Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong danh mục công trình của quy hoạch có đập Xuân Quan và đập Long Tửu.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đang chỉ đạo triển khai xây dựng Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2022 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa giải pháp đập Xuân Quan, đập Long Tửu.
Trong quy hoạch quốc gia về nhiệm vụ, vị trí, quy mô, các thông số thiết kế của công trình, khả năng dâng cao đầu nước, khả năng đáp ứng yêu cầu lấy nước của các công trình thủy lợi hai bên sông Hồng, nghiên cứu tính toán các tác động đến dòng chảy, thoát lũ, khả năng ngập các bãi, kết hợp giao thông thủy, môi trường, sinh thái… và sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để xem xét đầu tư xây dựng công trình.
“Chúng tôi tính toán các công trình hiện nay lấy nước ven sông Hồng có lưu lượng thiết kế là 400m3/giây, lưu lượng bình quân tháng mùa kiệt bình quân từ 1.300 đến 1.700m3/giây. Nếu lấy hết công suất thì vẫn còn dòng chảy tối thiểu trên 1.000m3/giây và đảm bảo dòng chảy cho môi trường. Ngoài ra, việc không phải xả 3 đến 5 tỷ m3 nước sẽ tiết kiệm nguồn điện năng rất lớn cho miền Bắc trong đợt cao điểm”, ông Thành phân tích.
Cùng với đó, các dòng sông “chết” như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Bắc Hưng Hải sẽ được làm ‘sống lại’, vấn đề ô nhiễm bấy lâu nay sẽ được giải quyết. Theo ông Thành, Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô nên rất cần dâng nước để cải thiện tình trạng nhiều thuyền phải nằm cạn, sông trơ đáy, gây cản trở giao thông cũng như việc triển khai các tuyến du lịch. Do đó, việc dâng mực nước từ cốt 4, cốt 5 sẽ góp phần phát triển thành phố và phù hợp với quy hoạch.
Cùng góc nhìn về việc xây dựng đập dâng tại cống Xuân Quan và Long Tửu, GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng: "Cái được đầu tiên là dâng được mực nước để các công trình thủy lợi ở ven sông cũng như các sông nội địa đều có thể lấy nước một cách chủ động. Việc thứ hai rất quan trọng và những người trong ngành thủy lợi đều rất quan tâm, đó là hiện nay tỷ lệ phân lưu mùa lũ giữa sông Hồng và sông Đuống đang có hướng phát triển thiên về sông Đuống. Trong khi đó, hệ thống sông Đuống – sông Thái Bình lại đang rất yếu kém. Và như vậy thì sự an toàn của đê sẽ bị đe doạ”.
Do đó, xây dựng đập dâng còn có tác dụng khống chế tỷ lệ phân lưu giữa hai dòng sông theo đúng tính toán cũng như thiết kế của hệ thống đê đã được xây dựng để chống lũ trước đây. Theo GS Học, sẽ có những tác động tiêu cực bởi nguyên tắc của đập xây trên sông là có liên quan tới thoát lũ và có thể sẽ gây cản trở. Tuy nhiên, khoa học công nghệ hiện đại như ngày nay có thể giải quyết được vấn đề này.
“Mỗi công trình khi xây dựng đều đặt ra những lợi ích rất lớn, nhưng trong đó có những tác động tiêu cực cần các nhà khoa học nghiên cứu để giải quyết. Ví dụ như giao thông thì có âu thuyền cho tàu bè; thoát lũ thì phải quản lý để không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Còn về luồng cá di chuyển, khi dâng nước lên thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần tính toán, thiết kế để đản bảo luồng cá trong trạng thái gần như bình thường khi chưa xây dựng đập. Từ đó, đảm bảo cuộc sống của người dân ven sông, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản”, ông Học chia sẻ.
Để xây dựng các đập dâng trên sông Hồng trong trung hạn 2026-2030, các bước triển khai tiếp theo sẽ phải thực hiện theo đúng trình tự được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Luật có liên quan.
Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến đánh giá tác động môi trường của dự án; sự phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch giao thông thủy, giao thông bộ của các tỉnh có liên quan (trong trường hợp có kết hợp cầu giao thông với đập dâng) cũng như đảm bảo tuyệt đối về an toàn các tuyến đê và hành lang thoát lũ.
Bộ NN-PTNT đang cân đối nguồn vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2026-2030 để tuyển chọn đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá giai đoạn báo cáo tiền khả thi của dự án, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự kiến sang năm 2024, song song với việc tổ chức hội thảo, Cục Thủy lợi sẽ xin ý kiến Bộ NN-PTNT cho lập dự án đầu tư để đánh giá tính khả thi của công trình đập dâng trên dòng chính, xin ý kiến một cách thận trọng, kỹ lưỡng, xem xét, đánh giá đầy đủ các tác động (tích cực, tiêu cực) để có thể triển khai, thực hiện.