Đặc biệt, đáng báo động với hai hành vi là xả thải và xâm hại hành lang bảo vệ công trình. Đây đều là những con số biết nói.
Vi phạm tràn lan
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính Cty TNHH Hutchison Việt Nam, trụ sở thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) về hành vi xả không phép.
Kiểm tra xử lý nước thải tại một doanh nghiệp ở Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Kế Toại. |
Các đợt lấy nước tưới tiêu vụ đông xuân 2019 – 2020 đang tới gần. Trong khi, vấn nạn xâm hại công trình và ô nhiễm nguồn nước hết sức nhức nhối. |
Cụ thể, doanh nghiệp này có hành vi vi phạm hành chính về hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (15m3/ngày đêm) nhưng giấy phép đã hết hạn. Theo đó, giấy phép số 403 UBND tỉnh Hưng Yên cấp ngày 24/12/2014, có thời hạn 3 năm (24/12/2017). Như vậy, giấy phép xả thải của doanh nghiệp này đã hết hạn gần 2 năm nhưng chưa xin gia hạn cấp lại.
Theo Tổng cục Thủy lợi, hành vi trên bị xử phạt theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 14 Nghị định 104 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng chống thiên tai; Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Đê điều.
Mức xử phạt đối với Cty TNHH Hutchison Việt Nam là 90 triệu đồng. Tổng cục Thủy lợi yêu cầu doanh nghiệp này chấp hành quyết định xử phạt theo quy định. Đồng thời buộc khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.
Sự việc tại Cty TNHH Hutchison Việt Nam trên thực tế chỉ như “giọt nước tràn ly”, nhưng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề xâm hại công trình thủy lợi trên hệ thống Bắc Hưng Hải.
Công trình lấn kênh Kim Sơn tại huyện Bình Giang (Hải Dương). Ảnh: Kế Toại. |
Thời gia qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam liên tiếp phản ánh hàng loạt điểm nóng trên hệ thống này. Điển hình nhất là vụ một người dân tự ý đóng hàng chục cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm hàng trăm mét vuông lòng kênh Kim Sơn, đoạn qua xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang (Hải Dương).
Ngày 23/11, thông tin từ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi, công trình vi phạm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Sự việc diễn ra từ tháng 7/2019, hàng chục văn bản đề nghị xử lý của các cơ quan, Bộ NN-PTNT “dội” về nhưng chính quyền địa phương vẫn bình chân như vại.
Chưa ở đâu, một cơ quan công quyền với đầy đủ ban bệ, lực lượng vũ trang nhưng hàng tháng trời vẫn không xác định được đối tượng vi phạm!?. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm cũng như năng lực thực sự của những người điều hành địa phương.
Chính quyền đang ở đâu?
Không chỉ buông lỏng, thiếu trách nhiệm, tại một số nơi, chính quyền địa phương còn có dấu hiệu tiếp tay, “bảo kê” cho hành vi xâm hại công trình thủy lợi.
Hàng nghìn mét vuông đất lưu không ven kênh Kim Sơn tại xã Trưng Trắc bị lấn chiếm 10 năm qua. Ảnh: Kế Toại. |
Minh chứng cụ thể nhất là việc, chính quyền xã Trưng Trắc và huyện Văn Lâm lần khất xử lý vi phạm lấn chiếm đất lưu không làm bến bãi, dừng lán trại. Sự việc kéo dài gần 10 năm, tuy nhiên đối tượng vi phạm chưa một lần bị xử phạt hay cưỡng chế. Trong khi, đối tượng vi phạm là người bản địa, không hề “khó” xác định như vụ việc tại Bình Giang (Hải Dương).
Không chỉ ở cấp xã, huyện, ngay ở cấp cao hơn như UBND tỉnh Hưng Yên cũng có những động thái vượt thầm quyền Bộ NN-PTNT trong việc cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi. Điều này vô hình chung đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật một cách vô tư.
Thông qua kiểm tra, Tổng cục Thủy lợi đã phát hiện không ít doanh nghiệp vẫn được tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép xả thải vượt thẩm quyền. Điển hình là vụ việc tại Cty TNHH MTV Kinh đô miền Bắc mà Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh gần đây.
Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn nạn nhức nhối trên đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Kế Toại. |
Ngoài ra, theo tìm hiểu, riêng trong ngày 30/7/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành tới 4 quyết định cấp phép xả thải vào nguồn nước cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn gồm: Cty CP Đức Thắng, Cty CP Thuận Đức, Cty TNHH Phú Mỹ và Cty CP công nghệ Traphaco.
Theo Tổng cục Thủy lợi, thời gian qua, đơn vị cũng như Bộ NN-PTNT nhiều lần gửi công văn yêu cầu các tỉnh rà soát, báo cáo và chấp hành nghiêm việc cấp giấy phép xả thải theo Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, những vụ việc vượt quyền cấp phép vẫn diễn ra.
Qua những vụ việc, lãnh đạo Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải hay Tổng cục Thủy lợi đều khẳng định, nhiều địa phương đang thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. |