| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nghiêm các vi phạm nhập khẩu lợn sống theo quy định

Thứ Sáu 29/01/2021 , 11:12 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Cục Thú y sau khi Bộ NN-PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm từ tháng 6/2020.

Cục Thú y khẳng định đã, đang chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng, Chi cục Thú y các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thú y, nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam.

Động vật và sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y.

Động vật và sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y.

Quy định chặt chẽ kiểm dịch nhập khẩu động vật

Theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trên cạn, việc kiểm dịch động vật nhập khẩu được quy định cụ thể sau: Chủ hàng đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y; Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 5 ngày làm việc, Cục Thú y có văn bản đồng ý kiểm dịch nhập khẩu và hướng dẫn chủ hàng thực hiện kiểm dịch nhập khẩu.

Sau khi được Cục Thú y chấp thuận, chủ hàng phải khai báo kiểm dịch với Chi cục Thú y vùng có cửa khẩu nhập và Chi cục Thú y vùng nơi cách ly kiểm dịch.

Căn cứ khai báo kiểm dịch nhập khẩu của chủ hàng với cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu nhập và Chi cục Thú y vùng (nơi có khu cách ly kiểm dịch của doanh nghiệp), Chi cục Thú y vùng sẽ bố trí cán bộ kiểm dịch đến nơi nuôi cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu để thực hiện việc kiểm dịch động vật nhập khẩu theo đúng quy định (kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm bệnh…)

Như vậy, đơn vị nhập khẩu buộc phải khai báo kiểm dịch nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu nhập và Chi cục Thú y vùng nơi có khu cách ly kiểm dịch của đơn vị.

Kiểm dịch tại cửa khẩu

Tại cửa khẩu nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, xác nhận khai báo kiểm dịch; kiểm tra lô hàng theo hồ sơ khai báo kiểm dịch; kiểm tra tình trạng sức khỏe động vật, số lượng, chủng loại động vật, điều kiện vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển.

Nếu hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, lô hàng động vật phù hợp với hồ sơ khai báo kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch nước xuất khẩu, động vật khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì Cơ quan Thú y cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch.

Tiếp đến, cơ quan thú y sẽ niêm phong kẹp chì phương tiện vận chuyển động vật; vệ sinh khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển và dụng cụ kèm theo; cấp Giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi nuôi cách ly kiểm dịch theo đăng ký của doanh nghiệp và đã được các cơ quan liên quan kiểm tra bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y để nuôi cách ly kiểm dịch.

Kiểm dịch tại nơi nuôi cách ly

Tại nơi nuôi cách ly, Chi cục Thú y vùng căn cứ vào khai báo của chủ hàng về thời gian vận chuyển đàn lợn về nơi nuôi cách ly kiểm dịch sẽ cử cán bộ đến nơi nuôi cách ly kiểm dịch để kiểm tra thực tế đàn lợn nhập khẩu và lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định.

Nếu đàn lợn khoẻ mạnh, kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh theo quy định thì Chi cục Thú y vùng theo dõi cách ly sẽ Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu. Nếu phát hiện có vi phạm thì Chi cục Thú y vùng sẽ lập biên bản và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định.

Chủ hàng nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu cho cơ quan Hải quan cửa khẩu để hoàn tất các thủ tục về hải quan. Sau khi hết thời gian cách ly kiểm dịch, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố nơi có lợn nhập khẩu nuôi cách ly kiểm dịch sẽ căn cứ vào khai báo của doanh nghiệp để kiểm tra thực tế đàn lợn và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển đàn lợn nhập khẩu để vận chuyển đi giết mổ theo quy định.

Bộ NN-PTNT, Cục Thú y chỉ đạo quyết liệt

Ngày 11/6/2020, Bộ NN-PTNT ban hành Công văn số 3936/BNN-VP đồng ý cho Cục Thú y thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

Để tăng cường việc kiểm soát nhập khẩu, buôn bán, vận chuyện trái phép lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 3991/BNN-TY ngày 15/6/2020 và Công điện số 169/CĐ-BNN-TY ngày 11/01/2021 đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Ngày 12/6/2020, Cục Thú y ban hành Công văn số 963/TY-KD gửi các Chi cục Thú y vùng  yêu cầu các đơn vị bố trí đủ lực lượng cán bộ làm công tác kiểm dịch tại cửa khẩu, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan ở cửa khẩu nhập, địa bàn nuôi cách ly kiểm dịch tổ chức thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam theo các quy định, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn nhập khẩu và đàn gia súc trong nước.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp với Cục Thú y và các đơn vị liên quan để xem xét cụ thể các trường hợp vi phạm đồng thời đã chỉ đạo Cục Thú y: Đối với doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần sẽ tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu; đối với doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính 1 lần sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực gần cửa khẩu nhập.   

Xử lý nghiêm doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống vi phạm

Trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, do nhu cầu thịt lợn giáp Tết Nguyên đán tăng cao cùng với việc chênh lệch về giá cả lợn sống giữa Việt Nam và các nước láng giềng nên đã xuất hiện tình trạng có một số doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam không tuân thủ quy định về việc kiểm dịch nhập khẩu, đặc biệt là không thực hiện việc khai báo kiểm dịch vận chuyển lợn về nơi nuôi cách ly kiểm dịch với Chi cục Thú y vùng nơi theo dõi, giám sát đàn lợn nuôi cách ly kiểm dịch theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về kiểm dịch lợn sống nhập khẩu, Cục Thú y đã yêu cầu các Chi cục Thú y vùng có liên quan hoàn thiện hồ sơ và gửi về Cục Thú y để xử lý nghiêm, ban hành Quyết định xử phạt hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Triển khai ngay các biện pháp cấp bách

Để tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí, Cục Thú y đã chỉ đạo quyết liệt các Chi cục Thú y vùng và Chi cục Thú y và Chăn nuôi các tỉnh/thành phố thực hiện ngay các biện pháp cấp bách

Tổ chức thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam theo đúng quy định, đồng thời yêu cầu các Chi cục Thú y và Chăn nuôi các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm soát vận chuyển lợn sống sau khi kết thúc cách ly kiểm dịch, tại cơ sở giết mổ lợn theo đúng quy định.

Yêu cầu các Chi cục Thú y vùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức rà soát, phát hiện các trường hợp vi phạm khác, nếu có báo cáo ngay về Cục Thú y để xử lý kịp thời; đồng thời tổ chức kiểm tra và báo cáo cụ thể các trường hợp cán bộ thú y vi phạm trong việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống không tuân thủ theo quy định.

Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan nơi doanh nghiệp nuôi cách ly kiểm dịch để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam theo đúng quy định.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.