Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình tiếp tục đầu tư sức người, sức của để thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM).
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Phó Chánh văn phòng văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Quảng Bình cho hay: “ Đến nay, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 66,4% tổng số xã. Hiện nhiều địa phương đang xây dựng xã NTM nâng cao...”.
Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích giai đoạn 2021 – 2025 đều là những xã khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất.
Từ đó dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao, khó huy động được nguồn lực xã hội hóa.
Trong năm năm 2022, có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Đến cuối tháng 10, xã Quảng Thạch đạt 19 tiêu chí các xã Cao Quảng còn 2 tiêu chí, xã Tân Hóa và xã Mỹ Trạch còn 3 tiêu chí. Riêng xã Yên Hóa (huyện miền núi Minh Hóa), còn 6 tiêu chí chưa đạt.
Thời gia qua, Quảng Bình có 19 xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Cụ thể, huyện Lệ Thủy 2 xã (Tân Thủy, Phong Thủy), huyện Quảng Ninh 6 xã (Võ Ninh, Vĩnh Ninh, Xuân Ninh, Hải Ninh, Duy Ninh và Hàm Ninh), thành phố Đồng Hới 5 xã (Quang Phú, Thuận Đức, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lộc Ninh), huyện Bố Trạch 3 xã (Thanh Trạch, Bắc Trạch, Đại Trạch), huyện Tuyên Hóa 2 xã (Mai Hóa, Châu Hóa), thị xã Ba Đồn 1 xã (Quảng Hải).
Qua quá trình xây dựng, nhiều địa phương đã tạo cho mình hướng đi mới trong việc phát triển ổn định kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, làng quê đáng sống...
Tuy nhiên, rà soát theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao thì hầu hết các xã còn 3-5 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí giáo dục, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường…đang gặp khó khăn chưa đạt được.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình chưa có cơ sở hỏa táng, phong tục của người dân cũng chưa quen với việc hỏa táng mà chủ yếu thực hiện hình thức địa táng. Do đó các xã không đáp ứng được “Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng” (≥5%) theo quy định của Trung ương.
“Vì vậy, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh năm 2022 rất khó về đích theo kế hoạch, nếu Trung ương không có sự điều chỉnh tiêu chí này”- ông Cường cho hay..
Thời gia qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu NTM để nhiều vùng nông thôn thành vùng quê đáng sống.
Các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp từ sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, 8 KDC cấp tỉnh đã xây dựng mới 18 vườn mẫu, xây dựng mới và duy trì 52 mô hình phát triển kinh tế, trang trại, gia trại. Tỷ lệ hộ nghèo tại 8 KDC giảm bình quân gần 4%, số hộ khá và giàu ngày càng tăng. Các KDC được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 140 nhà “Đại đoàn kết” với trị giá trên 6,2 tỷ đồng. Cả 8 KDC đều đạt danh hiệu KDC văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa bình quân trên 94%.
Từ 8 mô hình cấp tỉnh, các cấp huyện, xã đã triển khai được 192 mô hình (riêng năm 2022 nhân rộng 133 mô hình). Trong đó, huyện Lệ Thủy 26 mô hình, Quảng Ninh 21 mô hình, TP. Đồng Hới 34 mô hình, Bố Trạch 27 mô hình, TX. Ba Đồn 27 mô hình, Quảng Trạch 13 mô hình, Tuyên Hóa 17 mô hình và Minh Hóa 27 mô hình. Hiện, toàn tỉnh có 26 khu dân cư (KDC) kiểu mẫu được UBND huyện công nhận theo bộ tiêu chí của tỉnh ban hành.
Các KDC duy trì phong trào chăm sóc các tuyến đường hoa, điểm hoa. Đã trồng trên 9.000 cây hoa tường vi, bằng lăng, mưng, hoàng yến và các loại hoa khác với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Xây dựng 28 tuyến đường kiểu mẫu, với chiều dài hơn 7,2km. Hoàn thành gần 9km đường, trụ điện “Thắp sáng đường quê”, đoạn đường chiếu sáng với trị giá trên 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, các KDC đã lắp đặt mới 125 camera giám sát an ninh trật tự tại 18 tuyến đường và ngã ba, ngã tư với chiều dài hơn 25km. Nhiều KDC có cách làm hay, sáng tạo, như: Tổ dân phố 3 (phường Đồng Phú) đã thực hiện 1 đường tranh bích họa dài trên 77m, hoàn thiện đoạn đường điện chiếu sáng với kinh phí gần 900 triệu đồng, xây dựng và nhân rộng được 4 mô hình KDC nhà trọ VMKM. Khu phố 2 (phường Ba Đồn) xây dựng 1 tuyến đường hoa kiểu mẫu dài 300m.
Thôn Đông Dương (xã Quảng Phương) sửa chữa nhà văn hóa và mua sắm các trang thiết bị vui chơi, tập luyện thể dục thể thao, mua sắm mới 100% hệ thống loa truyền thanh của thôn với trị giá gần 250 triệu đồng.
Nhân dân thôn Hà Thiệp (xã Võ Ninh) đóng góp trên 1,2 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hội họp, văn hóa, văn nghệ và xây dựng tường rào, khuôn viên trồng hoa xung quanh nhà văn hóa. Bê tông 2 tuyến đường trục thôn với tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,3 tỷ đồng...
Đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa thể thực hiện các tiêu chí trên diện rộng như Lâm Thủy, Kim Thủy, Trường Sơn, Tân Trạch, Thượng Trạch, Dân Hóa…Quảng Bình sẽ tập trung xây dựng NTM ở cấp bản, cụm bản, chú trọng xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn các tiêu chí thiết thực, dễ làm, tạo được chuyển biến rõ nét đối với đời sống người dân để ưu tiên thực hiện. Qua đó, đảm bảo các xã này không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc xây dựng NTM toàn tỉnh ’’- ông Cường cho hay.
Với những cách làm sáng tạo, những năm trước đã có 2 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm thôn Lo ng Sơn, thôn Liên Xuân (xã miền núi Trường Sơn). Năm 2022, Quảng Bình phấn đấu có thêm 11 thôn bản đạt chuẩn NTM, 35 khu dân cư kiểu mẫu và 137 vườn mẫu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: “Ngoài việc chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022, các sở ngành cần khẩn trương rà soát mức độ đạt được của các tiêu chí đối với xã NTM nâng cao, MTM mới kiểu mẫu năm, để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đánh giá và xử lý vướng mắc, đặc biệt là các tiêu chí nhiều xã đang gặp khó khăn”.