| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân được hưởng lợi

Thứ Ba 02/04/2024 , 08:58 (GMT+7)

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế ở xã Bình Phú được hình thành, mang lại hiệu quả, gia tăng thu nhập cho người dân.

Đến nay, xã Bình Phú đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu về xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: L.K.

Đến nay, xã Bình Phú đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu về xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: L.K.

Đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, sau 6 năm thực hiện duy trì nâng chuẩn với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay, xã Bình Phú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao.

Theo lãnh đạo xã Bình Phú, trong giai đoạn vừa qua, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho địa phương còn rất hạn chế. Mặc dù vậy, xã này đã tranh thủ và lồng ghép các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo. Đạt tỷ lệ giải ngân 100%, qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Chương trình NTM trên địa bàn.

Ngoài ra, để có được thành quả này không thể không kể đến đóng góp của người dân. Từ năm 2019 đến nay, Bình Phú đã huy động được hơn 2,5 tỷ đồng đóng góp của cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; hàng trăm hộ gia đình tình nguyện ủng hộ ngày công, hiến đất nhằm hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, công trình nước sạch.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở xã Bình Phú hình thành và cho hiệu quả cao. Ảnh: L.K.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở xã Bình Phú hình thành và cho hiệu quả cao. Ảnh: L.K.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, xây dựng NTM với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, công tác phát triển sản xuất luôn được xã Bình Phú đặc biệt chú trọng. Lãnh đạo địa phương thường xuyên vận động, hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế vườn, kinh tế gia trại.

Chủ trương này cũng rất được người dân tích cực thực hiện. Trong 2 năm (2022 - 2023), địa phương này đã xây dựng được 3 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nuôi dê, bò, cá nước ngọt trên lòng hồ thủy lợi. Ngoài ra, 40 hộ dân khác trong xã cũng đầu tư vốn đối ứng, hưởng lợi từ nguồn ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

"Qua rà soát thì các mô hình phát triển kinh tế này cho hiệu quả tương đối cao. Bên cạnh đó, địa phương cũng có lợi thế phát triển kinh tế rừng với diện tích rừng sản xuất toàn xã khoảng 1.400ha, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân. Nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Bình Phú đạt gần 56,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống chỉ còn 2,32%", ông Hải nói.

Theo ông Hải, vừa qua, kết quả xã tự đánh giá đã đạt đủ 19/19 tiêu chí về NTM nâng cao. Bình Phú cũng đã hoàn thiện hồ sơ để chờ các phòng, ban chuyên môn, ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thăng Bình thẩm định. Trước ngày 30/4 gửi UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành phúc tra trước khi ra quyết định công nhận đạt chuẩn.

Xã Bình Phú có diện tích rừng tương đối lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Ảnh: L.K.

Xã Bình Phú có diện tích rừng tương đối lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Ảnh: L.K.

Xác định xây dựng NTM có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, vậy nên, sau khi đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã Bình Phú sẽ tiếp tục kiến nghị bố trí, huy động các nguồn vốn nhằm nâng chất các tiêu chí, đảm bảo cho cuộc sống người dân ngày một tốt hơn. Trong đó, đề xuất cấp trên đầu tư nâng cấp lại một số tuyến đường giao thông, hệ thống nước sạch trên địa bàn đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.

Khó khăn của xã Bình Phú hiện nay là tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm khá lớn. Thời gian tới, định hướng của xã là mở rộng địa bàn, các công trình hạ tầng và quy hoạch lại để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp có tiềm năng ở địa phương như chế biến dăm gỗ, gia công mặt hàng giày dép…

“Bình Phú cũng mong muốn mở rộng ngành du lịch ở các điểm du lịch sinh thái có tiềm năng như Hố Thác, Hố Cam. Vừa qua, sau khi đầu tư vào điểm du lịch Hố Thác đã mang lại tín hiệu tích cực khi từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã có hàng ngàn khách đến tham quan. Nếu có các doanh nghiệp về khai thác bài bản sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho địa phương, kéo theo các ngành dịch vụ, buôn bán, giúp người dân nâng cao thu nhập”, ông Hải chia sẻ.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nhằm nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp về địa phương. Về phía xã, năm trong quy hoạch chung, năm 2024 xã Bình Phú sẽ sát nhập với xã Bình Chánh. Sau khi sát nhập, xã sẽ quy hoạch lại, ưu tiên quỹ đất, mặt bằng để doanh nghiệp vào đầu tư. Đồng thời tập trung tối đa để hỗ trợ vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của xã", ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Phú nói.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.