PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, xét nghiệm là chiến lược cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh, chủ yếu là trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến chiều 1/8, thành phố có 90/162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi đã có kết quả âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 8.000-9.000 mẫu/ngày.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM để khẳng định.
“Thành phố không được để tình trạng tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3-4 ngày”, ông Long nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ước tính đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về và Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người.
Về năng lực xét nghiệm, ông Hiền cho biết, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm/ngày.
“Sở Y tế Hà Nội cũng đã quán triệt các bệnh viện siết chặt kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát số lượng người ra vào bệnh viện, khai báo y tế, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện… Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng…”, ông Hiền nói
Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung.
Ông Long cũng đề nghị các phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay, ngành BHXH luôn tích cực và đồng hành với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
“Các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương để cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc có thể phối hợp thực hiện.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, “vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Do đó, mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm”.
Về vấn đề xét nghiệm, ông Long cho hay, ngày 1/8 số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn), tuy nhiên vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này.
"Phải triển khai ngay, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở xét nghiệm. Đối tượng cần xét nghiệm đã thống nhất và hướng dẫn rõ, chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó", ông Long khẳng định.
Đến tối 2/8. Việt Nam ghi nhận 620 ca nhiễm Covid-19, trong đó 373 ca điều trị khỏi và xuất viện, 5 ca tử vong (BN428, BN437, BN499, BN524 và BN475). Hiện tổng cổng có 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến 2/8: Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 173 ca, Quảng Nam 35, TP.HCM 8, Hà Nội 2, Quảng Ngãi 2, Thái Bình 1 và Đăk Lăk 3, Khánh Hòa 1, Hà Nam 1.