| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 18/06/2019 , 09:03 (GMT+7)

09:03 - 18/06/2019

Xăng dầu giả, hậu quả thật

Việc đại gia Trịnh Sướng ở Sóc Trăng bị bắt giữ, thực sự làm chấn động thị trường xăng dầu trên cả nước.

Đại gia xăng dầu Trịnh Sướng tại Cơ quan điều tra. Ảnh: LX/Báo Lao động.

Không phải vì tạm giam đại gia Trịnh Sướng làm ách tắc nguồn cung xăng dầu, mà người tiêu dùng giật mình không ngờ thứ nhiên liệu quan trọng này lại có thể được pha chế tùy tiện và mua bán bừa bãi như vậy.

Tính từ năm 2015 đến nay, mỗi tháng các công ty và các đại lý của Trịnh Sướng tung ra khoảng 6 triệu lít xăng dỏm. Nguồn lợi mà Trịnh Sướng thu được thật khổng lồ, bởi riêng số tiền khai đã dùng để mua dung môi pha trộn xăng dỏm lên đến 3.000 tỷ đồng.

Vì sao một đường dây tội phạm nguy hiểm do Trịnh Sướng đứng đầu lại tồn tại ngang nhiên và lâu dài suốt nhiều năm? Vì sự khôn ngoan của chính y, hay vì sự hờ hững của cơ quan chức năng? Cách đây 4 năm, Trịnh Sướng từng dính đến vụ buôn lậu xăng dầu có giá trị khoảng 40 tỷ đồng, nhưng chỉ phạt hành chính 50 triệu đồng rồi nhận lại hàng hóa để tiếp tục kinh doanh. Rõ ràng, sau lưng Trịnh Sướng có nhiều quan hệ khuất tất mà những người lương thiện không thể nào hình dung đầy đủ.

Thị trường xăng dầu luôn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Giá cả xăng dầu chi phối đến túi tiền của người dân, còn chất lượng xăng dầu tác động đến tài sản và tính mạng của người dân. Đã có nhiều vụ cháy nổ rùng rợn xảy ra. Xe máy đang chạy bỗng bốc cháy, xe hơi đang chạy bỗng bốc cháy, khiến cộng đồng hoang mang.

Để giải thích cho hiện tượng quái lạ ấy, thì nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là xăng dầu dỏm. Khi chất lượng xăng dầu không đảm bảo, không những động cơ xe bị hư hỏng mà những tai nạn cũng rình rập khôn lường.

Kinh doanh xăng dầu được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Muốn mở một công ty xăng dầu không đơn giản. Thậm chí chuyện tăng giá xăng dầu còn từng được Bộ Công thương đề nghị đưa vào dạng thông tin mật. Vậy mà hàng triệu lít xăng giả vẫn được Trịnh Sướng và đồng bọn thoải mái sản xuất và tiêu thụ một cách dễ dàng. Từ kho bãi ở Sóc Trăng, xăng dầu kém chất lượng của Trịnh Sướng đã tỏa đi nhiều tỉnh thành và gây bất an trên diện rộng.

Nếu không có vụ xe hơi bốc cháy đột ngột ở Đăk Nông, để Bộ Công an chỉ đạo điều tra lần ra manh mối làm ăn gian lận của Trịnh Sướng, thì liệu có ai biết được trung tâm chế biến xăng dỏm ẩn nấp tại miền Tây Nam bộ không?

Những người có trách nhiệm ở tỉnh Sóc Trăng đều ngơ ngác về hành vi táo tợn của Trịnh Sướng, trong khi Trịnh Sướng lại tài trợ cho một đoàn quan chức địa phương đi du lịch Nhật Bản, thì phải hiểu làm sao cho đỡ ê chề trước hậu quả từ xăng dầu giả?

Trịnh Sướng là trường hợp làm xăng giả duy nhất trên thị trường hiện nay chăng? Chưa ai dám chắc, nếu những đơn vị nghiệp vụ liên quan đến quản lý chất lượng xăng dầu vẫn đổ lỗi vòng quanh, thì những Trịnh Sướng khác sẽ xuất hiện.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm