Khu vực miền Tây Nam bộ một phen xôn xao và hốt hoảng khi nghe tin một ca nghi nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Bạc Liêu. Đó là trường hợp ông TVT ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng đi xin việc làm tại công ty điện gió tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Sáng 28/2, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã phải họp khẩn cấp. Thế nhưng, tối 28/2 thì Viện Pasteur TPHCM đã kết luận… không có chuyện gì xảy ra. Vì sao lại có sự cố báo động giả như vậy?
Khi ông TVT từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu xin việc làm, đã được công ty tiếp nhận hướng dẫn đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu để xét nghiệm Covid-19. Sự cẩn trọng ấy, rất cần thiết, trong bối cảnh virus corona vẫn đang diễn biến phức tạp. Không biết phương tiện xét nghiệm có được trang bị đầy đủ không, mà Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu xác định ông TVT dương tính với SARS-CoV-2. Lập tức, ông TVT được xe chuyên dụng đưa đi cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, và 31 người được khoanh vùng là F1 của ông TVT cũng được đưa đi cách ly tập trung.
Từ mẫu bệnh phẩm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu gửi lên, Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm lại. Và thật may, ông TVT đã được khẳng định âm tính với Covid-19, như một niềm vui đáng băn khoăn của một ngày đáng hoang mang ở tỉnh Bạc Liêu.
Tại sao lại có hai kết quả xét nghiệm khác nhau giữa Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu và Viện Pasteur TPHCM? Tất nhiên, niềm tin của xã hội phải nghiêng về kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM. Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, do kỹ thuật, hay do trình độ? Dù bất cứ lý do gì, thì đây cũng là một ví dụ đáng suy ngẫm để có quy trình xét nghiệm Covid-19 chính xác hơn và thuyết phục hơn.
Xét nghiệm Covid-19 không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn ảnh hưởng tâm lý đối với những đối tượng được xét nghiệm. Mỗi một kết quả dương tính đưa ra, ngoài việc xáo trộn sinh hoạt của người được xét nghiệm, sẽ gây ức chế cho những người xung quanh. Báo động giả về ca nghi nhiễm Covid-19 không phải là thông tin hay ho và bổ ích cho cộng đồng. Nhất định phải hạn chế tuyệt đối mọi nguy cơ báo động giả. Bởi lẽ, nhìn ở góc độ lan truyền thì báo động giả dương tính Covid-19 cũng tạo hệ lụy như những thêu dệt thất thiệt trên mạng xã hội.
Nếu những ai thêu dệt thất thiệt về Covid-19 trên mạng xã hội đều bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc, còn cơ sở y tế đã báo động giả về ca nghi nhiễm Covid-19 thì ứng phó sao cho hợp tình?
Cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu còn kéo dài, không thể chấp nhận sai sót chủ quan nào. Vì vậy, các cơ sở xét nghiệm Covid-19 cần phải có quy chuẩn nghiêm túc và quy trình bài bản. Đừng nghĩ khái niệm “dương tính” hay “âm tính” chỉ là trò chơi của máy móc, mà chính là thái độ của con người với con người.