Trước đây, xã Phú Thịnh được biết đến là một trong những xã nghèo của huyện Yên Sơn. Khi cái nghèo còn đeo bám, cuộc sống của người dân ở nhiều bản làng khó khăn, chuyện chạy ăn bữa nay lo bữa mai luôn ám ảnh trên mỗi nếp nhà.
Nâng cao thu nhập cho người dân, xã Phú Thịnh khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó xã đã dần hình thành các vùng cây, con chủ lực để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn xã có 14ha bưởi, 6,5ha thanh long 6,5ha, 2.100ha rừng, trong đó 424ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hằng năm diện tích rừng của xã cho khai thác đạt 120ha, thu về hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, mới đây xã đưa vào trồng thử nghiệm cây dưa chuột theo hướng an toàn khá hiệu quả. Trồng dưa chuột bà con được cung cấp giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 2.000 đồng/kg, còn giá trung bình là 5.000 đồng/kg. Nhờ đó mà sau 1 vụ trồng dưa, nhiều hộ gia đình đã có thu lãi 7 triệu đồng/sào. Cao gấp 2, đến 3 lần so với trồng lúa, ngô.
Gia đình chị Trần Thị Vân, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trồng gần 2 sào dưa chuột. Được UBND xã Phú Thịnh hỗ trợ giống, tạo diều kiện cho đi tham quan mô hình trồng dưa leo tại huyện Sơn Dương, HTX Minh Tâm tư vấn về kỹ thuật, quy trình, trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Chị Vân cho biết, sau gần 2 tháng cây dưa bắt đầu cho thu hoạch, tổng sản lượng gần 1,5 tạ quả. HTX Minh Tâm thu mua tại vườn với giá 6.000 đồng/kg, nên chị và người trồng dưa trong xã rất phấn khởi. Cây dưa chuột đang là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân nơi đây.
Thôn Ngẹt, xã Phú Thịnh có 113 hộ dân sinh sống, với 99% là đồng bào dân tộc Dao. Là thôn khó khăn nhất của xã với Phú Thịnh, với 16 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Diện tích đất lúa và màu 26ha, trung bình mỗi khẩu chưa được 1/2 sào nên không đảm bảo lương thực gối từ vụ này qua vụ khác. Tuy nhiên đây cũng là một trong những thôn có diện tích rừng lớn nhất xã, với 400ha. Ngoài trồng rừng, người dân nơi đây đã chủ động đi làm thuê trong những ngày nông nhàn, hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp bởi vậy đời sống của bà con cũng dần đỡ khó khăn.
Năm nay, thôn có 4 hộ được hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo. Từ các nguồn vốn mỗi hộ gia đình được hỗ trợ từ 20 đến 50 triệu đồng. Chúng tôi đến gia đình anh Lý Văn Bính, hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà. Bên căn nhà chuẩn bị được hoàn thiện, anh Bính chia sẻ, trước đây gia đình sống tại căn nhà gỗ đã mục nát ở gần bìa rừng. Nay được các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ tiền, nhà đình vay thêm anh em họ hàng xây căn nhà 60m2 kiên cố. Các cụ đã dạy, có an cư mới lạc nghiệp, có nhà ở kiên cố, là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cuối năm 2021, xã Phú Thịnh phấn đấu về đích NTM. Xã đã đạt 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí là trường học, nhà ở dân cư và thu nhập. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã là 33 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 30 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo. Hiện 6/7 thôn có nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; bê tống hóa được trên 17 km đường giao nông thôn, làm 10,8 km đường điện thắp sang đường quê, tỷ lệ hộ dân có nhà xây kiên cố chiếm trên 70%...
Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, ông Tạ Xuân Tình, cho biết, trong các tiêu chí thì thu nhập luôn là nỗi trăn trở, thế nên việc tìm ra hướng đi bền vững, hiệu quả nâng cao thu nhập ổn định cho người dân luôn là vấn đề được đặt ra. Bởi trên thực tế, nhiều vùng vẫn còn khó khăn về đường giao thông, tập quán canh tác và trình độ dân trí.