| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm 2013 chỉ mong không lỗ

Thứ Bảy 29/12/2012 , 20:28 (GMT+7)

Theo VASEP, 2012 là năm không thành công trong xuất khẩu tôm khi chỉ đạt giá trị 2,25 tỷ USD, giảm tới 6,3% so với năm 2011.

XK tôm sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn lớn và có nguy cơ tiếp tục suy giảm trong năm 2013 nếu vấn đề dịch bệnh, dư lượng cùng một số yếu tố khác không được khắc phục. Đó là những thông tin vừa được đưa ra trong Hội nghị tổng kết xuất khẩu tôm 2012 do VASEP tổ chức chiều ngày 28/12.


Chế biến tôm ở ĐBSCL. (ảnh Lê Hoàng Vũ)

Theo VASEP, năm nay là năm không thành công trong xuất khẩu tôm khi chỉ đạt giá trị 2,25 tỷ USD, giảm tới 6,3% so với năm 2011. Có 4 nguyên nhân chính khiến cho XK tôm 2012 giảm mạnh so 2011 là: dịch bệnh, chi phí sản xuất, rào cản Ethoxyquin và nhu cầu thị trường.

Do dịch bệnh hoành hành nên trong năm 2012, dù diện tích nuôi tôm tăng nhưng sản lượng tôm giảm đáng kể.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2012 là 657.523 ha, tăng 0,2% so năm 2011. Trong đó, có tới 100.776 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, chủ yếu là chứng hoại tử gan tụy cấp tính (45,7% diện tích thiệt hại). Vì thế, sản lượng tôm giảm 3,9% khi chỉ đạt 476.424 tấn.

Sản lượng giảm khiến nguồn tôm nguyên liệu bất ổn, giá tôm nguyên liệu biến động mạnh, khiến cho DN rất khó xoay xở, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhất là những khi giá tôm nguyên liệu trong nước lên cao.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Minh Phú, cho biết, có những lúc giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao hơn tôm Ấn Độ từ trên 30 đến gần 40%, cao hơn gần 30% tôm Ecuador, cao hơn 15% với tôm Indonesia và 10% so với tôm Thái Lan.

Giá tôm nguyên liệu tăng cao cùng với những yếu tố khác, đã khiến cho chi phí chế biến tôm thành phẩm của các DN tăng lên khá nhiều. Do đó, trong năm 2012, giá tôm XK của Việt Nam thường cao hơn từ 15-20% so với tôm cùng loại tại các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador…

Chẳng hạn, đầu tháng 11, giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cỡ 16/20 là 6,85 USD/pao, thì tôm tương tự của Indonesia chỉ là 5,55 USD/pao và Ấn Độ là 5,3 USD/pao...

Bởi vậy, các DN Việt Nam rất khó cạnh tranh được về giá với nhà xuất khẩu ở các nước khác, nhất là trong bối cảnh giá cả đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu.

Rào cản Ethoxyquin do cơ quan chức năng Nhật Bản dựng lên cùng nhu cầu NK sụt giảm từ các thị trường quan trọng khác là EU và Mỹ, cũng đã góp phần không nhỏ để làm nên một năm không thành công của tôm Việt Nam. Nếu như 5 tháng đầu năm, XK tôm sang Nhật Bản có mức tăng trưởng mạnh từ 23-52,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thì từ tháng 7 đến tháng 11 đã liên tục giảm với mức giảm từ 1,4-16,6% ...

Điều đáng nói là trong khi XK tôm bị suy giảm thì NK tôm nguyên liệu lại đang có xu hướng gia tăng. Do sản lượng tôm trong nước bị thiếu hụt, giá tôm nguyên liệu ở nhiều thời điểm tăng cao, nên các DN đã phải đẩy mạnh NK tôm nguyên liệu từ những nước nuôi tôm khác, nhất là từ Thái Lan. Theo ông Lê Văn Quang, trong các tháng 5, 6, 7 và 8, mỗi ngày có không dưới 200 tấn tôm từ Thái Lan qua Campuchia để vào Việt Nam. Còn theo VASEP, trong năm 2012, ước tính các DN đã nhập khẩu tôm nguyên liệu từ 27 nước, trị giá 170 triệu USD.

Theo dự báo của VASEP, nếu như trong năm 2013, tình hình dịch bệnh không được cải thiện, tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang nước này không được ngăn chặn..., chắc chắn các DN sẽ phải tăng mạnh việc NK tôm nguyên liệu, với giá trị NK có thể lên mức trên 200 triệu USD.

Cũng theo VASEP, nhiều khả năng năm 2013 còn khó khăn hơn nữa đối với con tôm Việt Nam, nhất là về mặt thị trường. Bởi khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ vẫn còn tiếp diễn, kinh tế tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ít nhiều có thể làm giảm NK tôm vào những thị trường này.

Dầu vậy, vẫn có những hy vọng nhất định cho con tôm Việt Nam. Trước hết là việc giảm sản lượng tôm trên toàn cầu do ảnh hưởng hội chứng hoại tử gan tụy và các dịch bệnh khác.

Nhiều nước sản xuất lớn cũng cắt giảm mạnh sản lượng tôm bởi tiêu thụ khó khăn. Sự tăng trưởng kinh tế được dự báo là tiếp tục ở mức ổn định tại nhiều nước châu Á cũng tăng cơ hội XK tôm Việt Nam ở khu vực này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đưa ra 3 kịch bản cho XK tôm 2013. Kịch bản khả quan là giải quyết được dịch bệnh, tìm được chất thay thế Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm, ngăn chặn được tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua tôm nguyên liệu...

Khi ấy, sản lượng tôm có thể tăng cao so năm 2012 và đạtn khoảng 240 ngàn tấn, giúp cho giá trị XK tăng 6,5% so năm 2012 và đạt được mức kỷ lục của năm 2011 là 2,4 tỷ USD.

Kịch bản duy trì là giải quyết được dịch bệnh, Ethoxyquin nhưng chưa ngăn chặn được thương lái Trung Quốc. Do đó, sản lượng tôm các DN thu mua được chỉ khoảng 220 ngàn tấn, đạt giá trị XK tương đương 2012 là khoảng 2,2 tỷ USD. Kịch bản kém khả quan là những vấn đề về nguyên liệu, chất lượng không được giải quyết, nên sản lượng chỉ đạt dưới 200 ngàn tấn, thành ra giá trị XK chỉ khoảng 1,9 tỷ USD, giảm tới 13% so năm 2012.

Trong 3 kịch bản trên, ý kiến của nhiều DN tôm cho thấy họ nghiêng về phía duy trì hoặc kém khả quan. Nhiều DN khẳng định XK tôm 2013 chỉ cố gắng để không bị thua lỗ nhằm có thể tiếp tục duy trì sản xuất, chờ sang năm 2014 hay có thể là phải tới 2015, tình hình sẽ sáng sủa hơn.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024: Biến động nhẹ sau kỳ nghỉ lễ

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024 tăng giảm trái chiều. Trong đó, giá xăng RON 95-III tăng 40 đồng, còn giá dầu biến động nhẹ từ 110 - 260 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.