Chủ động y tế tại chỗ
Công ty Cổ phần Tekcom (Bình Dương) là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên của ngành gỗ triển khai mô hình “3 tại chỗ” (3T). Sau khi tổ chức xét nghiệm cho gần 1.000 công nhân làm việc ở 2 nhà máy, với kết quả tất cả đều âm tính, công ty mới chính thức làm việc theo 3T.
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Huy, Tổng Giám đốc Tekcom, cho rằng, rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong môi trường sản xuất tại DN là gần như không thể tránh khỏi. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã mày mò, tìm giải pháp và tìm ra câu trả lời là mô hình y tế tại chỗ.
Để thực hiện y tế tại chỗ, Tekcom đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập ngay một khu chăm sóc y tế riêng, chuyên trách kết nối với y tế địa phương. Khi phát hiện có ca nghi nhiễm, công ty sẽ tổ chức ngay việc cách ly, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh trong khi chờ địa phương tới xử lý.
Trong bối cảnh y tế địa phương đang quá tải, với mô hình y tế tại chỗ như trên, Tekcom đã được cơ quan chuyên trách hướng dẫn để giữ lại các ca nhiễm nhẹ, không triệu chứng và điều trị tại xưởng theo phác đồ chính thức của Bộ Y tế.
Song song với y tế tại chỗ, Tekcom cũng triển khai 5K quyết liệt hơn trong 2 nhà máy để chủ động phòng ngừa. Những khu có khả năng lây lan bệnh như khu hút thuốc, nhà vệ sinh, phòng tắm… đều được tổ chức riêng. Công ty trang bị hệ thống xịt khử khuẩn tự động, mở các cửa thông thoáng gió để hạn chế tỉ lệ lây lan ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, công ty đã nỗ lực, cố gắng cho công nhân được tiêm vacxin.
Một nhà máy đặt tại Long An của AA Corporation cũng đã sớm triển khai mô hình y tế tại chỗ khi tổ chức sản xuất 3T. Theo đó, ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện 3T, AA đã triển khai ngay tổng đài tư vấn y tế để công nhân có thể liên hệ.
Công ty cũng trang bị máy thở dự phòng, xe cứu thương riêng và liên kết với y tế địa phương chặt chẽ để có thể ứng phó trong trường hợp phát sinh những sự cố không mong muốn. Y tế tại chỗ của AA có sự hậu thuẫn lớn bởi tổ tư vấn y tế chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia y tế.
Mô hình "tháp 3 tầng"
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho biết, do biến chủng mới lây lan nhanh, nên sau một thời gian tổ chức mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, F0 đã bắt đầu xuất hiện trong nhiều xưởng gỗ. Dù các công ty đã báo cáo ngay cho cơ quan chuyên trách, nhưng do điều kiện hạn chế, các cơ quan chuyên trách phải mất thời gian rất lâu để xử lý.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, trong mục tiêu duy trì sản xuất và sinh kế cho người lao động, các nhà máy gỗ cần phương án tối ưu hơn hơn. Một “nhà máy xanh”, với tổ chức y tế tại chỗ sẽ đảm bảo được sức khoẻ nhân công, có khả năng chủ động trong phòng chống dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp có thể xử lý được tình huống khi có F0 xuất hiện. Ngoài việc xử lý, bảo vệ sức khoẻ nhân lực kịp thời, mô hình này còn có thể giúp giảm áp lực cho nhà nước.
Theo ông Vũ Quang Huy, để duy trì sản xuất khi thực hiện 3T, cần thay đổi tư duy từ phòng chống sang “sống chung với Covid-19” bằng tiêm ngừa vacxin và y tế tại chỗ. Cụ thể, tiêm đủ 2 liều vacxin, phân loại người lao động theo mức độ rủi ro (bệnh nền, độ tuổi, béo phì, phụ nữ có thai …); có khu cách ly, điều trị trong nhà máy với ca bệnh nhẹ; xét nghiệm chủ động, sàng lọc sớm phát hiện F0; phòng ngừa chủ động thực hiện 5K và liệu pháp 4T (tinh thần, thực phẩm, thể thao và thuốc) để có được nguồn nhân lực khoẻ mạnh.
Trên cơ sở thực hiện y tế tại chỗ trong thời gian qua, Tekcom đã đề xuất mô hình "tháp 3 tầng" cho việc điều trị các ca bệnh tại những nhà máy thực hiện 3T kết hợp với y tế tại chỗ. Theo đó, tầng 1 điều trị F0 có triệu chứng mức độ nhẹ, tầng 2 điều trị F0 có mức độ vừa; tầng 3 điều trị F0 có triệu chứng nặng, nguy kịch.
Trong mô hình này, y tế tại chỗ của các nhà máy sẽ đảm nhận vai trò tầng 1. Như vậy, vừa giúp các nhà máy duy trì được sản xuất theo phương châm “sống chung với Covid-19”, vừa giảm tải cho hệ thống y tế địa phương.
Tekcom cũng đã kiến nghị các chính sách cho mô hình y tế tại chỗ. Cụ thể: Hỗ trợ DN về chi phí xét nghiệm Covid-19 (test nhanh kháng nguyên, test RT-PCR); trao quyền chủ động cho DN triển khai xét nghiệm Covid-19 và phối hợp với y tế địa phương trong công tác sàng lọc, cách ly, điều trị F0 tại DN; ban hành cơ chế phối hợp cụ thể giữa y tế địa phương và DN để chuyển các ca F0 bệnh nặng/bệnh nền lên các tuyến trên (tầng 2, 3); bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị F0 tại cơ sở y tế và tại DN; bảo hiểm xã hội trợ cấp ngừng việc khi cách ly, điều trị Covid-19.
Đặc biệt, Tekcom đề nghị bỏ quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện pháp luật khi có dịch bệnh lây lan trong DN. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cũng cho rằng DN cần được miễn trừ trách nhiệm, được trao quyền chủ động hơn trong việc xét nghiệm, điều trị các triệu chứng nhẹ tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, để tạo sự chủ động phòng chống dịch ở các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, HAWA và các chuyên gia đã đề xuất “Mô hình xanh chống dịch”, gồm 4 xanh: nhân lực xanh, nhà máy xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh.
Theo đó, nhân lực xanh là tiêm đủ 2 mũi vacxin cho người lao động và xét nghiệm định kỳ. Cung đường xanh là một cung đường, hai điểm đến “xanh”, sử dụng phương tiện của công ty. Nơi ở xanh là ở tập trung tại công ty hoặc tại nơi công ty quản lý được, nơi ở có sự quản lý và hỗ trợ y tế. Sản xuất, kinh doanh xanh (nhà máy xanh) là sản xuất tập trung, ít giao tiếp, có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện 3T và y tế tại chỗ.
2 kịch bản xuất khẩu gỗ cuối năm
Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 7/2021, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành phố, đã làm co hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ.
Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với kim ngạch xuất khẩu của tháng 6/2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 15 ngày đầu tháng 8 đã giảm mạnh khi chỉ đạt 373,8 triệu USD, giảm 45,5% so với kim ngạch 15 ngày đầu tháng 7.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm TS Tô Xuân Phúc (Forest Trends), Cao Thị Cẩm (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) và Trần Lê Huy (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định), đã đưa ra 2 kịch bản về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm.
Ở kịch bản 1, nhóm nghiên cứu giả định rằng mức suy giảm xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8 tiếp tục được duy trì cho đến hết quý 3; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh sau đó được kiểm soát với sự phổ cập của vacxin trong toàn quốc. Kim ngạch xuất khẩu trong quý 4 sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của 2 quý 1 và 2. Nếu các giả định này là đúng, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 13,55 tỷ USD
Trong kịch bản 2, nhóm nghiên cứu giả định rằng từ nay tới hết 2021 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Đà suy giảm về kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài cho tới hết quý 4, với kim ngạch xuất khẩu của quý 4 chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của quý 3. Nói cách khác, giả định này cho rằng suy giảm kim ngạch xuất khẩu như hiện nay vẫn chưa chạm đáy mà sẽ còn tiếp tục giảm sâu ở các tháng cuối năm. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 12,69 tỷ USD.