| Hotline: 0983.970.780

Xin chữ đầu năm đang dần phai nhạt?

Thứ Tư 12/02/2025 , 09:57 (GMT+7)

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt nhưng giờ đây, tục lệ này phần nào đang bị lệch lạc, hoặc thực hành sơ sài, cần được chấn chỉnh.

Nét đẹp văn hóa

Tục xin chữ đầu năm từ lâu đã là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt và luôn được coi trọng, gìn giữ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tục lệ này đang dần bị thương mại hoá, trở thành hoạt động "mua bán chữ" đơn thuần và không còn giữ được trọn vẹn giá trị nhân văn vốn có. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hoá Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng. Ảnh: NVCC.

- Thưa bà, tục xin chữ đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Vậy sự khác biệt giữa việc xin chữ ngày nay và tục lệ xin chữ truyền thống của người Việt xưa là gì?

Xin chữ là mỹ tục trong cái phong vị của văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam từ ngàn xưa.  Người Việt Nam có một cái cách đón Tết là thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu trà pháo, bánh chưng xanh và gắn liền với hình ảnh của câu đối đỏ chính là hình ảnh của ông đồ: Mỗi Năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua.

Nhà thơ Vũ Đình Liên từng đặt ra một câu hỏi đầy ám ảnh qua những câu thơ:"Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?". Ông gợi lên nỗi trăn trở về linh hồn của văn hóa Việt, được thể hiện qua một phong tục đẹp đẽ: tục cho chữ đầu năm. Thế nhưng, nét đẹp ấy ngày nay đã dần phai nhạt theo thời gian.

Nhìn lại, thế hệ chúng tôi – những người đắm mình trong đam mê nghiên cứu và bảo tồn giá trị văn hóa Việt – không khỏi xót xa khi thấy phong vị ấy ngày một mai một. Nguyên nhân theo tôi, rất rõ ràng: cho chữ và cách xin chữ ngày nay đã khác xưa rất nhiều.

- Ngày nay, nhiều người trẻ xin chữ chỉ vì xu hướng hoặc để "bắt trend" mà không hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của phong tục này. Bà có suy nghĩ gì về hiện tượng này, và nó ảnh hưởng như thế nào đến giá trị văn hóa của việc xin chữ?

Có vẻ như bây giờ, việc xin chữ đã trở thành một phong trào, một xu hướng (trend) của giới trẻ trên các phương tiện truyền thông. Nhiều bạn đi xin chữ đơn giản vì thấy người khác làm, chứ không thật sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của phong tục này.

Chúng ta có thể nhớ đến một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, người đã khắc họa cảnh cho chữ mà ông gọi là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” – đó là cảnh Huấn Cao cho chữ trong Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Cảnh tượng ấy không độc đáo chỉ vì nó diễn ra trong ngục tù, hay vì người cho chữ là một tử tù đang mang gông xiềng. Cái làm nên sự đặc biệt là ý nghĩa sâu sắc của cảnh cho chữ: đó là một cuộc chuyển giao nhân cách, chuyển giao cái đẹp, những giá trị văn hóa để chúng được lưu truyền, bảo tồn mãi mãi và phát huy trong môi trường mới.

Cho chữ ngày xưa nó linh thiêng lắm, vì người Việt ngày xưa là "muốn sang thì Bắc cầu Kiều muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Người ta không biết chữ nhưng người ta lại rất coi trọng những người mang ánh sáng của chữ viết để khai tâm, khai trí, để mở ra một con đường cho sự hoàn thiện nhân cách của con người.

Ngày nay, việc cho chữ đã khác đi rất nhiều. Như bạn đã nói, chữ viết hiện nay đã nhuốm màu thương mại hóa. Cảnh tượng cho chữ không còn là sự xin và cho đầy ý nghĩa như trước, mà nhiều khi đã biến tướng thành việc mua và bán chữ. Đây là hệ quả của sự tác động từ nền kinh tế thị trường. Một số người bao biện rằng đây là cách để văn hóa thích nghi với thời đại, rằng việc này giúp biến văn hóa thành một “sản phẩm” trong thời kỳ xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, điều đó cũng làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có của việc cho chữ – từ một hành động văn hóa cao quý trở thành một giao dịch mang tính thương mại.

- Trong bối cảnh hiện nay, chữ viết đã có sự chuyển đổi từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ và ngày càng bị thương mại hóa. Bà đánh giá sao về sự chuyển dịch này?

Ở đây có điều gì đó khiến tôi cứ gợn gợn. Vừa đúng, lại vừa không hoàn toàn đúng. Một trong những điểm khác biệt rõ rệt là chữ viết trong cảnh cho chữ ngày xưa thường là chữ Nôm. Ngày nay, người ta chủ yếu sử dụng chữ quốc ngữ để thể hiện thư pháp.

Chữ Nôm xưa mang trong mình sự cân đối, táo bạo, đầy nghệ thuật, và cũng rất khoa học. Nó thể hiện tinh thần sáng tạo và bản sắc của người Việt. Như lời Bác Hồ từng nói, tiếng Việt rất giàu và đẹp, vậy tại sao chúng ta không dùng chính tiếng Việt để thể hiện linh hồn văn hóa Việt? Tuy nhiên, việc chuyển từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ cũng mất đi phần nào tính linh thiêng và truyền thống, nếu chúng ta không biết cách giữ gìn và thể hiện giá trị văn hóa truyền thống trong thư pháp hiện đại.

Nét đẹp văn hóa xin chữ đầu xuân. Ảnh: Đức Bách.

Nét đẹp văn hóa xin chữ đầu xuân. Ảnh: Đức Bách.

Bạn để ý một chút sẽ thấy, những chữ mà các cụ ngày xưa thường viết như tài, tâm, nhẫn, phúc, lộc, thọ, an khang - thịnh vượng đều rất khỏe khoắn, đầy đặn và đẹp đẽ. Những chữ ấy không chỉ đơn thuần là nét bút, mà còn là biểu tượng của giá trị văn hóa, của sự trân trọng cái đẹp và nhân cách con người.

Ngày nay, nhiều nghệ nhân đã cách điệu chữ viết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng – những "thượng đế" trong nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, chữ viết không còn giữ được nét uyển ngữ, nhã ngữ hay sự tinh tế vốn có.

Điều đáng tiếc là bản thân chữ viết, với từng nét bút mềm mại và hàm súc, từng chứa đựng trong đó thông điệp và linh hồn của văn hóa. Khi những giá trị này bị phai nhạt, chữ viết không còn là biểu tượng thiêng liêng của văn hóa, mà dần trở thành một sản phẩm thương mại hóa, mất đi sức sống và chiều sâu văn hóa vốn có.

Mua chữ

- Ngày nay, không chỉ có những thay đổi về nghi thức mà cũng xảy ra tình trạng nhiều người coi đó là một cách cầu may hoặc mua bán chữ đơn thuần. Thậm chí ở một vài nơi thì người xin chữ còn có thể tới các quầy bán chữ viết sẵn để mua về. Bà nghĩ sao về thực trạng này? 

Thật ra, tôi nghĩ rằng việc mua chữ hoặc xin chữ để cầu may vẫn mang một ý nghĩa tốt đẹp, truyền tải thông điệp của sự may mắn và an lành. Đó là lời cầu chúc cho sự hanh thông, an khang, thịnh vượng và mọi điều tốt đẹp – một nhu cầu và khát vọng chính đáng của con người.

Tuy nhiên, như bạn đã nói, có nhiều cách để thể hiện nhu cầu tâm linh và sự thiêng liêng ấy. Ví dụ, người xin chữ có thể đặt trọn tâm lực và khát vọng của mình vào từng nét chữ. Những cảm xúc, mong muốn ấy được trao gửi và hiện hữu qua từng con chữ được viết lên từ ngòi bút của các nghệ nhân. Chính sự chân thành và tâm huyết ấy là điều làm nên giá trị thiêng liêng của chữ viết, vượt xa khỏi ý nghĩa vật chất thông thường.

Bây giờ, người ta có thể mua chữ sẵn, cũng giống như việc mua bánh chưng vậy. Xin phép được so sánh một chút: ngày xưa, hình ảnh trẻ con háo hức ngồi nhìn mẹ vo từng hạt gạo trắng, đãi từng hạt đỗ vàng ươm, chọn từng miếng thịt thơm ngon để gói bánh chưng là một kỷ niệm đẹp. Những đứa trẻ ngồi bên bếp lửa trong suốt đêm giao thừa, nhìn nồi bánh nghi ngút khói, để sáng mùng Một được ngắm những chiếc bánh chưng vuông vắn, thơm tho và đầy ý nghĩa. Những chiếc bánh ấy không chỉ là món ăn, mà còn là biểu tượng của sự thành kính, được dâng lên tổ tiên trong dịp Tết.

Thế nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ chỉ cần bánh chưng để cúng tổ tiên, chứ không còn quan tâm đến việc tự tay gói bánh. Họ chọn cách mua bánh chưng sẵn, nhanh gọn và tiện lợi hơn. Điều này cũng giống như việc xin chữ và mua chữ: một bên thuộc về giá trị tinh thần, gắn liền với tâm huyết và truyền thống, còn bên kia nghiêng về giá trị vật chất, đáp ứng nhu cầu thực dụng của cuộc sống hiện đại.

Giống nhau ở chỗ là đôi khi người ta nghĩ rằng là người ta chỉ cần có cái chữ để người ta đem lại cho mình may mắn. Còn cái cách thức để đạt được cái chữ đấy người ta không cần nữa, cũng là cái sự thôi thúc của cái nhịp điệu văn minh công nghiệp. Vì nhiều người họ nói rằng là sao lại phải mất đến hàng buổi để ngồi chầu trực, có khi hàng ngày để xin được con con chữ. Trong khi đó người ta có thể là ra mua một cái chữ cũng đẹp như thế, cũng trịnh trọng như thế và cũng những chữ vuông vắn, nó nói lên cái khát vọng tung hoành của cả một đời người như là cách dùng chữ của Nguyễn Tuân.

Xin chữ là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ảnh: AI.

Xin chữ là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Ảnh: AI.

- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó? Liệu có phải do áp lực về kinh tế hay sự thay đổi trong nhận thức của người dân?

Nguyên nhân chính nằm ở nhận thức. Nhiều người chỉ quan tâm đến việc sở hữu con chữ mà không để tâm đến nguồn gốc hay cách thức đạt được nó. Họ không trải nghiệm hay lắng đọng cảm xúc linh thiêng, chân thành trong từng nét bút của các nghệ nhân, những ông đồ khi cho chữ. Thay vào đó, họ chọn mua chữ, giống như việc mua bánh chưng thay vì tự tay gói, bởi họ không hiểu quy trình hay giá trị tinh thần mà từng hành vi trong nghi thức mang lại.

Chính sự thiếu kiên nhẫn, thiếu thành kính đã khiến những trải nghiệm linh thiêng bị rút ngắn, thậm chí bị lược bỏ. Kết quả cuối cùng chỉ là sở hữu một con chữ để đặt nơi trang trọng, cầu may mắn. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế thị trường và nhịp sống hối hả của văn minh công nghiệp cũng là nguyên nhân quan trọng, khiến con người dần xa rời những giá trị truyền thống.

Nhiều người cho rằng họ không đủ thời gian. Thời gian nghỉ ngơi trong năm của họ chỉ vỏn vẹn vài ngày, nên việc dành trọn một ngày để xin hay mua chữ trở nên khó khả thi. Thay vào đó, họ chọn cách nhanh hơn – mua chữ – và tận dụng thời gian còn lại để dẫn con cái, người yêu, vợ, hoặc chồng đi thăm thú những nơi khác. Điều này cũng giống như một số bạn trẻ ngày nay, thay vì về nhà trong ba ngày Tết, họ chọn đi du lịch để tranh thủ nạp lại năng lượng theo những cách khác nhau.

Tôi nghĩ rằng một nguyên nhân khác là do các nhà thư pháp và nghệ nhân hiện nay không cần mất hàng tiếng đồng hồ để mài mực hay gửi gắm cảm xúc, thăng hoa sáng tạo qua từng con chữ. Họ có thể sáng tạo nhiều chữ cùng lúc ngay tại nhà, dựa trên sở thích, cá tính hoặc yêu cầu của "thượng đế" – tức khách hàng. Khi đã có sẵn sản phẩm để bán, rõ ràng việc bán chữ đáp ứng nhu cầu của người mua.

Chính vì thế, việc cho chữ ngày nay đã dần trở thành hoạt động mua bán chữ. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, hàng năm vẫn thấy cảnh tượng vừa vui vừa buồn. Vui vì nhiều người vẫn trân trọng giá trị thiêng liêng của việc xin chữ. Nhưng buồn vì không ít người cho rằng xin chữ quá mất thời gian, và họ chọn cách đi mua chữ cho nhanh.

- Theo bà, cần có những giải pháp gì để bảo tồn và phát huy các giá trị của tục xin chữ hiện nay?

Tôi nghĩ có rất nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy tục xin chữ – một biểu hiện đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tuyên truyền là một giải pháp tích cực, giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của giới trẻ.

Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa và chương trình đào tạo, giáo dục cũng cần đưa nội dung này vào truyền thông, nhằm giúp các bạn trẻ hiểu sâu sắc và đầy đủ về các giá trị văn hóa Việt Nam trong dịp Tết. Nhiều người hiện nay chỉ xem Tết là những thủ tục đơn thuần, mà không nhận thức được ý nghĩa sâu xa của các mỹ tục như xin chữ.

Một số người cũng cho rằng công danh, lợi lộc hay may mắn chỉ đến từ nỗ lực của bản thân, chứ không liên quan đến sự phù trợ của yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng là con người cần hướng đến việc hoàn thiện nhân cách, bởi đó mới chính là giá trị cao quý nhất trong cuộc sống.

Khi con người hướng về nội tâm, sống với những cảm xúc và trực giác tinh tế, sâu sắc, họ sẽ nhận ra giá trị thật sự của các mỹ tục truyền thống. Một trong những cách hiệu quả để giữ gìn và phát huy mỹ tục như tục cho chữ là tích hợp chúng vào các chương trình truyền hình một cách tự nhiên và liên tục, không chỉ gói gọn trong dịp Tết.

Hiện nay, các chương trình về văn hóa truyền thống thường chỉ xuất hiện khi đến mùa Tết. Nếu những giá trị này được giới thiệu xuyên suốt cả năm, như một dòng chảy tự nhiên, công chúng sẽ tiếp nhận một cách sâu sắc hơn. Khi đó, họ không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhu cầu tự thân, biết phân biệt điều gì tốt, điều gì nên làm, và điều gì cần tránh. Đó chính là cách để mỹ tục được gìn giữ và lưu truyền một cách bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Phim trăm tỷ đâu chỉ dành riêng sân chơi cho Trấn Thành

Phim trăm tỷ dịp Tết Ất Tỵ không còn là màn độc diễn tên tuổi Trấn Thành mà có sự rượt đuổi giữa nhiều sản phẩm giải trí được đầu tư mức độ khác nhau.

Hạ gục Liverpool, CLB hạng Nhất Plymouth tạo địa chấn tại FA Cup

Rạng sáng 10/2, CLB hạng Nhất Plymouth quật ngã Liverpool 1-0 ở vòng 4 FA Cup, tạo nên cơn địa chấn lớn nhất ở mùa giải này.

Tuyển Việt Nam đá giao hữu với Campuchia tại Bình Dương

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại cuối Asian Cup 2027, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với đội tuyển Campuchia tại sân Gò Đậu (Bình Dương).

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất