Xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (NTM). Nhưng niềm vui chỉ trọn vẹn một nửa, khi tỉnh lộ 166 chạy dọc xã mà TCty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sử dụng làm đường công vụ xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị cày nát.
Tỉnh lộ 166 chạy qua xã Xuân Ái vá víu là nỗi khổ của người dân
Ngày đón nhận xã đạt chuẩn NTM ở Xuân Ái thật tưng bừng, cờ đỏ rợp các con đường. Ai cũng vui mừng, từ cụ già tới trẻ em, có cụ đã 90 tuổi lưng còng gần sát mặt đất cũng theo con cháu tới sân vận tham dự lễ đón nhận bằng chứng nhận xã đạt chuẩn NTM.
Nằm ở phía nam huyện Văn Yên, xã Xuân Ái có tổng diện tích tự nhiên 1.669,23ha, trong đó chủ yếu là đất đồi núi 1.083,96ha, đất nông nghiệp chỉ có 208,71ha, 15ha ao hồ nuôi trồng thủy sản. Một câu hỏi đặt ra, một xã SX nông nghiệp là chủ yếu thì Xuân Ái làm gì để xây dựng NTM?
Phát huy lợi thế của một xã miền núi, Xuân Ái chú trọng phát triển cây quế, với 948ha tính ra mỗi người có 0,25ha quế. Cây quế đã mang lại thu nhập rất lớn cho người dân, đây chính là cây trồng chính để Xuân Ái phát triển kinh tế, tiền bán quế là nguồn tài chính chủ yếu đóng góp xây dựng NTM.
Trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM cho lãnh đạo xã Xuân Ái
Người dân xã Xuân Ái đến dự lễ đón nhận danh hiệu xã NTM
Chỉ riêng tiền bán quế, bao gồm vỏ, thân, cành, lá và tinh dầu quế mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Đấy là chưa kể 17 cơ sở thu mua chế biến quế vỏ, 9 xưởng chế biến gỗ quế và gỗ rừng trồng, 1 nhà máy chưng cất tinh dầu quế. Ngoài ra còn có 11 cơ sở hàn xì, mộc dân dụng, một nhà máy SX gạch… thu hút 900 lao động.
Từ đó thu nhập của người dân hàng năm đều tăng, năm 2014 đạt 18 triệu/người, năm 2015 đạt 22,5 triệu/người, năm 2016 đạt 26 triệu/người. Sau 5 năm xây dựng NTM, từ 32% số hộ nghèo năm 2012 đến nay chỉ còn 11,2% hộ nghèo.
Niềm vui của hai cụ già đã 90 tuổi cùng con cháu đến dự buổi lễ
Trong 5 năm qua, Xuân Ái đã bê tông hóa được 14,3km đường thôn, 4,27km đường ngõ xóm, 7,9km đường liên thôn, đường nội đồng 1,2km; xây dựng 8,379km kênh mương; 11 nhà văn hóa thôn, 5.000m2 sân vận động; số lao động có việc làm thường xuyên 2.240/2.430 người, chiếm 92%. Trong đó số lao động qua đào tạo là 26%. |
Tổng vốn xây dựng NTM của Xuân Ái là 49,8 tỷ, trong đó người dân đóng góp 18,4 tỷ, ngân sách Trung ương 11,2 tỷ, ngân sách địa phương 11,8 tỷ, các nguồn khác 8,4 tỷ. Việc xây dựng NTM ở Xuân Ái chủ yếu do người dân và chính người dân quyết định sự thành bại của chương trình này.
Niềm vui không trọn
Vui là thế, nhưng cũng buồn biết bao nhiêu khi tỉnh lộ 166 đã bị băm nát, trở thành nỗi kinh hoàng khi tham gia giao thông ở đây kể từ khi khởi công xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tháng 4/2009.
Không một ngôn ngữ nào tả nổi nỗi cực khổ của người dân sống dọc tỉnh lộ 166. Xã bị chia cắt bởi đường cao tốc, việc vận chuyển hàng hóa qua các cống chui chỉ cao 2,7m, các với xe chở vật liệu xây dựng, lá cành quế và gỗ rừng trồng… đều phải dùng xe tải nhỏ hoặc phải chuyển tải, khiến giá thành tăng cao.
Ngày 21/9/2014, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, nhưng tuyến tỉnh lộ 166 thì VEC không chịu làm trả lại cho dân, con đường vá víu mùa mưa thì lầy thụt, mùa khô bụi mù trời. Có người than rằng: Với con đường như vậy thì xã NTM có ý nghĩa gì đối với người dân?
“Phố làng” ở Xuân Ái
Một điều đáng chê trách là khi tới tham dự lễ đón nhận danh hiệu NTM xã Xuân Ái nhiều quan chức của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên không chịu đi trên con đường “đau khổ” ấy mà đi trên cao tốc rồi “xé rào” xuống xã.
Đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông, mà điều đáng nói là các vị “công bộc” của dân chưa gương mẫu và chia xẻ nỗi khổ với người dân, thì thử hỏi điều người dân kiến nghị bao giờ mới thấu tới “thiên đình”?
Tỉnh Yên Bái cần yêu cầu VEC làm trả lại con đường cho người dân, nếu không việc xây dựng NTM ở các xã dọc tỉnh lộ 166 vô cùng khó khăn, nhất là việc đón nhận NTM chỉ là chuyện khôi hài?