Huyện Tri Tôn là vùng núi giáp với biên giới nước bạn Campuchia, có tổng cộng 13 xã, thị trấn, trong đó có đến 9 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các xã có đông đồng bào Khmer. Do vậy, nhiều năm qua, huyện Tri Tôn cùng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đặc biệt chú tâm đến các xã vùng đồng bào dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết: Có thể nói từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tri Tôn đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, nông thôn ngày càng khang trang, cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Hệ thống thủy lợi phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm thực hiện và các xã cơ bản có các mô hình liên kết. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng lên.
Tính đến nay, toàn huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM là: Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi và Lương An Trà. Hiện nay các xã này đều giữ vững bộ tiêu chí, chỉ tiêu NTM và đang hướng đến đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đối với người dân ở các địa phương này, NTM không chỉ là danh hiệu đáng tự hào, mà còn mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho vùng đồi núi thật sự khó khăn này.
"Cũng nhờ xây dựng NTM mà thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hàng năm, đến nay đạt 46 triệu đồng/năm triệu đồng/người/năm, tăng gần 15 triệu đồng so năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,97%, trên 97% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Hệ thống chính trị và các đoàn thể đều đạt vững mạnh. Công tác quân sự, quốc phòng, ai ninh trật tự được đảm bảo", ông Văn cho hay.
Để có kết quả trong việc xây dựng NTM như hôm nay là nhờ sự đồng lòng, chung sức từ chính quyền đến người dân và huy động tổng nguồn lực tài chính hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tạo diện mạo mới cho các xã trong phát triển kinh tế. Đến nay, các tuyến đường trục xã, đường trục chính nội đồng của các xã đã được bê tong hóa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Điển hình như tại xã Lương Phi, dù điểm xuất phát ban đầu không cao nhưng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tri Tôn vẫn chọn làm xã điểm và đặt ra kế hoạch đạt các chỉ tiêu NTM trong năm 2019. Nhờ xây dựng NTM, giờ có thêm những tuyến đường quan trọng được đầu tư, như: đường bê-tông nối Tỉnh lộ 955B giáp đầu kênh Bến Bò, nối tỉnh lộ 955B giáp đầu kênh Bến Xã, đường Bến Dầu…
Còn xã Lương An Trà là xã cửa ngõ phía Tây của trung tâm huyện Tri Tôn, tiếp giáp với huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Xã bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM từ năm 2010, với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp chung tay góp sức đã giúp xã hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM vào cuối năm 2019, trước dự kiến 1 năm.
Bằng những tư duy và sáng tạo của mỗi gia đình trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã có nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Chau Hon, ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời, thông qua Ban Quản lý Dự án phát triển năng lượng bền vững (Sở NN-PTNT An Giang) phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tài trợ làm mô hình. Ông Chau Hon trồng 400m2 dưa leo trong nhà lưới dưới các tấm pin năng lượng mặt trời giúp cây phát triển tốt hơn so với trồng bình thường bên ngoài, tỷ lệ đậu trái khá ổn định.
"Hiện tại, gia đình tôi thu hoạch mỗi ngày hơn 30kg dưa leo, bán giá 10.000 đồng/kg. Trái có mẫu mã quả đẹp và dài, tươi ngon, được bạn hàng đánh giá cao. Còn nguồn điện năng lượng mặt trời tôi thu từ 6-7 triệu đồng/tháng nhờ cho một số cơ sở sản xuất lân cận.
Ngoài việc xây cầu, làm đường giao thông ra, những năm gần đây Tri Tôn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh cũng được hỗ trợ triển khai trên địa bàn. Tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện, được hỗ trợ thực hiện mô hình tưới tự động bằng năng lượng mặt trời trồng cây ăn trái và rau màu đang đem lại kết quả cao, từ đó giúp cải tạo đời sống người dân ngày được nâng lên.