Chuyện cụ Trịnh Đình Bầm (sinh năm 1928, xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) tháo bàn thờ gia tiên để lấy gỗ tấm làm xe cút kít chở lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ không còn xa lạ với thế hệ trẻ. Họ là những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, gia đình với mục tiêu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, ông Trịnh Đình Bầm cùng hàng nghìn người con Thanh Hóa chung sức chi viện cho chiến trường bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực.
Chị Trịnh Thị Nhàn (sinh năm 1984, cháu nội cụ Bầm) là thế hệ “hậu sinh” nhưng câu chuyện chị kể cho chúng tôi nghe về cụ Bầm được tái hiện chân thực, rõ nét thông qua tư liệu truyền miệng và tài liệu lịch sử.
“Khi tôi học cấp 3, một người bạn mách nhỏ vào tai tôi rằng, chiếc xe cút kít của ông nội mình được đưa vào cuốn sách trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Lúc biết chuyện này tôi tự hào, xúc động lắm vì không ngờ ông nội mình lại làm được những việc (tải lương thực) vượt ngoài sức tưởng tượng như vậy”, chị Nhàn nhớ lại.
Cũng từ đó, chị Nhàn dành thời gian ghép nối những tư liệu về ông nội mình với mong muốn giáo dục cho các thế hệ trong gia đình biết về đóng góp của người thân trong chiến dịch lịch sử của dân tộc.
Nói về việc ông nội mình tháo dỡ bàn thờ gia tiên để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, chị Nhàn thuật lại lời kể của các cụ cao niên trong làng: “Ngày ông quyết định tháo dỡ bàn thờ, nhiều người thân ra sức khuyên ngăn vì bàn thờ là thứ linh thiêng trong gia đình, nếu tháo dỡ sẽ gặp chuyện xui xẻo. Nhưng vì không tìm được gỗ để làm xe, nên ông cố gắng thuyết phục mọi người rằng: Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ mình chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ. Trước sự quả quyết của ông, gia đình thống nhất để ông thực hiện trách nhiệm với non sông".
Trước khi tháo dỡ bàn thờ gia tiên, ông Bầm không quên thắp nén hương như thể cáo lỗi với tổ tiên về việc làm của mình, rồi nhẹ tay sửa soạn, di chuyển bát hương ra vị trí khác để lấy gỗ. Sau khi tháo dỡ xong, ông cùng con cháu dựng tạm một bàn thờ gia tiên khác và đưa bát hương về vị trí cũ.
Phần gỗ lấy từ bàn thờ được ông Bầm đẽo gọt thành hình tròn làm bánh xe. Ông Bầm kiếm thêm tre, gỗ, thân cây để làm thân xe. Sau nhiều ngày, miệt mài, chiếc xe cút kít do tự tay ông Bầm sáng chế đã hoàn thành. Xe có chiều dài 206cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre. Bánh xe có đường kính 75cm. Theo người dân trong làng, thời đó, ông Bầm vạm vỡ, khỏe nhất làng nên tải lương được nhiều nhất trong số thanh niên xung phong.
“Nếu như những chiếc xe thông thường chỉ tải được vài chục kg lương thực, nhưng ông đã thiết kế rộng khung xe để tải được nhiều lương thực hơn. Trong thời gian phục vụ chiến dịch, ông đã nâng mức vận chuyển bằng xe cút kít từ 100kg lên 280 kg. Suốt 4 tháng, cứ 3 ngày 1 chuyến với quãng đường dài hơn 20km ông Bầm đã vận chuyển được gần 12 nghìn kg lương thực đến điểm tập kết của tỉnh, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”, chị Nhàn kể lại.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất, ông Bầm trở về quê hương làm công việc vận chuyển hàng ở nhà máy chuyên về thực phẩm. Ít lâu sau, ông nghỉ việc và về nhà kinh doanh cửa hàng thực phẩm tại nhà. Theo chị Nhàn, không chỉ có sức khỏe, cần cù, chịu khó, ông Bầm còn được nhiều người yêu quý vì tính tình hiền lành và thương người.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một địa bàn chiến lược, căn cứ địa quan trọng, hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch. Trong 3 năm (1952-1954) tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 15 nghìn thanh niên xung phong thực hiện mở 176km đường (từ cầu Chuối huyện Nông Cống đến Vạn Mai, tỉnh Hòa Bình) hoàn toàn bằng thủ công.
Chỉ tính trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã bổ sung 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Huy động hơn 1 triệu lượt người đi dân công dài hạn và ngắn hạn; 11 nghìn xe đạp thồ; hơn 1,1 nghìn thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò và xe cút kít; cung cấp 4,5 nghìn tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2 nghìn con lợn; 350 con trâu và hàng trăm tấn rau, đậu, cá khô, phục vụ tiền tuyến… Với tiền tuyến Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người sức của cho chiến dịch.
Nói về những đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.