Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với sự tham dự của gần 13.000 đại biểu. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trực tiếp dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe 30 bài tham luận, trình bày về nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Phước, trong đó 7 bài của các chuyên gia, nhà khoa học và 27 bài của các cơ quan quản lý ở địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ.
Các tham luận xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính: Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, các cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; phát huy giá trị văn hóa tỉnh Bình Phước.
Tại hội nghị, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu: Bình Phước tổ chức hội nghị văn hoá với mong muốn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ, cùng trao đổi làm rõ về tình hình và những rào cản trong phát triển văn hóa; đóng góp ý tưởng, hiến kế nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước thời kỳ mới.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa của tỉnh Bình Phước. Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hội nghị có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là bước cụ thể hóa để tiếp tục triển khai các nội dung, những định hướng lớn của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc; đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong thời gian tới, Bình Phước cần tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo”; xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước; tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa; tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch chất lượng cao mang đậm bản sắc, cốt cách con người Bình Phước, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của tỉnh, xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị văn hóa, Ban tổ chức hội nghị, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Bình Phước” với hơn 170 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Một trong những di sản văn hóa quý và nổi bật được giới thiệu tại hội nghị là Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa (bộ phiên bản), có niên đại khoảng 3.000 năm, làm từ chất liệu đá sừng.