Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, từ lâu người nông dân đã có thói quen sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh và gia tăng năng suất. Không thể phủ nhận những lợi ích mà thuốc BVTV mang lại song cũng cần nhấn mạnh: Thuốc BVTV là con dao hai lưỡi, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Người dân đã có ý thức bỏ chai, vỏ thuốc BVTV vào bể chứa
Theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp tại Việt Nam năm 2016 gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm…
Tại ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước, với việc thâm canh tăng vụ cũng như áp lực về sâu bệnh ngày càng lớn, nông dân phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ. Với suy nghĩ phải diệt tận gốc sâu hại, nhiều bà con tự ý pha lẫn các loại thuốc, pha tăng nồng độ gấp hai, thậm chí gấp ba lần. Chưa kể đến việc sử dụng xong, đa phần vất ngay tại ruộng, bờ mương, kênh rạch… Thậm chí nhiều bà con nông dân thu gom chai lọ nhựa về bán, không bán được đem đốt bỏ.
Theo nghiên cứu của Viện BVTV, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì. Tại ĐBSCL, hàng năm bình quân lượng rác thải từ thuốc BVTV lên đến con số hàng trăm tấn. Với thói quen nói trên của bà con nông dân, nghiễm nhiên môi trường nơi đây đã phải đón nhận một con số không hề nhỏ lượng thuốc BVTV dư thừa hàng năm.
Bộ NN-PTNT Việt Nam đã sử dụng 3,04 triệu USD tương đương 62,907 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL là: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mục tiêu chương trình nhằm giảm bớt 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 10% lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng vào năm 2016 gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. |
Thuốc BVTV vô cùng độc hại với sức khỏe con người cũng như môi trường sống. Chúng là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại bền vững trong môi trường. Phần lớn vỏ thuốc BVTV là những chất rắn, rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Nếu không xử lý đúng cách, vứt bừa bãi sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, hủy diệt các nguồn lợi thủy sản… lượng thuốc còn tồn tại theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, trong không khí, thức ăn là một trong những tác nhân gây các bệnh ung thư điển hình cho con người.
Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường, Bộ Y tế, hàng năm, có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc BVTV phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại nơi thuận tiện. Thực chất đây là một hoạt động được lồng ghép trong các lớp huấn luyện FFS, các mô hình nhân rộng nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường (các lớp FFS là một nội dung quan trọng trong chương trình IPM được triển khai thực hiện tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL gồm :An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, SócTrăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
Bên cạnh đó, trong các lớp huấn luyện FFS, cán bộ khuyến nông cũng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc hóa học một cách hợp lý, có ý thức thu gom xử lý vỏ thuốc đã qua sử dụng theo đúng quy định của Bộ TN-MT.
Tính đến cuối năm 2016, 7 tỉnh nằm trong vùng dự án thuộc ĐBSCL đã xây dựng được hơn 500 bể, kích thước bể từ 0,5 - 2m3, mật độ lắp bể thường từ 10 - 50ha/bể .
Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT quy định: “Trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa; không để chung bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác; không tự ý xử lý, đem chôn, hoặc đốt bao gói thuốc BVTV”.
Những bể chứa ban đầu đã phát huy tác dụng. Hầu hết bà con nông dân sau khi sử dụng đã có ý thức thu gom vỏ thuốc bỏ vào bể chứa. Tuy nhiên, số lượng các bể vẫn chưa đáp ứng được lượng rác thải ra môi trường, việc xử lý sau khi những bể chứa này đầy vẫn là một vấn đề nan giải. Hơn nữa việc thu gom vỏ bao bì phần lớn phụ thuộc vào "ý thức", "trách nhiệm" của người dân mà chưa có chế tài cụ thể.
+ Bà Hồng Kim Thư, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bạc Liêu: Bể chứa thuốc vỏ bao bì thuốc BVTV sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân, bảo vệ sức khỏe , môi trường và cảnh quan đồng ruộng. Đây là một việc làm thiết thực, giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc canh tác đi đôi với bảo vệ môi trường nông nghiệp. + Bà Ngô Thị Phấn ở ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu:
Trước đây không có bể chứa vỏ bao bì thuốc đã qua sử dụng thì tôi thường gom về nhà. Cái nào bán được thì tôi bán ve chai, cái nào không bán được thì tôi đốt bỏ. Khi đốt thì mùi cũng khó chịu nhưng tôi không nghĩ lại ảnh hưởng nhiều đến môi trường và sức khỏe. Nhưng từ hồi có bể chứa và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đem gom vỏ thuốc BVTV lại và bỏ vào đó, cũng sạch sẽ. |