| Hotline: 0983.970.780

Xe thồ Điện Biên Phủ: Chôn cất xong đồng đội, họ tiếp tục tải lương thực

Thứ Ba 07/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

'Họ không dời xe tải gạo một phút nào. Họ coi súng đạn của giặc không là gì. Đồng đội hy sinh, họ chôn anh em xong rồi lại đi…', bà Điểm kể.

“Chôn anh em xong họ lại đi, thương lắm!”

Những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, nay người mất, người còn. Thế nhưng dư âm sâu lắng trong ký ức của những người may mắn trở vẫn vẹn nguyên. Họ và những đồng đội đã hy sinh một lần nữa được tôn vinh dưới “Lá cờ quyết thắng” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

“Những người anh hùng áo vải” ra tiền tuyến năm xưa là những nông dân chân chất, chân lấm tay bùn, bỏ lại quê hương lên đường theo tiếng gọi của non sông đất nước. Dưới “Lá cờ quyết thắng” lịch sử sẽ mãi khắc ghi công lao của hàng vạn chiến sĩ không quản ngày đêm, đào hầm, phá núi, mở đường, tải lương nuôi quân, kiên cường đối mặt với quân thù khi bị bắt, giam cầm, tra tấn dã man; những người vợ, người mẹ tiễn chồng, con lên đường ra mặt trận dù biết khó có ngày về. Tất cả họ đã góp phần vào thành quả chung của đất nước trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Bà Nguyễn Thị Điểm, Cựu Thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VTV.

Bà Nguyễn Thị Điểm, Cựu Thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VTV.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Nguyễn Thị Điểm, cựu Thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó Bí thư đoàn Thanh niên cứu quốc rưng rưng khi nhắc lại hồi ức vẻ vang một thời khói lửa của quân và dân ta .

“Tôi nhận lệnh của cấp trên lên đường đi chiến dịch Tây Bắc khi đang đi cấy. Lên tới chiến trường, anh em bắt tay vào việc đào hào, xẻ núi mở đường cho bộ đội hành quân. Trong lúc làm nhiệm vụ, có người bị đá văng vào gẫy chân gãy tay, thậm chí đồng đội không may cuốc vào người nhau. Đói rét lắm nhưng anh chị em động viên nhau: Phải quyết chí, không thể nào mất nước. Đất nước phải tự do, anh chị em mình cố lên!”, bà Điểm nhớ lại.

Trong thời điểm cận kề chiến dịch lịch sử, bà Điểm ấn tượng với đoàn xe thồ Thanh Hóa với những thanh niên xung phong vượt mưa bom, bão đạn, không quản gian khổ, hy sinh để tải lương thực cho bộ đội đánh trận.

“Nam giới vận chuyển lương thực bằng xe thồ khỏe lắm, nhất là quân dân Thanh Hóa. Họ vừa đi vừa ngủ gật nhưng gạo không rơi hạt nào. Họ chấp nhận bị thương, chứ không để mất gạo. Họ vừa hành quân vừa hò để động viên nhau: Phải mang gạo tới nơi cho chiến sĩ mới đánh thắng được giặc. Còn mình nhịn đói cũng được. Họ cứ đi, mặc kệ mưa bom, bão đạn. Họ không dời xe tải gạo một phút nào. Họ không coi súng đạn của giặc là gì cả. Trong đoàn quân tải lương thực đó, có người đã nằm xuống vì bom rơi, đạn lạc, nhưng không làm lung lay tinh thần của đoàn binh tải lương. Họ chôn anh em xong rồi lại đi, thương lắm!”, bà Điểm nhớ lại.

Bà Trịnh Thị Tấn, Cựu Thanh niên xung phong Điện Biên Phủ nhớ như in thời khắc ác liệt của chiến trường. Ở đó, có đồng đội của bà vĩnh viễn nằm lại nơi thâm sơn cùng cốc: “Khi đi chiến dịch, chúng tôi được phát mỗi người 1 chiếc áo mưa, nếu chết thì người còn sống sẽ bọc ni lông cho đồng đội mình rồi chôn cất, nhưng không làm lung lay ý chí người chiến sĩ”.

“Anh cứ lo việc nước, việc nhà để em lo”

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của. Trong 56 ngày đêm, Thanh Hóa đã cung cấp tới 4.500 tấn gạo cho chiến dịch; 350 tấn thực phẩm, hàng ngàn gia súc và hàng chục tấn rau củ quả.

Đây cũng là địa phương huy động số lượng xe thồ lớn nhất cả nước để làm phương tiện chuyển lương thực lên chiến trường (11 nghìn xe). Những chiếc xe thồ thô sơ, nhưng được những người dân Thanh Hóa gửi gắm ý chí và niềm tin về một Điên Biên Phủ tất thắng.

Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên, Đại đội Dân công xe thồ Điện Biên - thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa năm 1954, nhớ lại: Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cấp trên giao cho Thanh Hóa phải thu xếp 100 xe vận tải lương thực, 1 đại đội phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận lệnh, Thanh Hóa đã thành lập Ban Bảo trợ dân công, nhận tiền đóng góp của người dân để mua xe đạp, thuốc men lên đường phục vụ chiến dịch. Phần còn lại dùng vào việc giúp đỡ cho các gia đình khó khăn, chăm lo cho vợ con (người mới sinh) của chiến sĩ đang chiến đấu tại chiến trường”.

Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên, Đại đội Dân công xe thồ Điện Biên. Ảnh: VTV.

Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên, Đại đội Dân công xe thồ Điện Biên. Ảnh: VTV.

Trung tuần tháng 2/1954, ông Khôi cùng đồng đội lên đường đi chiến dịch khi đứa con thứ 2 mới tròn 2 tháng tuổi. Ban ngày, đoàn tiếp tế nghỉ và hành quân trong đêm để tránh địch phát hiện. Cứ 15 ngày, địa phương lại đưa đoàn tiếp phẩm cho đoàn tải lương.

Ông Khôi nhớ lại: "Trên đường tải lương, tôi nhận được tin nhà bị cháy do địch bắn phá. Đứa con mới 3 tuổi vôi vã chạy ra đường để tránh lửa. Đứa con thứ 2 vừa chào đời chưa lâu, được vợ gói vào tấm chiếu, đặt bên bờ ruộng. Chữa cháy xong, vợ ra ruộng tìm con, may mà đứa trẻ không bị kiến đốt".

Theo ông Khôi, để các thành viên trong đoàn dân công yên tâm làm nhiệm vụ, Đại đội dân công còn quan tâm giúp đỡ gia đình khó khăn, chăm lo cho người thân của những dân công tham gia vào chiến dịch.

“Hậu phương vất vả như tiền tuyến, nhưng ở quê, mọi người đùm bọc, quan tâm giúp đỡ nhau. Trong thư, vợ tôi động viên: Anh cứ yên tâm, hoàn thanh nhiệm vận chuyển lương thực cho bộ đội, ăn no, đánh to, thắng lớn, ở nhà còn có em, anh đừng lo. Bấy giờ, không phải riêng tôi mà lực lượng dân quân Thanh Hóa đều can trường, vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ tải lương. Chúng tôi vừa đi vừa hát: A li hò lơ, a li hò lờ, đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo”, ông Khôi nhớ lại. 

Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ dứt (đứt) chính là nhờ những chiếc xe đạp thồ, chở được từ 200-300 kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm ấy có công lớn của quân và dân Thanh Hóa.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một địa bàn chiến lược, căn cứ địa quan trọng, hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch. Trong 3 năm (1952-1954) tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 15 nghìn thanh niên xung phong thực hiện mở 176km đường (từ cầu Chuối huyện Nông Cống đến Vạn Mai, tỉnh Hòa Bình) hoàn toàn bằng thủ công. 

Chỉ tính trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã bổ sung 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Huy động hơn 1 triệu lượt người đi dân công dài hạn và ngắn hạn; 11 nghìn xe đạp thồ; hơn 1,1 nghìn thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò và xe cút kít; cung cấp 4,5 nghìn tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2 nghìn con lợn; 350 con trâu và hàng trăm tấn rau, đậu, cá khô, phục vụ tiền tuyến… Với tiền tuyến Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người sức của cho chiến dịch.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.