| Hotline: 0983.970.780

Lạ lùng cách xử lý vi phạm hành lang công trình thủy lợi tại An Dương

Thứ Năm 08/07/2021 , 12:39 (GMT+7)

Hải Phòng Vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi dù được phát hiện và phản ánh với chính quyền địa phương từ sớm nhưng sau đó sai phạm vẫn tiếp tục được diễn ra.

Đó là những gì đang hiện hữu tại một số địa phương thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng, điển hình như tại xã Hồng Thái và xã Bắc Sơn.

Trong đó, tại xã Bắc Sơn, ngày 4/6/2021, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi An Hải (Công ty An Hải) kiểm tra, phát hiện ông Lê Quốc Khiêm tự ý đóng cọc bê tông và lắp đặt tấm đan để xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh Hoàng Lâu đoạn tiếp giáp với Quốc lộ 17B.

Hoạt động xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi tại xã Bắc Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Hoạt động xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi tại xã Bắc Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Công ty An Hải, đây là tuyến kênh có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng cho cả 1 khu vực. Đặc biệt, nếu mưa lớn và trùng vào thời điểm thủy triều cao, kênh Hoàng Lâu là công trình duy nhất dẫn nước tiêu thoát cho toàn bộ Khu công nghiệp Tràng Duệ và Khu công nghiệp An Dương.

Việc làm của ông Lê Quốc Khiêm là vi phạm Luật Thủy lợi, tạo nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng trong mùa mưa bão. Do đó, ngay khi phát hiện sự việc, Công ty An Hải đã lập biên bản và kiến nghị UBND xã Bắc Sơn có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền.

Tiếp đó, do việc vi phạm vẫn tiếp diễn, trên cơ sở báo cáo kiến nghị của Công ty An Hải, ngày 7/6/2021, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã kiểm tra thực tế và đề xuất cụ thể biện pháp xử lý cũng như kiến nghị UBND huyện An Dương chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm này.

Tuy nhiên, sau đó ông Lê Quốc Khiêm vẫn tiếp tục tổ chức thi công hoàn thiện công trình vi phạm mà không thấy các cơ quan chức năng của địa phương có biện pháp để ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Hành vi vi phạm Luật Thủy lợi của ông Khiêm đã được phát hiện và phản ánh với UBND xã Bắc Sơn từ lúc manh nha. Ảnh: Đinh Mười.

Hành vi vi phạm Luật Thủy lợi của ông Khiêm đã được phát hiện và phản ánh với UBND xã Bắc Sơn từ lúc manh nha. Ảnh: Đinh Mười.

Từ vụ việc lẽ ra đã có thể ngăn chặn ngay từ đầu nhưng không hiểu sao không sau đó tiếp tục dây dưa, kéo dài và ngày 1/7, UBND TP Hải Phòng đã phải ra văn bản yêu cầu UBND huyện An Dương khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm hành vi vi phạm và báo cáo trước ngày 10/7/2021.

Còn tại xã Hồng Thái, ngày 27/3/2021, Công ty An Hải phát hiện một số hộ dân tự ý san gạt để đổ bê tông làm đường đi trên phạm vi bảo vệ kênh xây cấp 1 trạm bơm Hồng Tuấn, thôn Đào Yêu, Công ty này đã phối hợp với UBND xã Hồng Thái lập biên bản đình chỉ. Dù vậy sau đó, các hộ dân vẫn cố tình đổ bê tông làm đường vi phạm trên phạm vi bảo vệ kênh Hồng Tuấn.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm, Công ty An Hải đã báo cáo Sở NN- PTNT Hải Phòng, UBND huyện An Dương và tiếp tục đề nghị UBND xã Hồng Thái có biện pháp cương quyết, xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, đến 12/4, tại vị trí nói trên, công trình vi phạm không những chưa được xử lý mà người dân đã đặt tấm bê ông phủ kín cả mặt kênh. Sau khi Báo NNVN phản ánh sự việc, ngày 14/4, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT Hải Phòng, UBND huyện An Dương và Công ty An Hải đề nghị xác minh làm rõ.

Vi phạm hành lang công trình thủy lợi tại xã Hồng Thái, từ lúc manh nha cho đến lúc hoàn thiện. Ảnh: Đinh Mười.

Vi phạm hành lang công trình thủy lợi tại xã Hồng Thái, từ lúc manh nha cho đến lúc hoàn thiện. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 29/4, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng khẳng định việc phản ánh của Báo NNVN là đúng, đồng thời cho biết từ khi vi phạm mới phát sinh Công ty An Hải đã có ý kiến nhưng UBND xã Hồng Thái chậm xử lý dẫn đến vụ việc thêm phức tạp, khó xử lý.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương xử lý sai phạm và dự kiến xong trong tháng 5/2021, tuy nhiên, đến nay, công trình vi phạm vẫn đang tồn tại.

Liên quan đến 2 trường hợp sai phạm này, trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Khải – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương thừa nhận các vụ việc vẫn chưa xử lý xong. Trong đó, với công trình của ông Lê Quốc Khiêm, sáng 7/7, cơ quan chức năng mới tiến hành tháo dỡ nhưng việc này chỉ mang tính “đối phó” với chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng.

“Về vụ việc ở xã Bắc Sơn hôm nay họ đã rút cọc để dỡ công trình rồi, bây giờ câu chuyện dỡ là để đảm bảo được chỉ đạo của thành phố, chúng tôi vẫn đang xác minh, kiểm tra tổng thể”, ông Khải khẳng định.

Có thể thấy, những sai phạm nói trên đều được phát hiện sớm, đơn vị quản lý công trình thủy lợi đều có đề nghị địa phương xử lý nhưng sự việc sau đó các vụ việc không những không được giải quyết dứt điểm mà hành vi sai phạm thậm chí còn tiếp tục diễn ra khiến vụ việc thêm phức tạp, tạo dư luận xấu và khó khăn cho việc xử lý về sau.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.