Huyện Yên Bình được ví là huyện vùng hồ của tỉnh Yên Bái, gần như toàn huyện nằm bao quanh hồ Thác Bà có diện tích mặt thoáng 23.400 ha, mặt nước 19.050 ha, đây là khó khăn cũng là lợi thế để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch mà các tỉnh miền núi phía Bắc không nơi nào có được.
Kinh tế nông nghiệp của Yên Bình có ba trụ cột chính, đó là phát triển và kinh doanh gỗ rừng trồng, nuôi trồng thủy sản, thâm canh giống bưởi đặc sản Đại Minh đã mang lại thu nhập cho người nông dân mỗi năm trên 900 tỷ. Trong đó với 33.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác 220.000m3, giá bán từ 1,2- 1,8 triệu/m3, thu nhập mỗi năm trên 350 tỷ, chưa kể 189 cơ sở chế biến gỗ và các nhà máy ván ép “ăn theo” thì nghề gỗ rừng trồng của Yên Bình cho thu nhập không dưới 400 tỷ.
Hồ Thác Bà là vựa cá khổng lồ của vùng Tây Bắc, hiện người dân và doanh nghiệp đang nuôi 2.100 lồng, sản lượng hàng năm từ 8.000- 10.000 tấn, thu nhập từ thủy sản trên 360 tỷ mỗi năm. Cá hồ Thác Bà đã được cấp chứng chỉ Cá sạch Việt Nam. Giống bưởi đặc sản Đại Minh, hiện có 850 ha, trong đó có 600 ha cho thu hoạch, năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên giá xuống thấp thê thảm, nhưng giống bưởi Đại Minh vẫn cho thu nhập khoảng 200- 225 tỷ.
Với vài con số như thế để thấy đó ba trụ cột kinh tế nông nghiệp của Yên Bình, được ví là “tam giác vàng” của tỉnh Yên Bái để xây dựng huyện phát triển toàn diện trong vài thập kỷ tới. Từ đó, việc xây dựng thành huyện NTM vào năm 2022 là nhu cầu cấp thiết mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình đang dốc toàn lực cho xây dựng NTM.
Kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, đến nay Yên Bình đã có 18 xã trên tổng số 22 xã đạt chuẩn NTM. Bao gồm các xã: Hán Đà, Đại Minh, Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Cảm Ân, Tân Hương, Yên Bình, Xuân Long, Vũ Linh, Đại Đồng, Mỹ Gia, Phúc Ninh, Xuân Lai, Cảm Nhân, Bảo Ái.
Năm 2021, tận dụng Yên Bái là vùng xanh dịch Covid-19, Yên Bình đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Kết quả đến hết tháng 11/2021 đã làm được được 142,79 km đường giao thông nông thôn tại 24 xã, thị trấn, với tổng kinh phí 86,418 tỷ, trong đó ngân sách tỉnh 28,843 tỷ, ngân sách huyện 13,887 tỷ, nhân dân đóng góp 43,688 tỷ đồng.
Đến nay Yên Bình đã làm được 623,665 km/790,86 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ 78,8%. Trong tháng 12/2021, Yên Bình tiếp tục làm 20,73 km đường giao thông nông thôn ở 21 xã, mở mới 7,6 km tại 3 xã: Xuân Lai, Cảm Nhân, Xuân Long với tổng kinh phí 25,439 tỷ, trong đó người dân đóng góp là chủ yếu 15,444 tỷ.
Về thủy lợi, đến nay huyện Yên Bình đã có 271,369 km/384,277 km kênh mương được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 70,6%. Riêng năm 2021, Yên Bình đầu tư sửa chữa, nâng cấp 8 công trình thủy lợi với tổng kinh phí là 4,064 tỷ đồng, trên 95% diện tích lúa chủ động nước tưới chủ động.
Các chỉ tiêu xây dựng NTM của Yên Bình đều đạt và vượt, năm 2021 Yên Bình được ví là năm “đại nhảy vọt” trong việc xây dựng NTM, có 5 xã được công nhận NTM trên tổng số 3 xã được giao, đạt 166,7% kế hoạch, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Đại Minh và Hán Đà.
Năm 2022 Yên Bình phấn đấu hoàn thành NTM 4 xã còn lại: Ngọc Chấn, Tân Nguyên, Phúc An, Yên Thành, các xã này đều đạt 15-18 tiêu chí. Như vậy, việc hoàn thành NTM đối với các xã còn lại nằm trong tầm tay để Yên Bình trở thành huyện NTM vào năm 2022 là điều chắc chắn. Yên Bình sẽ là huyện thứ hai của tỉnh Yên Bái là huyện NTM.
Ông An Hoàng Linh- Bí thư Huyện ủy Yên Bình: Việc xây dựng NTM không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của người dân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế Đảng bộ, Chính quyền và người dân huyện Yên Bình đã dốc toàn lực cho việc xây dựng NTM. Trong những năm qua Yên Bình đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng NTM, cuộc sống người dân và bộ mặt nông thôn đã thay đổi chưa từng thấy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn, nhiều hộ trở thành tỷ phủ, những ngôi nhà cao tầng xuất hiện ở vùng nông thôn ngày một nhiều hơn...