| Hotline: 0983.970.780

Thêm một tỉnh "trả lại tên cho em”

Thứ Năm 23/08/2012 , 10:13 (GMT+7)

Không riêng Hà Tĩnh, Đăk Lăk mà còn nhiều tỉnh người ta vẫn dễ dãi gán ghép thú y “ăn chung mâm, ngủ chung giường” với một cơ quan nào đó của địa phương.

Vừa qua NNVN đã có bài viết "Hà Tĩnh “xóa sổ” thú y cấp huyện?" phản ánh việc làm tùy hứng của tỉnh này, là chuyển Trạm BVTV, Trạm Thú y, Trạm Truyền giống chăn nuôi thuộc Sở NN- PTNT về UBND cấp huyện quản lý và hợp nhất với Trung tâm Ứng dụng KHKT cấp huyện thành Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện.

>> Hà Tĩnh “xóa sổ” Thú y cấp huyện?

Đây quả là một kiểu tinh giản biên chế và cải cách hành chính vội vã và nguy hiểm. Chính TS Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Cục Thú y, đồng thời là người con của quê hương Hà Tĩnh đã chỉ ra cách làm vi phạm mười mươi Pháp lệnh Thú y của lãnh đạo Hà Tĩnh khi nhốt chung thú y cấp huyện vào với BVTV, rồi khoác cho nó cái áo "trung tâm" hoa hòe hoa sói, chẳng giống ai.

Cuối cùng một cơ quan quản lý Nhà nước về thú y cấp địa phương, cơ quan thực thi pháp luật về kiểm soát dịch bệnh và giết mổ bị biến hóa thành một trung tâm phổ biến và chuyển giao kỹ thuật đơn thuần, như kiểu Trạm Khuyến nông. Hậu quả là Hà Tĩnh năm nào cũng dịch dã liên miên, có lúc dịch chồng lên dịch, người chăn nuôi khốn khổ vì phải tiêu hủy gia súc gia cầm, còn Nhà nước tốn kém ngân sách đền bù, tất cả cứ rối tung cả lên.

Thú y là một ngành chuyên môn sâu, cần có sự chỉ đạo thống nhất theo ngành dọc. Ở một số nước thú y Trung ương còn bổ nhiệm thú y viên các cấp, y hệt mô hình Viện kiểm sát nhân dân bên ngành tư pháp. Việc thú y Trung ương và cấp tỉnh bị mất chân rết khi thú y cấp huyện bị điều chuyển về cho huyện quản lý là mô hình không giống ai, gây nhiều khó khăn thậm chí bế tắc trong công tác chỉ đạo chống dịch, bởi dập dịch trực tiếp chính là thú y huyện, xã.

Nhưng đâu chỉ riêng Hà Tĩnh, mấy năm nay không hiểu có ai xui khiến hay quá coi nhẹ hệ thống thú y, theo kiểu vứt chỗ nào cũng được, nhiều tỉnh đã liều lĩnh trả thú y cấp huyện về UBND huyện nắm giữ, khiến Chi cục Thú y thành ra cụt chân, cụt tay. Đăk Lăk là một ví dụ. Tỉnh đã đẩy Trạm Thú y huyện vốn “bằng vai phải lứa” với Phòng NN-PTNT huyện vào trực thuộc phòng này, cho gọn nhẹ đầu mối. Huyện nào Trưởng phòng NN-PTNT có chuyên môn chăn nuôi - thú y không nói làm gì, những huyện trưởng phòng là dân trồng trọt đi chỉ đạo dập địch rất tréo giò, hiệu quả thấp.

Ghi nhận dịch tễ từ năm 2009 đến nay, năm nào Đăk Lăk cũng bị dịch bệnh. Riêng dịch bệnh LMLM năm 2009 bung ra 14 xã của 8 huyện, đến năm 2010 nhảy lên 23 xã của 10 huyện (1.129 trâu, bò và 13 con lợn mắc bệnh), sang năm 2011 dịch lan ra 31 xã của 12 huyện. Việc dịch LMLM liên tục mở rộng vùng phủ sóng ra khắp tỉnh Đăk Lăk khiến Cục Thú y lo phát sốt, liên tục thúc ép Chi cục Thú y tỉnh này chỉ đạo các huyện ra quân chống dịch. Nhưng Trạm Thú y huyện làm gì còn mà chỉ đạo.

Không chỉ LMLM, dịch CGC cũng hoành hành dữ dội tại Đăk Lăk từ 2009 đến nay, tức thời điểm tỉnh này “xóa sổ” các Trạm Thú y huyện: 2009, CGC xảy ra ở 3 huyện với 5.535 con gia cầm mắc bệnh, 4.280 con chết và tiêu hủy; 2011 có 2 huyện có dịch cúm với 2.285 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Bệnh tai xanh kinh khủng hơn khi 2010 Đăk Lăk xảy ra dịch ở 149 xã của 14 huyện với 105.572 con lợn mắc bệnh, tiêu hủy 47.636 con thiệt hại cả trăm tỷ đồng; bước sang năm nay dù dịch mới xảy ra ngày 31/5 nhưng đến 27/7 dịch đã phát tán ra 40 xã của 9 huyện. Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Diệp Kỉnh Tần đã phải tức tốc vào Đăk Lăk chỉ đạo dập dịch.

Tuy chưa có một sợi dây rõ ràng nào là bằng chứng mạnh mẽ chỉ ra rằng dịch bệnh ở Đăk Lăk hoàn toàn do hệ thống tổ chức thú y được sắp xếp theo kiểu khác người của tỉnh này đẻ ra. Nhưng có thực tế chắc chắn là hễ có dịch việc chỉ đạo bao vây, dập dịch ở Đăk Lăk sẽ phức tạp, lâu hơn các tỉnh khác có hệ thống thú y xuyên suốt từ tỉnh đến huyện và xã. Vì vậy mà các chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cũng giảm đi tính hiệu lực và hiệu quả.

Phải chăng vì vậy mà ngày 1/8 vừa qua, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký quyết định 1673/QĐ-UBND đồng ý trả nguyên trạng các Trạm Thú y về Chi cục Thú y, một sự "sửa sai" dũng cảm và cần thiết. Nhưng không riêng Hà Tĩnh, Đăk Lăk mà còn nhiều tỉnh người ta vẫn dễ dãi gán ghép thú y “ăn chung mâm, ngủ chung giường” với một cơ quan nào đó của địa phương. Hy vọng những tỉnh này sẽ sớm sửa sai giống như Đăk Lăk.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm