| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nền kinh tế xanh để thu hút đầu tư FDI

Thứ Sáu 09/12/2022 , 19:08 (GMT+7)

Đã đến lúc Việt Nam phải phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Đó là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư FDI, hội nhập kinh tế Quốc tế.

Tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam - Thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào phát triển nông nghiệp bền vững” diễn ra sáng 9/12/2022 tại TP.HCM, do ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT chủ trì, đại diện các doanh nghiệp trong, ngoài nước đã có những chia sẻ tâm huyết về việc làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã có những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về mục tiêu phát triển đầu tư FDI ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã có những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về mục tiêu phát triển đầu tư FDI ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế. Xuất khẩu nông sản không ngừng tăng trưởng, đã đưa Việt Nam vào tốp 15 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu nông sản trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 62,3%, từ 30 tỷ USD năm 2015 lên 48,6 tỷ USD năm 2021. Trong 11 tháng đầu năm 2022 đã đạt 49 tỷ USD. Sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Đóng góp vào thành tựu chung của ngành, có vai trò đặc biệt quan trọng của các dự án đầu tư vào nông nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng, nhờ đó hỗ trợ tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Tính đến hết năm 2021, tổng số dự án luỹ kế còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp là 516, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3,72 tỷ USD.

Tính rộng ra các dự án chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật tư nông nghiệp, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, tổng số dự án khoảng 2016 dự án với vốn đăng ký đạt 17,6 tỷ USD. Các dự án FDI đã bổ sung nguồn vốn đáng kể cho ngành nông nghiệp, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam ra thế giới và đưa nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những năm gần đây, nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những năm gần đây, nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại diễn đàn, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT phát biểu: “Việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nông sản Việt, góp phần tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì thế, một trong những giải pháp trọng tâm trong chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam là đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư sử dụng công nghệ cao, kỹ năng và tối đa hoá giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành và làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới”.

Đã đến lúc phải xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững

Đó là quan điểm của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Theo quan điểm của EuroCham, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất trên hành tinh về biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nền kinh tế Việt Nam đã suy giảm 3,2% do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trừ khi có các biện pháp đối phó ngay lập tức, biến đổi khí hậu dự báo ​​sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam từ 12 đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Ngoài ra, năm 2022 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố toàn cầu như đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, xung đột Ukraine-Nga, áp lực lạm phát.

Tại diễn đàn, đại diện công ty CJ Bio Việt Nam khuyến nghị về việc giới hạn tỷ lệ đạm thô trong thức ăn chăn nuôi, nhằm cải thiện lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường nhờ giảm khí nhà kính phát thải từ nông nghiệp và chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại diễn đàn, đại diện công ty CJ Bio Việt Nam khuyến nghị về việc giới hạn tỷ lệ đạm thô trong thức ăn chăn nuôi, nhằm cải thiện lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường nhờ giảm khí nhà kính phát thải từ nông nghiệp và chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Vì vậy, việc phát triển kinh tế cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Và đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững.

Cơ hội đầu tiên là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), trong đó có Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Hiệp định thương mại thế hệ mới này có tiềm năng to lớn để thúc đẩy thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 và giúp các bên tham gia EU và Việt Nam có được sự an toàn về mặt pháp lý, đồng thời nhận diện các rủi ro và hưởng lợi từ các cơ hội mới để phát triển xanh, bền vững. EVFTA và EVIPA (sau khi được các nước thành viên EU phê chuẩn) có tiềm năng thúc đẩy dòng vốn FDI từ các nước châu Âu vào Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ dòng vốn chảy vào và năng suất không ngừng được cải thiện. Nguồn lực đầu tư từ châu Âu có chất lượng hàng đầu và có thể mang lại lợi ích năng động bằng cách giúp phổ biến các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường.

Kết quả của EVFTA là rất quan trọng. Với việc gỡ bỏ gần như toàn bộ rào cản thuế quan đối với 71% hàng hóa Việt Nam xuất sang châu Âu và 65% hàng hóa châu Âu vào Việt Nam, lợi thế tiếp cận thị trường là không cần bàn cãi. Một mặt, việc loại bỏ thuế quan khuyến khích thương mại hai chiều. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đã tăng trưởng mạnh (trên 20%) sau 2 năm đầu thực hiện FTA; và thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng trên 14% vào năm 2021, minh chứng rõ nét cho tự do thương mại.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, yếu tố môi trường khi đầu tư sản xuất kinh doanh cũng cần được chú trọng. Chương XIII của EVFTA đã nhấn mạnh nhiệm vụ thiết yếu là tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với các sản phẩm và dịch vụ môi trường.

Sản xuất hữu cơ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sản xuất hữu cơ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cơ hội thứ hai là Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030 hướng tới đẩy nhanh quá trình cơ cấu kinh tế để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính bằng ứng dụng công nghệ. Tăng trưởng xanh đi đầu trong phát triển kinh tế bền vững hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và làm tăng trưởng vốn tự nhiên.

Các doanh nghiệp phải kết hợp tính bền vững vào các mô hình, chính sách và kế hoạch kinh doanh của mình. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ những ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông - lâm - thủy sản. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất hữu cơ vì những lợi ích rất lớn nó mang lại cho môi trường, sức khoẻ và thu nhập.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là Việt Nam cần tận dụng lợi thế tiềm năng về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng điện có thể giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Tại diễn đàn này, tôi mong đại diện các nhà đầu tư cùng cởi mở chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như triển khai FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam; đề xuất các chính sách cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đề xuất sáng kiến và dự án hợp tác cụ thể nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện và ban hành Đề án thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp đến năm 2030, dự kiến trong tháng 12/2022. Kết quả diễn đàn này sẽ được tổng hợp vào các giải pháp trong Đề án, đồng thời giúp chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.