| Hotline: 0983.970.780

Cha - Con và một 'Điện Biên Phủ không tiếng súng'

[Bài 3] Những bài ca 'viết trên báng súng'

Thứ Hai 06/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

'Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một 'binh chủng âm nhạc hùng hậu...'.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Ảnh Tư liệu.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Ảnh Tư liệu.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - tác giả của rất nhiều ca khúc viết về chiến dịch Điện Biên Phủ - tự hào.

Những ca khúc "viết trên báng súng"

Nhìn hình ảnh chiếc lán tranh tre, mái lá được trình chiếu trên màn hình led, khi BTV Hoàng Trang hỏi nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: “Anh có nhận ra hình ảnh mà chúng tôi vừa trình chiếu hay không?”, trong giây lát chùng xuống vì xúc động, người con của nhạc sỹ tài hoa Đỗ Nhuận nói: “Đó là nơi cả đêm, cha tôi sáng tác hai ca khúc về chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Hồi ức về người cha, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: Cha tôi có kể lại rằng, đúng ngày 7/5/1954, khi ông cùng với tốp văn công Tổng cục Chính trị đang làm đường, san đường ở ngay Mường Phăng thì có một chiến sỹ giao liên đi xe đạp ngược lại vẫy tay và hô rất to: “Mường Thanh giải phóng rồi, chúng ta đã chiến thắng rồi”. Tất cả đoàn ôm nhau nhảy vòng tròn, và không biết nhảy điệu gì. Riêng nhạc sỹ Đỗ Nhuận trong đầu đã xuất hiện những ca từ về một bài ca chiến thắng.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân xúc động khi xem lại hình ảnh chiếc lán tranh tre, mái lá, nơi nhạc sỹ Đỗ Nhuận - cha mình - sáng tác các ca khúc bất hủ chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay tại chiến trường. Ảnh: Kiên Trung.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân xúc động khi xem lại hình ảnh chiếc lán tranh tre, mái lá, nơi nhạc sỹ Đỗ Nhuận - cha mình - sáng tác các ca khúc bất hủ chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay tại chiến trường. Ảnh: Kiên Trung.

Cách đấy không lâu, trước khi chuẩn bị phát lệnh chiến dịch với mật danh Trần Đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vỗ vai nhạc sỹ Đỗ Nhuận, bảo: “Các đồng chí chuẩn bị tinh thần để viết một ca khúc về bái ca chiến thắng”. Và thế là, ngay tại Mường Phăng, ngay dưới ngọn đèn dầu trong chiếc lán lợp mái lá, cha tôi đã sáng tác cả đêm, và từng câu, từng câu một cứ thế xuất hiện.

Trong đầu ông khi đó có cả những làn điệu chèo, những giai điệu dân ca cổ truyền của dân tộc, nó được hòa trộn để hình thành ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”… Âm hưởng dân ca cùng với khí thế hào hùng thắng trận đã chắp cánh cho những ca khúc hùng tráng về Điện Biên phủ ra đời, và hầu hết đó đều là những “siêu tác phẩm” bất hủ, sống mãi với thời gian.

Ca khúc “Trên đồi Him Lam”, cha tôi sáng tác ngay trong ngày 13/3/1954 - ngày mở màn chiến dịch bộ đội ta tấn công đồi Him Lam. Buổi sáng, đoàn văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn tiễn quân lên đường. Khi đó, anh Phan Đình Giót vẫy tay chào: “Chào các anh chị văn công, khi chiến thắng trở về chúng tôi sẽ có chiến lợi phẩm mang tặng các anh”. Rồi, thời khắc khốc liệt, anh đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai để cho đồng đội tiến lên, đặt bộc phá tiêu diệt cứ điểm Him Lam.

Tin anh Giót anh dũng hy sinh đã khiến các nhạc sỹ rất xúc động, và cha tôi đã sáng tác ca khúc “Trên đồi Him Lam”. Ở đấy đã có những câu khắc ghi: “Ở đây chúng ta không quên, bao anh em đồng chí hy sinh trên trận này. Điện Biên, chúng ta sẽ toàn thắng…”.

Chất liệu dân ca đã chảy trong những ca khúc sáng tác về Điện Biên Phủ, cũng giống như “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân. Khi đoàn quân kéo pháo vào, kéo pháo ra, rất gian nan, gian khổ, có những đồng chí lấy thân mình chèn pháo như đồng chí Tô Vĩnh Diện và nhiều đồng chí khác, thà mình hy sinh nhưng khẩu pháo phải được bảo vệ an toàn.

Nhạc sỹ Hoàng Vân đã sáng tạo ra một điệu hò mới, đó là hò kéo pháo. Trước đây chỉ là hò lao động: hò sông Mã, hò kéo thuyền, hò kéo củi… Ông đã vận dụng sức mạnh tập thể trong một câu hò, trở thành hò kéo pháo… 

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: 'Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một 'binh chủng âm nhạc' hùng hậu!'. Ảnh: Kiên Trung.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: "Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một “binh chủng âm nhạc” hùng hậu!". Ảnh: Kiên Trung.

Tất cả các ca khúc đều được sinh ra trên chiến trận, cùng với một “ngọn hải đăng” dẫn đường, đó là tinh thần tất cả vì một Điện Biên, tất cả vì thắng lợi cuối cùng nên các nhạc sỹ cùng nhau chung một phương hướng, ý chí, chung một cảm hứng. Ở đây, bên cạnh đó đương nhiên phải nói về tài năng của các nhạc sỹ chiến trường, có mặt tại chiến trận. Các ca khúc của thế hệ các nhạc sỹ đi trước đều chứa đựng trong đó một hồn dân tộc, một kho tàng âm nhạc dân gian và cảm xúc tức thì, để từ đó có được những ca khúc sống mãi với thời gian, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Sau mỗi bài hát đều là một câu chuyện, đều có những tâm sự của tác giả về ca khúc. Đối với các nhạc sỹ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, dường như họ đều là những nhà tiên tri khi trong ca khúc của mình, họ đều toát lên tinh thần phơi phới lạc quan, niềm tin chiến thắng, dù thời điểm sáng tác rất cam go, khốc liệt.

Nếu không có thế hệ các nhạc sỹ như Đỗ Nhuận, sẽ không có Doãn Nho

Nhận xét về thế hệ các đàn anh đi trước, nhạc sỹ Doãn Nho khẳng định: “Nếu không có thế hệ các nhạc sỹ đàn anh đi trước như Đỗ Nhuận…, sẽ không có Doãn Nho về sau”.

Lão nhạc sỹ chia sẻ: Âm hưởng chủ đạo của các ca khúc cách mạng ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ của các nhạc sỹ Hoàng Quân, Nguyễn Thành, Lương Ngọc Trác, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Doãn Nho…, đó là các nhạc sỹ đều có một đặc điểm chung, hầu hết các tác phẩm đều được sáng tác ngay tại trận địa; sáng tác từ chất liệu cuộc sống chứ không phải do mường tượng ra.

Nhạc sỹ Doãn Nho: 'Nếu không có thế hệ các nhạc sỹ đàn anh đi trước như Đỗ Nhuận…, sẽ không có Doãn Nho về sau'. Ảnh: Kiên Trung.

Nhạc sỹ Doãn Nho: “Nếu không có thế hệ các nhạc sỹ đàn anh đi trước như Đỗ Nhuận…, sẽ không có Doãn Nho về sau”. Ảnh: Kiên Trung.

Đại tá, nhạc sỹ Doãn Nho tâm sự: Nhắc đến âm nhạc thời kỳ đó phải nói tới nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ông dẫn đoàn văn công xung kích của Tổng cục Chính trị có mặt ngay trong trận đánh Him Lam và nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết bài “Trên đồi Him Lam” ngay trong trận đánh này. Khi trận đánh kết thúc, tốp văn công xung kích đó cùng với nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã hát phục vụ cán bộ và chiến sỹ trên đồi Him Lam, bài hát có ca từ hào sảng và ý nghĩa: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/Đột phá/Đi mở đường thắng lợi ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây/Quyết diệt cho hết quân thù…”.

Ngay sau đó, không chỉ có riêng tôi mà rất nhiều văn nghệ sĩ khác cũng đến Điện Biên và có nhiều sáng tác mới. Đây là một giai đoạn có thể coi là “hưng thịnh” của nền âm nhạc nước nhà bởi thời điểm này có rất nhiều tác phẩm lớn có thể so sánh được với thế giới. Lúc đó, những thể loại âm nhạc như giao hưởng, opera… ở Việt Nam xuất hiện rất ít thì đến thời điểm này bắt đầu có nhiều sáng tác, mở ra một giai đoạn mới.

Những sáng tác của tôi, chính nhờ nhạc sỹ Đỗ Nhuận mới có Doãn Nho về sau này. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận là một trong những người mà âm nhạc hoàn toàn gắn với người dân; toàn dân náo nức chúng ta trở về chiến thắng Điện Biên…

Nhạc sỹ Doãn Nho xác nhận, cảm hứng Điện Biên trong các sáng tác của ông sau này vẫn mới nguyên một tinh thần như thế. Sau chiến thắng Điện Biên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiến trường Điện Biên trở thành Nông trường Điện Biên. Điều đặc biệt là tất cả các chiến sỹ Điện Biên tham gia chiến dịch, giải phóng mảnh đất này, sau chiến tranh đều trở thành các nông trường viên, ở lại Điện Biên để xây dựng mảnh đất trước đó bị cày xéo bởi mưa bom, bão đạn.

“Cán bộ và chiến sỹ của chúng ta vừa mới chiến đấu ngày hôm qua, nay là những người trực tiếp cầm cuốc, cầm cày để lao động sản xuất. Rõ ràng, những người lính Cụ Hồ chiến đấu dũng cảm đem về chiến thắng, sau đó trở thành người nông dân lao động sản xuất, nắm chắc những khoa học kỹ thuật.

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. (Ảnh tư liệu).

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. (Ảnh tư liệu).

“Con trâu sắt” xuất hiện đầu tiên là ở Nông trường Điện Biên, và có một bài ca về Con trâu sắt của Trần Chương, mà Trần Chương cũng là một cán bộ sáng tác thuộc Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Các nhạc sỹ bám rất chắc thời cuộc. Đối với cá nhân tôi, khi trở lại nông trường Điện Biên có một cảm xúc xúc động vô cùng”, nhạc sỹ Doãn Nho chia sẻ.

Bước từ chân đồi A1 lên đến đỉnh đồi, tôi đã khóc, bởi những đồng đội của tôi đã trực tiếp chiến đấu ở đây, trên đỉnh đồi này, tìm mọi cách để khoét đồi A1 thành một lỗ thủng để nhồi bộc phá vào, mà sau khi châm ngòi nổ xong không chỉ làm rung chuyển đồi A1, mà các đồi bên cạnh như D, E, C… đều rung chuyển. Chính vì thế mà sỹ quan, binh lính Pháp mới run sợ, vội vã giơ tay ra hàng.

Để có được nơi chất thuốc nổ như vậy, chiến sỹ của chúng ta, cán bộ của chúng ta, những người trực tiếp chiến đấu nói với tôi: “Trên đỉnh đồi A1, liệt sỹ của chúng ta nằm kín, để có chiến thắng này. Cho nên, khi trở lại nông trường, bước từ chân đồi lên, những ca từ như nhảy ra từ trong tim: “Bước… từng… bậc, nhớ… từng… người, lòng đau đớn, uất ức, căm hờn… Hôm nay… đồng chí ta ơi…”. Chính những nốt nhạc đó trở thành nét khắc họa được những gương mặt của các liệt sỹ ngã xuống: “Nghe rung đồi từng bước ta đi, nhắc tới chiến công ngàn năm xưa…”.

Bài "Tiến bước dưới quân kỳ" tôi sáng tác khi chiến trường xưa nay đã là nông trường, lúc đó chúng ta cho ra quân hàng vạn cán bộ, chiến sỹ đã từng trải chiến đấu, thế vào đó là hàng vạn tân binh, cho nên đội ngũ của chúng ta đi khi đó có cả cựu binh và tân binh. Cho nên, “nghe rung đồi…” mà tôi viết, đó là hình tượng của các cựu binh trầm hùng, gan dạ, là một điểm tựa chắc chắn cho các tân binh.

Nhưng, mới chỉ có nét đó chưa đủ, phải có hình ảnh của các tân binh. “Vừng đồng đã hửng sáng… Núi non xanh ngàn trùng… xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa… tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao/ Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca/ trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…”. Cứ như thế nối tiếp, trùng trùng điệp điệp hết thế hệ này đến thế hệ trước tiến bước dưới quân kỳ…

Chiến thắng Điện Biên Phủ - khúc tráng ca hợp thành những 'binh chủng âm nhạc' hào hùng. Ảnh Tư liệu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - khúc tráng ca hợp thành những "binh chủng âm nhạc" hào hùng. Ảnh Tư liệu.

Trả lời câu hỏi, nếu như phải dùng một từ để gói gọn những giá trị của những tác phẩm âm nhạc ra đời trong Kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các lực lượng trực tiếp cầm súng chiến đấu, người dân cả nước góp công, góp của, góp sức, thậm chí góp cả máu…, bên cạnh những binh chủng đó có một binh chủng đặc biệt, đó là những văn nghệ sỹ, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sỹ… ra trận và đã cắm một ngọn cờ chói lọi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi tinh thần đã tạo nên một niềm tin tất thắng trong tư tưởng, tâm lý, đấy là một trong những yếu tố thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân. Tôi nghĩ rằng, chúng ta tri ân, tôn vinh cả một thế hệ văn nghệ sỹ đã đồng hành cùng đất nước. Đối với âm nhạc không chỉ dừng lại ở Điện Biên 70 năm qua, mà sau đó còn rất nhiều tác phẩm đã đi vào thơ ca, phim ảnh…, đó vẫn là âm nhạc.

Cho đến ngày hôm nay, có một điều chúng ta thấy được, âm nhạc không chỉ là những bài ca, nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một “binh chủng âm nhạc” hùng hậu, nhưng đề tài muôn thuở vẫn là vì Điện Biên, tri ân Điện Biên, hướng tới một Điện Biên trong tương lai sẽ cất cánh”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất