| Hotline: 0983.970.780

Xã nghèo Thái Thủy đổi thay nhờ trồng rừng kinh tế

Thứ Ba 15/10/2024 , 09:41 (GMT+7)

Từ xã nghèo, Thái Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã vươn lên có trên nửa số dân khá giả nhờ trồng rừng kinh tế và cán đích nông thôn mới…

Thái Thủy là xã bán sơn địa với phần lớn diện tích thuộc gò đồi cằn cỗi. Hơn chục năm trước, Thái Thủy thuộc diện xã nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn mười năm trở lại đây, Thái Thủy đã có những đổi thay rõ nét. Nhiều nhà cao tầng, nhiều tuyến đường rộng.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho hay, sau khi có định hướng phát triển rừng trồng kinh tế thì người dân chúng tôi như tiếp được sức mạnh.

Đất hóa, đồi hoang đã dần được phủ màu xanh. Sau hơn mười năm đưa kinh tế rừng lên làm mũi nhọn, Thái Thủy đã có của ăn của để. Người dân vững về kinh tế đã góp phần đưa địa phương cán đích nông thôn mới như kỳ vọng.

Đường về xã Thái Thủy đi qua những khu rừng khép tán. Ảnh: T. Đức.

Đường về xã Thái Thủy đi qua những khu rừng khép tán. Ảnh: T. Đức.

Câu chuyện của người trồng rừng…

Chúng tôi ra rừng cùng ông Trần Văn Thuận (thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Với ông, bà con cũng quen gọi “vua rừng”, như để gắn với thứ bậc là người có diện tích rừng nhiều nhất ở xã này đó thôi.

Ông Thuận cười bảo: “Thì cũng tích cóp để mua đất, thuê đất trồng rừng qua hàng năm. Đến bây giờ thì cố định cứng rồi đâu được chừng trên 70ha rừng. Bữa nay cũng không thể bói đâu ra đất để mua hay thuê nữa mô. Ai ai cũng trồng rừng hết rồi mà”.

Ô tô chạy qua mấy tuyến đường bê tông rộng, xuyên qua khu dân cư lại tiếp những khoảng rừng nối nhau. Hai bên đường, rừng keo tràm đang vào kỳ khép tán như làm con đường lọt thỏm vào giữa mênh mông rừng. Chừng nửa giờ đồng hồ, ô tô dừng bên con đập của hồ chứa thủy lợi nhỏ đang được xây dựng, ông Thuận khoát tay quơ rộng một vòng rồi nói: “Đây là vùng rừng đã được 7 năm tuổi đấy. Thêm 3 năm nữa là thu hoạch. Diện tích ở đây cũng được chừng hơn chục ha thôi”.

Không kể dài câu chuyện phải lăn lộn trong vất vả để làm sao có hơn 70ha rừng, ông Thuận chỉ nói đến thành quả mà rừng đang mang lại. Bây giờ, mỗi năm, ông đưa vào kế hoạch khai thác 10ha rừng nhỏ (tức là rừng trồng 5 năm), bán tính theo trọng lượng cho các nhà máy để họ đưa vào máy xay làm gỗ dăm. “Nếu tính thu nhập 100 triệu đồng cho mỗi ha thì coi như gia đình tôi có số thu trên dưới một tỷ đồng. Ở quê cũng chẳng tiêu pha gì nhiều đâu nên xem như đó là tiền tích cóp đó thôi mà”, ông Thuận nói.

Rừng gỗ lớn tại xã Thái Thủy đã hơn 7 năm tuổi. Ảnh: T. Đức.

Rừng gỗ lớn tại xã Thái Thủy đã hơn 7 năm tuổi. Ảnh: T. Đức.

Mọi người cũng cười theo niềm vui của ông Thuận. Quả thực ở quê cứ năm nào cũng thu tiền tỷ như thế mà cũng chẳng phải “đau đầu, nhức tai” tính toán, cân nhắc nhiều thì chỉ có người trồng rừng mới có được.

“Cũng chưa hết đâu, hiện tôi có khoảng 20ha rừng trồng gỗ lớn, theo chu kỳ 10 năm khai thác đấy”, ông Thuận tiếp câu chuyện.

Chúng tôi vào giữa cánh rừng gỗ lớn của ông Thuận, mắt ngước lên nhìn ngọn những hàng cây keo tràm vút lên khoảng không. Những hàng cây sau những lần tỉa thưa đang vào độ tuổi sung sức cao hơn chục mét, ngọn nghiêng nghiêng trước gió.

Ông Thuận đến bên một cây nhìn gốc rồi xòe hai gang tay đo thân cây, ông bảo: "Vênh hơn hai mươi (đường kính gốc cây hơn 0,2m), vậy là được tốt rồi. Thêm 3 năm nữa là thu hoạch. Diện tích rừng này đảm bảo có khối lượng trên 250m3 mỗi ha đó. Loại này gỗ đen, chắc lắm. Đến giai đoạn này thì cây keo tràm đã cho gỗ ròng ra tận vỏ rồi nên lợi gỗ lắm”.

Theo tính toán của người dân Thái Thủy, nếu rừng gỗ lớn sau 10 năm khai thác thì bán gỗ thương phẩm chứ không phải bán làm nguyên liệu gỗ dăm. Khi đó, trung bình mỗi ha có trữ lượng gỗ khoảng 250-300m3. Đơn giá bán khoảng 120 ngàn đồng/m3, số thu khoảng 300 triệu đồng/ha.

“Nếu theo chu kỳ mười năm khai thác của rừng gỗ lớn thì với 20ha, trung bình mỗi năm gia đình tôi khai thác 2ha. Sau khi trừ chi phí cũng còn lãi ròng khoảng 500 triệu đồng nữa”, ông Thuận tính toán thêm.

Như vậy, sau ba năm nữa, khi đó, gia đình ông có tổng thu mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng từ rừng chứ không thể nào khác được. “Hiện nay, diện tích rừng gỗ nhỏ sau khi khai thác thì gia đình cũng đưa vào quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn thôi. Có nghĩa là, qua mỗi năm, diện tích rừng gỗ lớn cứ tăng dần lên”, ông Thuận bộc bạch thêm.

Ông Trần Văn Thuận: 'Rừng gỗ lớn mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng rừng'. Ảnh: T. Đức.

Ông Trần Văn Thuận: “Rừng gỗ lớn mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng rừng”. Ảnh: T. Đức.

Xã nghèo tăng tốc…

Qua hơn 10 năm thực hiện phát triển rừng trồng kinh tế, xã Thái Thủy có tổng diện tích rừng “nội địa” (tức là rừng nằm trên địa bàn xã quản lý), gần 3.900ha. Ở địa phương này, không còn miếng đất nào trống. Chạy suốt con đường liên xã, khi thì xuyên qua những cánh rừng khép tán, khi lại băng qua những cánh đồng. Cứ như vậy, hết rừng là khu dân cư, lại đến ruộng, kế tiếp lại rừng…

Khi đất trồng rừng tại địa phương đã cạn, người dân Thái Thủy lại hăng hái sang các vùng đất ở những xã khác để mua đất, thuê đất trồng rừng. Ông Lê Thuận Văn cho hay: “Diện tích rừng này chính quyền chúng tôi không quản lý, nhưng bà con cũng tự giác khai báo. Tổng diện tích rừng trồng theo dạng này cũng có trên 500ha nữa đó”.

Thay đổi nông thôn mới ở xã Thái Thủy hôm nay nhờ vào kinh tế rừng trồng. Ảnh: T. Đức.

Thay đổi nông thôn mới ở xã Thái Thủy hôm nay nhờ vào kinh tế rừng trồng. Ảnh: T. Đức.

Xã Thái Thủy có 5 thôn đều phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ trồng rừng. Trong đó thôn Nam Thái có tổng diện tích rừng nhiều hơn cả. Gặp ông Tô Ngọc Chung, Trưởng thôn Nam Thái trò chuyện, ông bảo, thôn có 350 hộ dân và có tổng diện tích rừng trồng hơn 1.500ha. Nếu tính theo chu kỳ rừng trồng 5 năm thu hoạch thì trung bình mỗi năm, người dân trong thôn khai thác vào khoảng 300ha rừng trồng và có số thu tương đương 30 tỷ đồng.

“Số doanh thu cứ liên tục tăng qua hàng năm nên đời sống của bà con ngày càng phát triển đi lên. Nếu mỗi hộ có khoảng 10ha rừng thì đảm bảo kinh tế gia đình ổn định khá giả. Nhưng diện tích rừng trên con số đó thì chắc chắn là giàu có rồi”, ông Chung bộc bạch thêm.

Xuất phát điểm từ một xã nghèo của huyện, sau hơn 10 năm phát triển trồng rừng kinh tế, Thái Thủy đã vượt lên rõ nét. Đến năm 2021, Thái Thủy cán đích nông thôn mới và hiện đang tiếp tục ổn định, phát triển lên xã nông thôn mới nâng cao.

Nhờ kinh tế rừng trồng mà bình quân thu nhập đầu người nơi đây đạt ngưỡng trên 62 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã có 1.300 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu của địa phương chiếm trên 50% tổng số hộ. Đã có hàng trăm hộ có diện tích rừng từ 10ha trở lên. Những gia đình này luôn được xếp vào diện làm giàu vững chắc.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.