Theo đó, tổng cộng 121 ao chống chịu với biến đổi khí hậu đã được xây dựng trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam”.
Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ, nhằm cải thiện an ninh nguồn nước và bảo vệ sinh kế của các nông hộ nhỏ trong hai khu vực này. Dự kiến từ nay đến năm 2026, chương trình sẽ xây dựng 1.159 ao chống chịu khí hậu, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Trong số 121 ao đã được xây dựng, 106 ao hiện đưa vào sử dụng, 15 ao còn lại đang được thi công và sẽ sớm được hoàn thành để kịp tích nước trong mùa mưa, giúp các hộ gia đình tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nước ngay trong năm 2023.
Các chuyên gia thủy lợi đã sử dụng mô hình mưa để tính toán cân bằng nước, đồng thời xem xét nhiều yếu tố như sử dụng tối đa nguồn nước sẵn có, phù hợp với điều kiện địa lý và rủi ro khí hậu, cũng như kinh nghiệm truyền thống tại địa phương.
Phương án này nhằm đảm bảo rằng ao có thể chống chịu tốt với các kịch bản khí hậu khác nhau, đảm bảo cung cấp nước và sử dụng ổn định trong thời gian dài.
Dự án do UNDP phối hợp triển khai từ tháng 10/2021, có số vốn 30 triệu USD. Khi hoàn thành vào năm 2026, khoảng 500.000 người, trong đó hơn một nửa là phụ nữ, sẽ hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.
Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của dự án, khi chọn cách tiếp cận cộng đồng làm trung tâm. Thông qua các nhóm quản lý sử dụng ao, người nông dân, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ tham gia giám sát xây dựng, vận hành và bảo trì.
Thông qua các buổi tập huấn, nâng cao năng lực, các nhóm do nông dân phụ trách sẽ đảm bảo rằng ao chống chịu khí hậu được sử dụng một cách tối ưu và kịp thời giải quyết các thách thức kỹ thuật.
Trong thiết kế, ao chống chịu khí hậu đã tính đến các yếu tố để giảm thất thoát nước và tránh bồi lắng, cũng như thúc đẩy các hoạt động quản lý nguồn nước bền vững. Ví dụ, trồng các loài cây phù hợp xung quanh ao.
Người nông dân trong vùng dự án cũng được tham gia đào tạo, tập huấn cách quản lý rủi ro khí hậu đối với hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách áp dụng các thực hành quản lý, quy hoạch đất và cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án là một minh chứng cho việc chia sẻ lợi ích, sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino cực đoan, được dự báo sẽ hoạt động mạnh trong năm 2023 này.
Nước tưới là một trong những mối quan tâm hàng đầu tại khu vực Tây Nguyên, vùng được xác định là nông nghiệp trọng điểm của cả nước.
Điển hình, tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 30.000ha cây trồng các loại. Trong đó, gồm 20.560ha cà phê, 1.072ha hồ tiêu, 1.916ha cây ăn quả, còn lại là các cây trồng khác. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 46 công trình hồ đập thủy lợi, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tưới cho cây trồng mỗi năm, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ, giếng do người dân tự đào.
Do nhu cầu tưới tăng cao, trong khi các mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nên một số khu vực như Cư Pơng, Ea Sin, Cư Né, Cư Kpô... thường chịu ảnh hưởng bởi hạn hán cục bộ.
Thấu hiểu điều ấy, bên cạnh những dự án quốc tế như của UNDP phối hợp triển khai, Bộ NN-PTNT cũng vừa khởi công xây dựng hệ thống kênh mương hồ Ea H’leo 1 vào tháng 2/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Dự án hồ chứa nước Ea H’leo 1 được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017, tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2017 - 2021 triển khai xây dựng cụm công trình đầu mối và phụ trợ Hồ chứa nước Ea H’leo 1, được khởi công từ tháng 2/2019, hoàn thành vào cuối năm 2021.
Giai đoạn 2021 - 2025 tập trung xây dựng hồ chứa có dung tích thiết kế 26 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi trong vùng dự án.
Đây là công trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên có đập ngăn sông tạo hồ chứa được thiết kế là đập bê tông trọng lực, sử dụng phụ gia tro bay.