng thị phần nông sản tại thị trường quốc tế.

Empty

Cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã - Sơn La sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật một cách tốt nhất cho cả doanh nghiệp và người dân. Bộ cũng sẽ có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát các mã số vùng trồng theo cách thức của cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống kiểm dịch sẽ có trách nhiệm giám sát khâu cuối cùng. Chỉ những lô hàng được thu mua có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được kiểm dịch và xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm sớm phát hiện và xử lý những hành vi gian lận, làm trái với các Nghị định thư và văn bản đã ký kết. Từ đó bảo vệ được mã số vùng trồng, bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp đã dày công vun đắp, liên kết, hợp tác với nhau.

Bên cạnh đó, với chức năng quản lý nhà nước rõ ràng, Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ NN-PTNT, chỉ đạo hệ thống các tham tán thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia, góp phần mở rộng thị phần của các chuỗi ngành hàng xuất khẩu.

thi_truong_chau_au_2d0ef

Mở cửa thị trường đã khó nhưng duy trì và mở rộng thị phần đối với một sản phẩm tại một quốc gia còn khó hơn. Ảnh: TL.

Khi các sản phẩm của Việt Nam đã tiếp cận được thị trường nhập khẩu, mở rộng thị phần, hệ thống các tham tán cũng cần tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm đó. Đây là sầu riêng Việt Nam, đây là chanh leo Việt Nam… chất lượng như nào, công dụng ra sao… Làm được những việc như vậy mới có thể duy trì, mở rộng thị phần, bảo đảm sự phát triển ngành hàng một cách bền vững, lâu dài theo đúng kì vọng của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

Mã số vùng trồng không chạy theo phong trào số lượng

Có thể thấy trong quá trình thực hiện xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường các nước, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đóng vai trò then chốt, vô cùng quan trọng, vậy với chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, thời gian quan, Cục BVTV đã triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?

Muốn đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu của nước nhập khẩu chúng ta không được phép chạy theo số lượng, phải làm đến đâu chắc đến đó. Cấp được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nào phải đảm bảo hồ sơ tuân thủ theo đúng quy định của nước nhập khẩu. Khi chúng ta gửi hồ sơ sang nước bạn, nếu cần thiết, họ sẽ xem xét, kiểm tra trực tuyến rồi mới công nhận. Chúng ta không thể làm ào ạt và làm theo phong trào mà phải đi vào thực chất.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản phân cấp gần như 90% công việc cho hệ thống Chi cục Trồng trọt và BVTV tại các địa phương tham gia, có trách nhiệm thực hiện quy trình cấp mã số vùng trồng. Sau khi kiểm tra thực tế, Chi cục có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ và gửi về Cục BVTV. Cục cũng có riêng một phòng chuyên trách thẩm tra, xem xét lại hồ sơ và tổng hợp lại thành danh sách gửi lại cho cơ quan chức năng phía nước nhập khẩu.

Phía nước bạn sẽ xem xét và phản hồi lại kết quả. Với những hồ sơ chưa đạt, Cục BVTV sẽ yêu cầu các Chi cục và chủ sở hữu khắc phục. Với những hồ sơ đã đạt, phía nước nhập khẩu sẽ lên lịch cùng với Cục BVTV và các địa phương kiểm tra trực tuyến. Sau khi kiểm tra, cán bộ của nước bạn sẽ có báo cáo về cơ quan chức năng nước nhập khẩu để đưa ra thông báo chính thức những mã số vùng trồng đã đáp ứng yêu cầu. Khi nhận được thông tin, Cục BVTV sẽ gửi danh sách các mã số đó về các Chi cục để thông báo với người dân, các doanh nghiệp có thể đến thu mua, tổ chức đóng gói, xuất khẩu.

Doveco-19

Cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đảm bảo hồ sơ tuân thủ theo đúng quy định của nước nhập khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

Nói như vậy để hiểu rằng, trách nhiệm của Cục BVTV không được quyền cấp phép mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói, việc đạt hay không là do quyết định từ cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, riêng với Trung Quốc là Tổng cục Hải quan.

Đặc biệt, xuyên suốt việc thực hiện các quy trình trên, Cục BVTV đều chỉ đạo từ trên xuống dưới, không được thu bất cứ đồng phí nào. Tất cả đều được thực hiện miễn phí với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các Chi cục để phục vụ cho người dân, phục vụ cho ngành hàng. Mục đích cuối cùng là sản phẩm nông dân làm ra phải xuất khẩu được. Người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan phải hiểu và thực hiện theo đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Giá tiêu hôm nay 3/5/2024: Trong nước tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/5/2024 ở trong nước đồng loạt tăng mạnh 1.500 đồng. Qua đó đưa giá hồ tiêu nội địa giao dịch lên quanh ngưỡng 99.000 - 100.000 đ/kg.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.