| Hotline: 0983.970.780

Thành công từ cải tạo phương pháp đào tạo FFS

Thứ Năm 23/03/2017 , 13:45 (GMT+7)

Tính đến cuối tháng 6/2016, 7 tỉnh trong vùng dự án tại ĐBSCL đã mở hơn 200 lớp tập huấn FFS, thu hút hơn 6.000 nông dân tham dự.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc phát triển lúa gạo bền vững, những năm vừa qua, nông dân 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã được tiếp cận với phương pháp khuyến nông kiểu mới: Đó là các lớp tập huấn đầu bờ (FFS).

10-49-35_nh-1-bi-2
Nông dân tham gia lớp đào tạo FFS tại Sóc Trăng
 

Các lớp FFS là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án IPM, với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người nông dân, giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón sử dụng trên đồng ruộng, gắn với xây dựng hệ canh tác bên vững, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay.

Trên thực tế, phương pháp khuyến nông FFS đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1992, với sự tài trợ của FAO, và bước đầu nó đã mang lại những kết quả thiết thực. Đến chương trình IPM trên lúa, FFS tiếp tục được triển khai thực hiện trên cơ sở kế thừa điểm tích cực và có thêm nhiều đột phá mới, được nông dân vựa lúa lớn nhất cả nước ủng hộ. Theo số liệu thống kê của Trung tâm BVTV phía Nam, tính đến cuối tháng 6/2016, 7 tỉnh trong vùng dự án vùng ĐBSCL đã mở hơn 200 lớp đào tạo FSS, với tổng số hơn 6.000 nông dân tham dự.

Sở dĩ, có được kết quả này bởi các lớp tập huấn cung cấp nâng cao kiến thức dựa trên kinh nghiệm có sẵn của bà con. Bà con nông dân được huấn luyện và thực hành IPM trên 1ha ruộng trình diễn và nắm được các các nguyên tắc cơ bản về IPM, ứng dụng các nguyên tắc trong quản lý dịch hại và giảm việc sử dụng thuốc BVTV; ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) hay “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…

Bộ NN-PTNT đã sử dụng 3,04 triệu USD tương đương 62,907 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL là: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mục tiêu chương trình nhằm giảm bớt 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 10% lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng vào năm 2016 gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. 

Việc học tập ‘tại hiện trường giúp bà con khám phá, so sánh và lựa chọn kỹ thuật hay công nghệ phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng của địa phương. Hình thức tập huấn 2 chiều này cũng giúp bà con nông dân mạnh dạn chia sẻ, phát huy tính chủ động, không còn rụt rè, e ngại như trong các lớp đào tạo thông thường. Thời gian tập huấn các lớp FFS được chia thành từng đợt, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: Từ khi làm đất, gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch bảo quản.

Đây cũng là những điểm khác biệt của các lớp tập huấn FFS so với các phương pháp khuyến nông hiện nay (sử dụng công nghệ có sẵn, tổ chức các mô hình với tập huấn ngắn hạn trong nhà và hỗ trợ vật tư nên nông dân chưa có lòng tin, khó ứng dụng vào thực tiễn).

Một điểm mới của các lớp tập huấn FFS trong IPM đó chính là nhiều trò chơi thú vị, hấp dẫn, phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của bà con nông dân được được lồng ghép tài tình, khéo léo. Không khí lớp học thân thiện, gần gũi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học viên.

Sau các lớp FFS, 100% nông dân trong vùng dự án khi được hỏi đều đánh giá các lớp tập huấn FFS là rất dễ hiểu, hấp dẫn. Nhiều học viên áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất và đã mang lại những kết quả tích cực: Sản lượng lúa tăng trong khi số lần phun thuốc hóa học giảm, thiên địch được bảo vệ, dịch hại trên đồng ruộng được quản lý.

Điều quan trọng là sau các lớp FFS, nhiều nông dân đã trở thành "chuyên gia" trên chính cánh đồng của mình thông qua các lớp đào tạo nông dân nòng cốt. Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều nông dân khác thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đạt được những kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng dự án sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn theo phương pháp này để bà con nông dân nắm vững được kiến thức, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

+ Ông Nguyễn Chí Linh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang:

10-49-35_nh-2-bi-2-ong-nguyen-chi-linh
 

Tôi thấy lớp tập huẩn rất bổ ích. Qua lớp tập huấn này, nông dân có thêm nhiều kiến thức và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong canh tác lúa. Trước đây mình lạm dụng thuốc trừ sâu nhưng bây giờ chỉ phun thuốc khi dịch bệnh phát triển đến ngưỡng gây thiệt hại về kinh tế, không thì không nên để bảo vệ thiên địch.

+ Ông Võ Quốc Việt - ấp 4, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng:

10-49-35_nh-3-bi-2-ong-vo-quoc-viet
 

Những kiến thức có được từ lớp tập huấn này đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho gia đình tôi. Lớp tập huấn giúp tôi nâng cao sự hiểu biết về nông nghiệp bền vững, ứng dụng vào thực tế, giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận cho sản xuất lúa. Trong mùa vụ vừa qua gia đình đã giảm giống, giảm phân, giảm thuốc nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao.

 

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.