Tỉnh Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước về chăn nuôi, với số lượng đầu heo khoảng 2,5 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 75% tổng đàn với 1.726 trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 25% tổng đàn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa |
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ban chỉ đạo đã cho lấy mẫu tại các địa bàn kể cả có dịch và chưa có dịch để kiểm tra kịp thời phát hiện xử lý. Những ngày gần đây tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phát tờ rơi nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệch; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại những “điểm nóng”, xây dựng các đội phản ứng nhanh và kiểm soát lưu động. Cứ 3 giờ chiều các địa phương sẽ tổng hợp về tình hình dịch bệnh và báo cáo về cho Ban chỉ đạo của tỉnh nhằm có giải pháp xử lý kịp thời”.
Những ngày qua, khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu, Ban chỉ đạo của tỉnh đã khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm tra xử lý và tiêu hủy triệt để; đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế sự lây lan; cấp hơn 23.000kg vôi bột cho các hộ chăn nuôi, tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ trên địa bàn; đồng thời công bố dịch rộng rãi ở các huyện xảy ra ổ dịch.
Dịch đã xuất hiện tại 3 huyện của Đồng Nai |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng khẳng định, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi tiêu hủy đàn heo bệnh nhằm kịp thời triển khai đến từng hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, tỉnh vẫn lo nhất về ý thức của người dân, vì thực tế khi Ban chỉ đạo của tỉnh xuống kiểm tra thì một số địa phương trong tỉnh còn làm rất sơ sài về công tác khử trùng tiêu độc. Vì thế, sắp tới Đồng Nai sẽ tổng phát động tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn tỉnh.
“Rút kinh nghiệm vừa qua, sự xác minh tìm nguồn gốc ổ dịch tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom ngành chức năng làm chưa tốt, do đó chưa có nguồn thông tin chính xác, để xảy ra một số việc xử lý chậm trễ đáng tiếc và gây khó khăn cho công tác kiểm soát sau đó. Dù đến nay cũng chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, phải đưa ra các biện pháp xử lý mạnh tay hơn”, ông Chánh nói.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao sự cố gắng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn đầu chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua ở một số tỉnh báo cáo rất hay và khá bình tĩnh, như chưa hề có dịch nghiêm trọng xảy ra nhưng trên thực tế thì heo chết lại quăng đầy bên đường, xác heo trôi đầy sông, điển hình như ở Bắc Giang.
Đến nay dịch đã xuất hiện trên 29 tỉnh thành, tuy số tỉnh không tăng, nhưng số lượng đàn lợn bị dịch lại tăng. Đáng nói là việc lập nhiều chốt nhưng không kiểm soát được, chỉ hình thức, tốn người, tốn hóa chất, không hiệu quả. Hiện một số tỉnh ngoài Bắc đã siết chặt khâu kiểm dịch, nhưng cũng có những tỉnh còn chủ quan và rất lơ là. Nếu không có giải pháp và quyết liệt hơn nữa thì trong thời gian tới tình hình sẽ rất nguy hiểm.
Vì thế, cơ quan thú y cần cử lực lượng cán bộ xuống tận các địa phương để trực tiếp tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; đồng thời xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau nhằm chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian tới.