| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 20/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 20/10/2015

Ý dân là ý trời

Ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp và cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân.


Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về luật này của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH đề nghị quy định những nội dung mang tính nguyên tắc mà Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau (điều 6): Hiến pháp; Các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và nền dân chủ XHCN; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh; Vấn đề quan trọng khác của đất nước…

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu và có hiệu lực từ ngày được nghị quyết của Quốc hội xác nhận. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, phải thực hiện theo kết quả đó, không có ngoại lệ. Đã trưng cầu ý dân thì quyền quyết định cuối cùng là nhân dân. Nếu không thì đừng trưng cầu”.

Trưng cầu ý dân là việc không mới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu. 

Ở Việt Nam, cách đây hơn 7 thế kỷ, đã có một cuộc trưng cầu ý dân mà bất cứ người Việt nào cũng biết: Năm 1285, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, dẫn một đội quân 50 vạn người xâm lược nước ta lần thứ 2. Khi xuất phát, thế giặc mạnh như chẻ tre.

Trước tình hình đó, vua Trần Nhân Tông đã cho mời bô lão của các làng xã trên cả nước về điện Diên Hồng. Nhà vua nêu câu hỏi: Tổ quốc lâm nguy. Thế giặc rất mạnh. Xin các cụ cho ý kiến, ta nên hòa (tức đầu hàng) hay nên đánh? Hàng ngàn phụ lão đã nhất tề hô: Xin bệ hạ cho đánh. Ý chí đó đã củng cố thêm quyết tâm của nhà vua và triều đình. Trước mặt các bô lão, nhà vua hạ chiếu: Đánh.

Sau hội nghị, các bô lão đã về làng, truyền ý chỉ của triều đình đến từng người dân. Kết quả là đạo quân 50 vạn người của giặc đã bị đánh cho không còn mảnh giáp, đến nỗi chủ tướng phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy mới thoát chết. Hội nghị Diên Hồng sống mãi trong lòng dân tộc, vì nó đã nói lên một chân lý bất biến, rằng “ý dân là ý trời”.

Ngày nay, tuy đã gửi gắm ý chí, nguyện vọng và tâm tư của mình vào các đại biểu Quốc hội qua những cuộc bầu cử bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Nhưng việc trưng cầu ý dân sẽ khiến người dân có thể tham gia trực tiếp vào việc quyết định những vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh quốc gia hay những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh. Những cuộc trưng cầu ý dân chắc chắn sẽ có tác dụng củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước và vào chế độ.

Nếu dự án Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một bước tiến dài của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Bình luận mới nhất