| Hotline: 0983.970.780

Xoay xở trước 'bão' giá vật tư đầu vào: [Bài 1] Những quyết định khó với nông dân miền Tây

Thứ Năm 30/06/2022 , 16:20 (GMT+7)

Trước bối cảnh giá phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu nằm ở ngưỡng cao, nông dân miền Tây phải lựa chọn nhiều cách để tìm hướng đi phát triển mới.

Xoay theo thị trường

Để tìm hiểu về đời sống cũng như lời lỗ mùa vụ thời gian qua của bà con nông dân trước bối cảnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xăng dầu nằm ở mức quá cao như hiện nay, chúng tôi đã tìm đến ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Đi dọc tuyến đường kênh KH8, chúng tôi có dịp gặp gỡ và nghe được 3 câu chuyện, những trăn trở của bà con đối với nghề trồng lúa, một cái nghề mà nông dân ai khi được hỏi cũng đều có chung câu trả lời “làm lúa từ cái thời lên 17, 18 tuổi".

Toàn bộ diện tích lúa của ông Đặng Văn Quang đã được chuyển đổi sang trồng dưa hấu, cho lợi nhuận cao. Ảnh: Kim Anh.

Toàn bộ diện tích lúa của ông Đặng Văn Quang đã được chuyển đổi sang trồng dưa hấu, cho lợi nhuận cao. Ảnh: Kim Anh.

Giữa cái nắng gắt lúc 12 giờ trưa, ông Đặng Văn Quang dẫn chúng tôi đi xem ruộng dưa hấu đang chuẩn bị xử lý cho trái. Người đàn ông trọn đời với nghề nông này cho hay, trước đây gia đình canh tác 2ha lúa, nhưng từ năm 2014 đến bắt đầu chuyển đổi vài công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Đến những năm 2019 - 2020 thì gia đình chuyển đổi hoàn toàn 2ha lúa sang tập trung trồng dưa hấu.

Theo tính toán của ông Đặng Văn Quang, trồng dưa hấu canh tác được 4 vụ/năm, lợi nhuận lại khá cao, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận ông thu được từ 5 - 7 triệu đồng/công (1.000 mét vuông). Nói về lí do bỏ cây lúa, ông Đặng Văn Quang bộc bạch: “Trồng dưa hấu ít lỗ, lời cao. Trung bình giá dưa hấu dao động từ 6.000 - 9.000 đồng/kg, năng suất đạt từ 3 tấn/công. Trồng dưa ổn định, êm lắm. Có thời điểm hút hàng, thương lái chạy hỏi từng nhà để mua dưa. Thay vì mần lúa một năm chỉ lời từ 4 - 5 triệu đồng/công, cho mướn đất ngon hơn”.

Chính cái “ngon hơn” đó mà ông Nguyễn Văn Quang cũng ở ấp Định Mỹ đã cho thuê toàn bộ 8.000m2 đất của gia đình cho nông dân khác có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Quang đã cho thuê toàn bộ diện tích lúa nhưng không bán với mong muốn quay lại trồng lúa. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Văn Quang đã cho thuê toàn bộ diện tích lúa nhưng không bán với mong muốn quay lại trồng lúa. Ảnh: Kim Anh.

“Tôi không trồng lúa không phải vì tôi hết yêu cây lúa, nhưng làm lúa lợi nhuận không cao, chán nản, lúa được mùa mà không được giá. Tôi muốn làm lúa lắm nhưng xung quanh người ta lên bờ làm vườn hết rồi, nên làm lúa cũng không được”, ông Nguyễn Văn Quang giãi bày.

Theo lời ông Nguyễn Văn Quang, diện tích lúa xung quanh ruộng nhà đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, nên bản thân ông bắt buộc cho thuê đất hoặc cùng chuyển đổi. Bởi lẽ, diện tích trồng lúa không lớn nên việc thuê máy cắt, máy xới rất khó khăn.

"Phân bón mắc, lúa mất giá, nông dân bây giờ bỏ ruộng đất trống không làm, hồi trước làm 3 vụ, bây giờ chỉ còn làm 2 vụ, không bài bản như những năm trước nữa”, ông Nguyễn Văn Quang đưa ra thực tế canh tác lúa ở xã.

Hợp đồng cho thuê đất đất lúa của ông Nguyễn Văn Quang. Ảnh: Kim Anh

Hợp đồng cho thuê đất đất lúa của ông Nguyễn Văn Quang. Ảnh: Kim Anh

Chia sẻ về giai đoạn làm lúa truyền thống, ông Nguyễn Văn Quang nói trong sự hối tiếc: Bỏ lúa tiếc lắm, nông dân hồi trước còn làm lao động chân tay, lúa không có sân mà phơi, không có máy sấy, được giá, cực nhưng vui. Còn bây giờ, lúa bán không có giá, làm giàu được từ cây lúa là điều không tưởng. Hồi trước làm lúa, mỗi gia đình 1-2 ha mau giàu lắm, giờ thì diện tích đó đủ xài chứ không có dư.

Nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Quang rất muốn làm lúa, nếu giá phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu ổn định như trước, lúa có giá, nông dân như ông “sẽ quay trở lại làm lúa liền”. Bởi thực tế được ông Quang chỉ ra, việc trồng cây ăn trái hiện nay ở ấp Định Mỹ thực hiện một cách tràn lan, không theo quy hoạch, nông dân trồng theo phong trào, trồng rồi chặt.

Nói về việc hiện nay ngành nông nghiệp khuyến khích bà con nông dân trồng lúa đặc sản, ông Quang thẳng thắn chia sẻ: “Nếu mở cánh đồng mẫu lớn cho nông dân tập trung vô làm thì yên tâm hơn, làm nhỏ lẻ muốn làm lúa cũng làm không được”.

Chuyển từ canh tác 3 vụ xuống còn 2 vụ

Ông Trương Văn Đực, Trưởng ấp Định Mỹ thông tin với chúng tôi, giai đoạn năm 2018 - 2019, diện tích canh tác lúa toàn ấp là 250ha, nhưng đến nay đã giảm còn 208ha. Trong đó chủ yếu diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng dưa hấu, phát triển kinh tế vườn, hoa màu. Bản thân gia đình ông Đực cũng đã chuyển toàn bộ 3ha đất lúa sang trồng nhãn, mít thái, mãng cầu, ổi nữ hoàng, đu đủ… kể từ thời điểm năm 2019.

Ông Trương Văn Đực cho rằng 'bỏ ruộng' là quyết định đúng đắn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trương Văn Đực cho rằng “bỏ ruộng” là quyết định đúng đắn. Ảnh: Kim Anh.

Nói về thu nhập từ việc trồng lúa, ông Đực cho hay, nông dân chỉ thu lời nhiều từ vụ đông xuân khoảng 30 triệu đồng/ha, còn những vụ khác chỉ lời tầm 10 triệu đồng/ha. Thế nhưng từ khi chuyển sang làm vườn, đã mang lại nhuận gấp 4 - 5 lần trồng lúa cho gia đình ông. Ông Đực khẳng định với chúng tôi, “không hối tiếc khi bỏ lúa sang làm vườn”.

“Từ ông bà, cha mẹ đến tôi không ai khá hết, nên tôi quyết chuyển đổi hết lúa. Ngành nông nghiệp của địa phương rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi kỹ thuật, kỹ năng trồng lúa hiệu quả. Tập huấn rất có hiệu quả, nhưng làm lúa không có lời, lúa không có giá, trong khi phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu quá cao”, ông Đực chia sẻ.

Vườn nhãn Idor chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả của ông Trương Văn Đực. Ảnh: Kim Anh.

Vườn nhãn Idor chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả của ông Trương Văn Đực. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê từ UBND xã Định Môn, từ đầu năm đến nay diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng vườn hoặc xen canh các loại hoa màu khác khoảng 60 ha. Bên cạnh đó, diện tích chuyển từ canh tác 3 vụ lúa/năm giảm còn 2 vụ lúa/năm lên tới 350ha.

Nông dân Phan Thiện Khanh, ấp Định Khánh B, xã Định Môn, là một trong số những bà con chuyển từ canh tác 3 vụ lúa xuống còn 2 vụ lúa. Theo phân tích của ông Khanh, năm 2022 này giá mặt hàng phân bón đã tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2021, với thuốc BVTV cũng đã tăng 30%. Từ đó, ông dự tính, kết thúc vụ đông xuân 2022 - 2023 để “gỡ gạc” lại chi phí, ông sẽ lên kế hoạch chuyển đổi cải tạo toàn bộ 1,5 ha đất lúa để trồng cây lâu năm: sầu riêng, đu đủ, dưa gang...

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ

Giá thành sản xuất tăng 6-10% so với cùng kỳ

Đối với giá phân bón, thuốc BVTV tăng trung bình trong thời gian qua từ 12 - 23% thì giá thành sản xuất có khả năng sẽ tăng 6 - 10% so với cùng kỳ. Với giá bán lúa tươi trung bình từ 5.000 - 5.900 đồng/kg thì lợi nhuận sẽ thấp hơn so với cùng kỳ là 10 - 40%.

Trong đoạn 2022 - 2030, TP Cần Thơ có kế hoạch giảm khoảng 22.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác (phát triển giao thông, đô thị, khu dân cư, công nghiệp, dịch vụ, khu nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi sang cây trồng khác…) vẫn đảm bảo an ninh lương thực của thành phố và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Bên cạnh đó, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp hữu cơ. Vùng sản xuất lúa tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích 55.000ha để nông dân đảm bảo có lợi nhuận mà không quay lưng với cây lúa nước truyền thống.

                                                                                                       Lê Hoàng Vũ

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.