Phim Thiên hạ đặc biệt hấp dẫn vì tính chất hình sự của nó. Cũng phán đoán phân tích, cũng tìm nhân chứng vật chứng rồi tranh luận trước tòa hệt như các phim hình sự hiện đại Mỹ và đó không phải là bịa tạc. Như chúng ta đã biết, Đại Minh lập ra mạng lưới Cẩm y vệ trải rộng khắp trong triều ngoài nội có chức năng như KGB, FBI… Do tính chất hoạt động bí mật, được vua rất tin dùng và trao cho quyền lực đặc biệt, Cẩm y vệ dần dần trở thành siêu quyền lực, còn lớn hơn cả vương quyền (pháp luật) và âm mưu thoán quyền đoạt vị từ đó mới có dịp nẩy sinh. Mỉa mai thay, Chu Nguyên Chương xóa bỏ chức tể tướng vì sợ quyền lực lớn của bọn vừa có quyền vừa có chữ mưu cao kế hiểm rồi lập và tin dùng bọn vô học, bọn giang hồ thảo khấu vì cho rằng chúng đặc biệt trung thành để rồi chính họ làm tan rã cơ nghiệp của ông. Đó không chỉ là bài học lịch sử tốn rất nhiều xương máu về triều đại độc tài, nó còn cho thấy sự tráo trở của phương pháp duy ý chí.
Thực ra, xuất thân từ giới giang hồ, Chu Nguyên Chương có cơ sở để tin vào sự trung thành của bọn giang hồ hành hiệp, bọn vô học. Chính hoàng tôn Chu Do Hiểu đã chứng kiến bọn loạn thần giết vua, giết thái tử và trong lúc hỗn loạn ấy, Ngụy Trung Hiền đã lấy thân che đỡ Hiểu nên đã đặc biệt tin y, coi y là trung nghĩa rồi khi làm vua (Minh Hy Tông) đã dần dần cất nhắc y lên chức đề đốc Đông xưởng tương đương với tể tướng nhưng trên thực tế là một thứ phó vương. Khi âm mưu giết vua không thành, Điền Nhĩ Canh đã “tự nguyện” thực hiện một âm mưu khác của Ngụy Trung Hiền: Ngụy dàn cảnh để cho Điền Nhĩ Canh bắn vua để y, với cái gông tự đeo vào triều nhận tội chết vì thiếu sáng suốt nên kẻ dưới quyền phạm trọng tội, có cơ hội “cứu vua” lần nữa.
Người xem thót tim vì ba mũi tên của Điền bắn trúng vào cái gông không thể không đặt câu hỏi, sao Điền không bắn chết chính Ngụy Trung Hiền - kẻ chủ mưu, mà lại bắn vào cái gông để tạo thêm cơ hội cho y còn mình thì bị tru di? Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, thấy Điền Nhĩ Canh đã chọn giữa cái bị giết cả nhà với cái khả dĩ cứu được đứa con trai của mình và y đã khôn ngoan chọn cách thứ hai. Ghê gớm thay là sức mạnh của tập đoàn tội ác, vì chính nó lại tạo ra cái “tiếng” trung nghĩa cho bọn thảo khấu giang hồ. Đó là cái trung nghĩa của bọn vô học nên không nghĩ nổi rằng, con trai y lại sẽ bị đem làm một con bài khác, trong một canh bạc khác của kẻ mà y gọi là nghĩa phụ trong hàng chuỗi những âm mưu tội ác?
Thực ra, dù khá u mê, Chu Do Hiểu cũng lờ mờ nhận ra âm mưu tiếm quyền của Ngụy Trung Hiền. Nhưng có rất nhiều lý do để ông không thể làm khác: Ông đã bị cái hệ thống do triều đại của mình lập ra bưng bít sự thật, không hề có một nhân chứng vật chứng trong tay; cả hệ thống quyền lực gần như bị y thâu tóm, liệu ông có thể xử lý Ngụy Trung Hiền sao đây khi bách quan nhất loạt từ chức? Tức là y đã kéo bè kết cánh gần như hết cả triều đình? Cho nên Chu Do Hiểu đã chọn cách đứng giữa hai thế lực: Ngụy Trung Hiền và Tín vương Chu Do Kiểm – em trai ông với tham vọng rằng bên nào cũng phải dựa vào ông để khống chế bên kia, nhờ vậy mà ông tồn tại, vương triều tồn tại.
Ông không biết hoặc có biết mà không làm gì được, rằng trong khi ông “ở giữa” thì cánh trung lương hiền thần Tiền Gia Nghĩa, La Bách hộ, Mộ Dung Thu và cả chính Tín vương tiếp tục bị thế lực Cẩm y vệ bức hại, tiếp tục lâm vào các vụ án oan mới để tiêu mòn cánh của Tín vương? Với các thủ đoạn tra tấn dã man nhằm bức cung ông Hai Chu, lấy cái chết để khống chế kẻ nhát sợ Chu Kỷ Nguyên, kể cả thủ đoạn làm giả lời khai, đổi bị can để ra trước tòa vấy tội cho người khác…Ngụy Trung Hiền và tập đoàn Cẩm y vệ của y đã trở thành đệ nhất trong lịch sử loài người về các loại hình tội ác.
Có một nguyên nhân nữa thuộc về tính cách của Chu Do Hiểu, khiến nhà Minh đi đến hồi mạt vận, là ông yếu đuối, chán nản và lại rất thích làm ông Vua Nghề Mộc. Cộng với lối thích xu nịnh dân gian, Trung Quốc thời Minh đã tạo ra các giá trị đồ mộc cũng vào loại đệ nhất thế gian. Đồ gỗ mỹ nghệ đang tràn lan trong công sở, trong nội thất của từ đại gia đến trung lưu người Việt hôm nay, chính là xuất xứ từ thời này. Nhưng nghĩ cho cùng, ông vua nào mà chả mê mải với mỹ nữ cung tần, với săn bắn hoặc những trò hưởng thụ khác?
Vậy, suy đến cùng kỳ lý, lỗi cũng lại do cơ chế mà vua sáng nghiệp Chu Nguyên Chương tạo ra: Xóa bỏ thể chế tể tướng coi sóc việc thiên hạ, tức là xóa bỏ trí tuệ nhân dân không ngừng bổ sung cho hệ thống quan lại những tân khoa trí thức mới để thể chế mình luôn luôn tiến cùng thời đại để chuốc lấy hệ thống ngầm không ngừng lớn mạnh với các âm mưu và tội ác quái dị tàn độc trên thực tế chính là hệ thống ấy - chứ không phải nhà vua đã coi sóc thiên hạ. Ở phim Chu Nguyên Chương, lễ bộ thượng thư Lữ Sưởng đã thà chết vẫn can vua giữ lại thể chế Tể tướng chính vì lẽ này. Trong hai kiểu nhị nguyên, thể chế Vua - Tể tướng thì vua hoàn toàn có thể kiểm soát được, chứ kiểu nhị nguyên Vua - thế lực ngầm, hoạt động đặc quyền bất chấp vương pháp thì vua luôn luôn không thể kiểm soát. Nhưng Lữ Sưởng đã không dám nói toạc một chân lý của khoa học chính trị với nhà độc tài – Hoàng thượng của ông!
Trong lịch sử và đạo diễn Ngô Tử Ngưu cũng khá trung thành với sự thực lịch sử, tập đoàn tội ác Ngụy Trung Hiền cuối cùng cũng bị thất bại. Thất bại từ chính cái mắt xích hệ thống ngầm của y. Ngụy Trung Hiền xuất thân giang hồ, không biết chữ, do nợ bạc quá lớn y đã tự thiến để vào cung làm quan. Y giỏi dự đoán phân tích tính tình con người và sự vật, thuộc đến từng chân tơ kẽ tóc kẻ thuộc hạ, tự tin đến mức dám mang thân mình ra mà đánh bạc với kế sách Điền Nhĩ Canh giả bắn vua. Như thế có thể coi là đệ nhất gian hùng. Nhưng dù gian hùng đến mấy, một cá nhân làm sao có thể kiểm soát hàng vạn mắt xích?
Sau Hy Tông, triều Minh còn một đời vua nữa là Tín vương Chu Do Kiểm hiệu là Sùng Trinh. Nhưng ông cũng chỉ gắng gượng chống đỡ để nhà Minh kéo dài thêm được vài chục năm nữa rồi bị nhà Thanh thôn tính. Vì vậy, có thể nói nền độc tài do Chu Nguyên Chương sáng lập, đến đời Hy Tông đã như viên đạn đi hết tầm; do chính những “cơ chế” mà ông ta đã lập ra.