| Hotline: 0983.970.780

Xua tan 'làn khói trắng', bản làng căng tràn nhựa sống

Thứ Tư 30/10/2024 , 10:10 (GMT+7)

Rũ bỏ quá khứ thương đau khi vấn nạn ma túy được đẩy lùi, nay nhịp sống nông thôn mới hiện hữu khắp xã Lượng Minh, lòng người nơi đây đã yên.

Lượng Minh yên bình sau chuỗi ngày sóng gió. Ảnh: Ngọc Linh.

Lượng Minh yên bình sau chuỗi ngày sóng gió. Ảnh: Ngọc Linh.

Quá khứ thương đau

Xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) là “điểm nóng” ma túy một thời, vấn nạn này từng là nỗi ám ảnh khôn nguôi, làm u mê bao thế hệ, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh bi thương. “Cái chết trắng” trực tiếp kéo lùi đà phát triển của Lượng Minh, khiến lòng người trì trệ muôn phần.

Mươi năm trước đời sống thường nhật của dân bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhận thức pháp luật còn mơ hồ, các ông trùm máu mặt đã lợi dụng “kẽ hở” này để thao túng, qua đó từng bước đẩy con em Lượng Minh vào cảnh nghiện ngập, tù tội.  

Bán buôn mặt hàng siêu nhạy cảm mang lại lợi nhuận khổng lồ, bị đồng tiền nhơ nhớp làm mờ mắt nên ai nấy đều bất chấp, trong hành trình lấy số, tranh giành thị phần đám anh chị không ngần ngại sử dụng hàng nóng để thị uy. Đâm thuê, chém giết, thậm chí dùng súng để thanh trừng lẫn nhau kéo theo những cảnh tượng đau lòng. Vì ma túy có người đã bỏ mạng, trường hợp vướng vòng lao lý nhiều không kể xiết. Những người may mắn giữ được thân thì ám ảnh mãi không thôi, chung quy hệ lụy quá đỗi kinh hoàng.

Ông Lô Văn K. là nhân chứng sống của vấn nạn ma túy năm xưa. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Lô Văn K. là nhân chứng sống của vấn nạn ma túy năm xưa. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Lô Văn K., người sở hữu “thành tích bất hảo” khi trải qua những tháng năm yên hùng. Với 24 năm ngồi tù, dường như thời gian ông K. ăn cơm trại còn nhiều hơn ăn cơm nhà. Vì lợi ích phù phiếm vợ con ông cũng trượt dài theo vết xe đổ này lúc nào không hay. Già trẻ thi nhau vướng vòng lao lý là vết nhơ để đời, khi đã chùn chân mỏi gối ông K. mới hối tiếc cho những ngày xuân xanh:   

“Cả đời tôi cứ chạy theo những thứ ảo mộng hư vô, để rồi cuối cùng chẳng có gì trong tay. Muộn còn hơn không, tôi quyết tâm rũ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời. Lâu nay tôi làm công nhân, việc khá nặng nhọc, hàng ngày chỉ kiếm được vài trăm ngàn nhưng thâm tâm thảnh thơi, không còn nơm nớp lo sợ như trước kia”.

Một người sa ngã vào ma túy khiến cả nhà xáo trộn đảo điên, sau cuối đàn bà và trẻ nhỏ phải gánh chịu hậu quả đau thương. Bản Xốp Mạt vẫn được người đời gọi là “Bến không chồng”, ám chỉ những người đàn bà đơn thân gối chiếc, một thân một mình gánh gồng cuộc sống thường nhật.

Bà Thải khổ sở nuôi con ăn học suốt 15 năm qua khi chồng vướng vòng lao lý. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Thải khổ sở nuôi con ăn học suốt 15 năm qua khi chồng vướng vòng lao lý. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Lô Thị Thải, 52 tuổi là một người như thế. Cuộc sống đang êm trôi thì bão tố ập khi chồng bà vướng tù tội. Gánh nặng mưu sinh đè nặng buộc bà Thải phải bươn chải sớm hôm, làm việc cật lực khiến thể trạng đi xuống trầm trọng. Xót phận mình bà Thải những chẳng biết thủ thỉ cùng ai, cứ thế âm thầm chịu đựng suốt 15 năm rồi:

“Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn, để sống và nuôi dạy 2 con nên người nào đâu dễ dàng gì, thực tâm có những lúc muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến chồng con lại thôi thúc bản thân gắng gượng vượt qua. Chờ đợi mỏi mòn cũng đến ngày ông nhà mãn hạn tù, mong rằng từ đây nhà cửa sẽ ấm êm”.

Nhịp sống mới, sức sống mới

Sinh ra và lớn lên chính tại mảnh đất này, ông Lô Văn Du, Trưởng bản Đửa, xã Lượng Minh hiểu thấu hệ lụy thương đau của “cái chết trắng”:  “Ngày ấy giao dịch, buôn bán ma túy là một vấn nạn thực sự, các đối tượng cầm đầu mưu mô, xảo quyệt, biến chuyển muôn hình vạn trạng chẳng biết đường nào mà lần. Hòng qua mặt lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, chúng lân la tiếp cận con em dưới nhiều hình thức thành thử công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Từ định hướng chỉ đạo, chúng tôi đã không tiếc công sức, ròng rã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động, tuyên truyền toàn dân tránh xa tệ nạn. Để thay đổi thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu vào máu thịt là cả hành trình đầy gian nan, trắc trở, phải nhờ cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm của chính những người trong cuộc, đến năm rồi bản làng mới xóa được tệ nạn này. Bản Đửa ngày một đổi khác khi ma túy bị đẩy lùi, nay người dân không còn chạy theo những thứ phù phiếm, ảo mộng nữa rồi”, ông Du không dấu nổi nét hân hoan.

Lô Văn Ph. quyết tâm rũ bỏ quá khứ. Ảnh: Việt Khánh.

Lô Văn Ph. quyết tâm rũ bỏ quá khứ. Ảnh: Việt Khánh.

SN 1989, mới 35 tuổi đầu nhưng Lô Văn Ph., trú tại bản Đửa già hơn nhiều so với tuổi thực, ấy là hậu quả của những tháng năm đam mê khói thuốc trắng. Từng ăn trực nằm chờ tại các tụ điểm, Ph. hiểu nằm lòng âm mưu của các tay buôn hàng cấm. Chúng lắm chiêu trò, bước đầu chủ động mồi chài, cho “chơi hàng” miễn phí, đến khi “con nghiện” không rút chân ra được thì dễ bề thao túng. Khi đã ở dưới trướng chúng sẽ sai khiến, biến họ thành “chân rết” lúc nào không hay.

Nhằm thỏa mãn cơn ghiền Ph. đã bán hết tài sản, bán luôn cả tương lai rộng mở, ngày này qua tháng khác chìm đắm trong khói thuốc chết chóc, khi ngoái đầu nhìn lại chẳng còn gì ngoài sự dè bỉu, xa lánh từ xã hội và chính những người thân quen. Thấy đời vô vị, nhiều lần Ph. muốn tìm đến cái chết để thôi vấn vương, nhưng nghĩ rằng trốn chạy là hèn nhát, Ph. quyết tâm đứng lên từ nơi mình vấp ngã.  

Ph. nuôi gà, nuôi lợn, trồng rừng để phát triển sinh kế. Ảnh: Việt Khánh.

Ph. nuôi gà, nuôi lợn, trồng rừng để phát triển sinh kế. Ảnh: Việt Khánh.

“Sa đà vào ma túy thì bao nhiêu tiền cũng không đủ, một ngày ba cử đều như vắt tranh thì chỉ có nước bán trâu, bán bò, bán sạch tất cả mà thôi. Tuổi trẻ mình không trân quý đã phải trả cái giá quá đắt, ngẫm lại thấy như thế quá đủ rồi, chung quy vợ con, gia đình mới là điều quý giá nhất. 

Sau khi dẹp bỏ hết các tụ điểm bán lẻ ma túy, vùng này trở thành điểm kinh tế tập trung cho các hộ gia đình trong bản vào tăng gia sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tôi vào đây nuôi lợn, gà, vịt, trồng thêm ngô, sắn hòng thoát nghèo. Nay gánh nặng cơm áo gạo tiền không áp lực như trước nữa, nhìn vợ con đỡ vất vả tôi cũng nhẹ lòng hơn”.

Sức sống mới tại bản Đửa cũng “lan sang” Cà Moong, Xốp Cháo, Chẳm Puông, Minh Thành, Minh Tiến, Minh Phương, Xốp Mạt, Côi, Lạ của xã Lượng Minh. 2, 3 năm rồi số lượng người nghiện ma túy giảm mạnh, đặc biệt gần như không ghi nhận đối tượng nghiện mới. Thành quả ngọt ngào có được đến từ quyết tâm cao độ của các cấp, ngành liên quan, thể hiện qua “Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” của Bộ Công an, hay Nghị quyết số 08-NQ/ĐU về xây dựng xã sạch ma túy…

Đổi thay ra sao cứ nhìn vào bản Cà Moong, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú sẽ thấy. Bản Cà Moong cách trung tâm huyện Tương Dương trên 30km, nơi đây lắm núi, nhiều sông, tựu chung trăm cái khó đổ lên đầu. Nhờ bám vào các Chính sách, Nghị quyết chuyên đề đặc thù nay tình hình chuyển biến thấy rõ.

Chính sách lan tỏa làm thay đổi toàn diện xã Lượng Minh. Ảnh: Ngọc Linh.

Chính sách lan tỏa làm thay đổi toàn diện xã Lượng Minh. Ảnh: Ngọc Linh.

Để Nghị quyết “bám chặt” vào nếp nghĩ, lối sống của đồng bào cần đến vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng bản và các tổ chức, đoàn thể, triển khai theo hướng “các bộ đi trước dân lội nước đi sau”. Cấp ủy Đảng bản Cà Moong đã thành lập 3 tổ đội (tổ chỉ đạo, tổ tuyên truyền và tổ an ninh tự quản) kiên trì, nhẫn nại bám làng, bám bản. Quá 4 năm tận tụy, gắng sức miệt mài hoa đã nở, bung khắp bản làng.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của ông Moong Văn Vinh, Bí thư Chi bộ bản Cà Moong: “Khu vực miền núi mang tính đặc thù, để nâng cao hiệu quả cần nắm rõ tâm tư của bà con. Từ nhu cầu thực tiễn, mỗi đồng chí Đảng viên được cắt cử phụ trách khoảng 10 hộ gia đình. Triển khai trên tinh thần “quân với dân như cá với nước”, đổi thay cũng từ đó mà ra”.

Những nỗ lực không ngơi nghỉ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức vượt khó của chính những người trong cuộc đã làm nên một cuộc “cách mạng” đúng nghĩa trên đất Lượng Minh. Từ một “điểm nóng” về ma túy nay thay da đổi thịt ngỡ ngàng. Thoát khỏi vũng tối u mê, từng tia nắng ấm đã tràn về rải khắp đầu làng cuối ngõ, sức sống nông thôn mới hiện diện khắp nơi.

“Hướng tới mục tiêu “sạch” ma túy, xã Lượng Minh chủ động nâng cao năng lực của tổ chức Đảng, tăng cường khối đoàn kết toàn dân quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn. Bên cạnh đó tập trung triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia, chủ động lồng ghép hài hòa các chương trình, dự án khác nhằm tạo bước đột phá, từng bước nâng tầm chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân”, ông Vi Đình Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh khẳng định.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.