Tại hội nghị lập kế hoạch xúc tiến thành lập Hội Chủ rừng VN, diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua (8/7), ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ, nước ta đã quy hoạch 16,24 triệu ha cho ngành lâm nghiệp, trong đó hơn 12 triệu ha đã được giao cho các chủ rừng gồm 139 lâm trường, Cty lâm nghiệp; 393 BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; gần 1,5 triệu hộ gia đình, cá nhân và hơn 10.000 cộng đồng dân cư thôn.
Thế nhưng, đa số các chủ rừng vẫn hoạt động độc lập. Nhiều quyền và nghĩa vụ của chủ rừng rất khó thực hiện với mỗi chủ rừng đơn lẻ, nhất là các hộ gia đình, cá nhân.
"Nhiều chủ rừng có nhu cầu bán gỗ thường bị tư thương ép cấp, ép giá do không có tổ chức để đối trọng và khá tù mù về thị trường lâm sản. Thậm chí, nhiều chủ rừng còn chưa nắm được các quy định về quản lý rừng, quy hoạch và kế hoạch quản lý rừng bền vững, các thủ tục khi tiếp cận cho các cơ quan nhà nước…
Do đó họ rất cần liên kết lại để hình thành một tổ chức lớn, với tiềm lực đủ mạnh để giải quyết những khó khăn, hỗ trợ các hội viên và thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành", ông Nhị nói.
Đáp ứng nguyện vọng này, đầu tháng 6/2015, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban Vận động thành lập Hội Chủ rừng VN nhằm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, từ xây dựng đề án, hồ sơ đăng ký, tổ chức hoạt động, chuẩn bị về mặt nhân sự tổ chức, kinh phí…
Có rất nhiều vấn đề đang được đặt ra, trong đó câu hỏi tổ chức hội có thể làm được gì cho chủ rừng, được bàn sôi nổi nhất trong các buổi thảo luận.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: Thông qua hội, các chủ rừng có thể bày tỏ ý kiến biện xã hội trong việc hoạch định chính sách cũng như chủ trương chiến lược của ngành lâm nghiệp để đảm bảo quyền lợi đến được các hội viên.
Bên cạnh đó, hội cũng là đầu mối liên hệ để các chủ rừng và nhóm chủ rừng ngồi lại với nhau, cùng bàn luận, chia sẻ nghiệp vụ và tương trợ giúp đỡ nhau. Nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu vào thị trường thế giới, ngành lâm nghiệp cần có sản phẩm đầu ra lớn hơn, chất lượng tốt hơn và chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Mặc dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng theo đại diện nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica); Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pannature) đang rất quan tâm và xem xét hỗ trợ hội một số hoạt động. Riêng Trung tâm Vì con người và rừng (Recoftc) dự tính sẽ hỗ trợ hội 200.000 USD trong vòng 2 năm để có kinh phí hoạt động. |
Ông Ngãi vẫn nhớ một sự kiện đình đám của ngành lâm nghiệp cách đây vài năm, khi tổ chức điều tra môi trường EIA (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh) cáo buộc một số Cty của VN mua gỗ bất hợp pháp từ Lào và sử dụng nguyên liệu này SX đồ gỗ XK sang thị trường Mỹ và EU.
Động thái này phần nào gây áp lực cho tiến trình đàm phán VPA giữa VN và EU. Ngay sau đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN đã đấu tranh một cách mạnh mẽ bằng việc tổ chức họp báo và cung cấp đầy đủ những thông tin, phân tích các cáo buộc sai trái của EIA để giúp các tổ chức quốc tế, các nhà NK sản phẩm gỗ VN có cái nhìn khách quan và đúng đắn về buôn bán gỗ giữa VN và Lào.
“Nếu chúng ta có thêm Hội Chủ rừng VN cùng góp tiếng nói đấu tranh để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gỗ VN thì sức mạnh sẽ nâng lên rất nhiều”, ông Ngãi nói.
Còn ông Ngô Đình Thọ (Cục Kiểm lâm) cho biết: "Khi đi vào hoạt động, hội cũng sẽ cung cấp các dịch vụ cho các chủ rừng trong việc thực hiện các nghĩa vụ của chủ rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ rừng tham gia vào chương trình REDD, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES), chứng chỉ rừng bền vững… vì lợi ích của các chủ rừng.
Đồng tình với quan điểm cần phải thành lập Hội Chủ rừng VN, ông Nguyễn Trung Thắng, GĐ kiêm Chủ tịch HĐTV Cty Lâm nghiệp Hòa Bình, cho rằng: "Năng lực của nhiều chủ rừng rất hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí họ còn không biết đâu là địa giới rừng của mình, nên nhiều trường hợp bị kẻ xấu xâm lấn, gây thiệt hại không nhỏ.
Vì thế, khi hội được cấp phép hoạt động và hỗ trợ chủ rừng trong việc kiểm kê, thống kê rừng; xây dựng kế hoạch quản lý rừng bền vững, hỗ trợ các thủ tục trong các quan hệ với tổ chức nhà nước là điều rất ý nghĩa".