Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khối EU, Italy đã vươn lên thành thị trường dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…
Trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn. Giá gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao.
Dù đã tăng đáng kể nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ…
Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo, trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU.
Tuy nhiên, thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu gạo vào thị trường này.