| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, lời giải từ Sơn La

Thứ Tư 06/11/2019 , 13:59 (GMT+7)

Chỉ trong thời gian ngắn, Sơn La - vốn được mệnh danh là "thủ phủ cây ngô của Tây Bắc" đã mau chóng chuyển mình, thoát xác để trở thành vựa cây ăn quả xuất khẩu, với tổng giá trị hàng trăm triệu đô la. 

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc

Sơn La - một tỉnh nghèo khó, nhưng rất nỗ lực xúc tiến thương mại để quảng bá nông sản ra thế giới, trong đó có thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.

PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La về hành trình đưa nông sản từ những bản làng heo hút miền sơn cước ra thị trường quốc tế.

Trở lại Sơn La sau 3 năm, chúng tôi không còn nhận ra “thủ phủ ngô của Tây Bắc” một thời. Những vườn cây ăn quả mọc lên cùng với sự xuất hiện của hàng trăm, hàng ngàn tỷ phú nông dân. Thưa ông, làm thế nào mà Sơn La làm nên điều kỳ diệu ấy?

Những năm qua, tỉnh Sơn La tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chọn tạo giống, ghép mắt cải tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Do đó, kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp rất rõ nét.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã được cấp 22 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để kiểm soát chất lượng nông sản, tỉnh Sơn La phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT như Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu để đánh giá vùng trồng.

Từ đó cấp được 68 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 42 mã cho vùng xoài, 22 mã cho vùng nhãn và 2 mã vùng cho thanh long. Các HTX cũng không ngừng phát triển, đổi mới phương thức hoạt động, trở thành “dấu gạch nối” quan trọng giữa doanh nghiệp và các nông hộ để hình thành các chuỗi sản phẩm khép kín.

Ngoài ra, chúng tôi kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng các vùng nguyên liệu thường xuyên, nhất là các loại cây chủ lực như xoài, nhãn, thanh long, bơ, mận hậu. Đây là những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của địa phương.

Kết quả, 10 tháng đầu năm, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được gần 140.000 tấn nông sản các loại. Năm nay, chúng tôi phấn đấu để kim ngạch nông sản xuất khẩu trái cây đạt 140 triệu đô la.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước, đặc biệt từ cuối năm 2018, quốc gia này siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Vậy tỉnh Sơn La làm thế nào để khai thông con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này?

Có thể nói Trung Quốc là một bạn hàng cực kỳ lớn, tuy nhiên đây là thị trường rất khó tính. Nông sản của Việt Nam muốn xuất khẩu được sang thị trường này thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn từ mẫu mã, bao bì, đóng gói cho đến chất lượng các lô sản phẩm, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên phải) và ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NN-PTNT thăm vùng trồng xoài xuất khẩu tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung rất mạnh khâu tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy của người nông dân, thôi thúc họ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các hợp tác xã, kết nối nông hộ với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngay từ tháng 1/2019, chúng tôi đã tổ chức tuần lễ dâu tây và nông sản sạch tại hệ thống siêu thị BigC, tiếp theo đó là tuần lễ xoài và nông sản sạch hay tuần lễ nhãn... ở thời điểm thu hoạch chính vụ. Không những thế, tỉnh cũng tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tại Thanh Hóa, Lạng Sơn, và nhất là huyện Bằng Tường (Trung Quốc) để kết nối với các thị trường, qua đó kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp Trung Quốc.

Mặc dù Sơn La đã đạt được thành công bước đầu trong việc khai phá thị trường Trung Quốc, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Vậy đâu là rào cản kìm hãm sự phát triển?

Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi đang tập trung tháo gỡ, đó là Sơn La mới cấp được 68 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, và diện tích được tích cấp mã số vùng trồng khoảng 3.300 ha, tương ứng 4,6% tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Do đó, thời gian tới phải đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để cấp được càng nhiều mã số vùng trồng càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, cần phải đăng ký thêm mã số cơ sở đóng gói, chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vấn đề này cần có lộ trình để thực hiện.

Mục tiêu của chúng tôi là phải tăng diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc lên 15.000 ha (tương đương 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh). Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Ví dụ, quả xoài thì phải dùng bao gói màu xanh, quả chuối phải cắt nải để bọc.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc, dẫn đến tình trạng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu không thể thông quan. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này?

Tỉnh Sơn La cũng thấy rõ vấn đề này, do đó chúng tôi đã và đang tổ chức tập huấn cho các nông hộ, các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của nước bạn. Ví dụ như việc ký kết hợp đồng như thế nào, thủ tục thông quan ra sao. Nếu không “cầm tay chỉ việc”, thì doanh nghiệp rất khó triển khai vì liên quan đến luật pháp quốc tế và sự bất đồng ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực thay đổi tư tưởng chủ quan của các HTX, các doanh nghiệp. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước nữa, do đó đối với từng lô hàng xuất khẩu, phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thật đầy đủ, tránh tình trạng hàng ngàn container chở thanh long dồn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, vì vướng thủ tục thông quan như vừa rồi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm