| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ Bình Định tăng trưởng ngoạn mục nhờ thị trường Mỹ

Thứ Hai 16/08/2021 , 09:44 (GMT+7)

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ Bình Định tiếp tục tăng trưởng bất chấp đại dịch, đạt kim ngạch xuất khẩu 453 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020.

Doanh nghiệp nào đã hiện đại hóa công nghệ và dây chuyền sản xuất, số lượng công nhân sẽ giảm xuống, phù hợp thực hiện giãn cách khi sản xuất '3 tại chỗ'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Doanh nghiệp nào đã hiện đại hóa công nghệ và dây chuyền sản xuất, số lượng công nhân sẽ giảm xuống, phù hợp thực hiện giãn cách khi sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, xuất khẩu ngành gỗ hiện chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Trong đó, đồ gỗ nội thất, ngoại thất và sân vườn đạt 239 triệu USD, tăng 49% so cùng kỳ năm 2020. Các loại sản phẩm gỗ khác như dăm mảnh, viên nén... đạt 110 triệu USD, tăng 2%;. Sản phẩm từ nhựa đan (hàng giả mây) đạt 103 triệu USD, tăng 68%.

Theo ông Thiện, ngành gỗ Bình Định có được kết quả khả quan như hiện nay nhờ thị trường Mỹ nhập khẩu mạnh đồ gỗ nội thất và các thị trường EU, Anh, Úc vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định xuất khẩu mạnh các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đồ gỗ ngoài trời. Mặt hàng nhựa đan (hàng giả mây) và mặt hàng đồ gỗ bán qua kênh bán online.

Hiện tiêu thụ đồ nội thất và các sản phẩm gỗ trên thị trường toàn cầu tiếp tục tăng trưởng nên các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Định hiện đang nỗ lực ổn định sản xuất trong dịch Covid-19, để từ nay đến cuối năm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Theo đánh giá của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hoạt động của ngành gỗ Bình Định đang vẫn giữ được mức ổn định. Tuy nhiên, khoảng 40% doanh nghiệp ở Bình Định đang gặp khó khăn về tình trạng thiếu lao động.

“Lao động trong ngành gỗ ở Bình Định hầu hết ở nông thôn. Trong khi ở Bình Định nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, công nhân trong vùng giãn cách muốn đi làm cũng khó. Thêm nữa, phần lớn công nhân hiện nay mang tâm lý sợ lây nhiễm nên không dám đi làm, do đó nhiều doanh nghiêp bị thiếu lao động”, ông Lập chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang nỗ lực duy trì sản xuất theo phương châm '3 tại chỗ' để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang nỗ lực duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nhu cầu mua các mặt hàng đồ gỗ của thị trường thế giới là rất lớn, chưa năm nào Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng như năm nay. Trong khi hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn ở miền Nam hiện bị ngưng trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên gỗ xuất khẩu ở Bình Định càng hút hàng.

trước bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đang nỗ lực duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp lên phương án cụ thể để bố trí cán bộ, công nhân làm việc nhưng vẫn tuân thủ giãn cách.

Thực tế cho thấy, duy trì sản xuất trong tình hình mới doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều khoản chi phí phát sinh. Khi công nhân làm việc theo phương châm “3 tại chỗ” tại nhà máy doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí về ăn uống, bồi dưỡng, điện nước. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các doanh nhiệp hiện nay là khoản chi phí test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cho lực lượng công nhân ở lại nhà máy làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”.

“Nếu doanh nghiệp có 1.000 công nhân viên, mỗi lần test nhanh phải mất chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong 1 tháng, 1.000 công nhân viên test nhanh 4 lần doanh nghiệp phải mất đến gần 5 tỷ đồng. Nếu được ngành y tế phổ biến kỹ thuật test nhanh cho nhân viên y tế của các doanh nghiệp, doanh nghiệp được mua kit test nhanh theo hướng dẫn của ngành chức năng và tự lo khoản test cho công nhân viên theo quy định, doanh nghiệp sẽ giảm được rất lớn chi phí trong sản xuất giữa mùa dịch”, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

“Trong tình trạng này, nếu doanh nghiệp nào đã đổi mới công nghệ, nhu cầu sử dụng lao động sẽ giảm đi, phù hợp với tình hình mới. Như Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, mấy năm qua đã thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa. Trước đây công ty sử dụng đến 4.800 lao động thì nay chỉ còn 1.200 người, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện giãn cách trong sản xuất. Từ đầu năm đến nay, Gỗ Tiến Đạt đã xuất khẩu được 25 triệu USD, đến cuối năm phấn đấu thêm 18 - 20 triệu USD nữa”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.