| Hotline: 0983.970.780

An Thuyên lần theo ân tình câu hát

Thứ Hai 06/07/2015 , 09:59 (GMT+7)

Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên làm cho đồng nghiệp, đồng đội và công chúng choáng váng trong niềm tiếc thương!

Nếu so với hai lão trượng Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân vừa qua đời cuối tháng 6, thì nhạc sĩ An Thuyên vẫn còn nhiều quỹ thời gian để tiếp tục sáng tác. Thế nhưng, một cơn nhồi máu cơ tim cấp chiều ngày 3/7 đã khiến nhạc sĩ An Thuyên phải giã biệt cung đàn ở tuổi 66.

Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên làm cho đồng nghiệp, đồng đội và công chúng choáng váng trong niềm tiếc thương!

Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, quân đội góp cho đất nước nhiều nhạc sĩ tài danh Huy Du, Huy Thục, Nguyễn Đức Toàn, Thuận Yến... Kế tục truyền thống ấy, An Thuyên trở thành một nhạc sĩ quân đội nổi tiếng trong bối cảnh đất nước hòa bình và hội nhập.

An Thuyên sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tham gia công tác sưu tầm dân ca với tư cách một chuyên viên của Ty Văn hóa Nghệ An. Những câu ví những điệu hò trầm tích nơi bản làng miền núi đã giúp An Thuyên có được ca khúc đầu tay “Em chọn lối này”.

Được viết đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, nhưng “Em chọn lối này” khi được ca sĩ Thanh Hoa hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1980 mới thực sự lan rộng trong đời sống cộng đồng.

Năm 1975, An Thuyên nhập ngũ. Và được Đoàn văn công Quân khu 4 cho đi học Khoa Sáng tác - Nhạc viện Hà Nội, và nhanh chóng có nhiều ca khúc viết về người lính được mến mộ như “Hành quân lên Tây Bắc” hay “Khi xe tăng qua miền quan họ”.

Từ năm 1992, An Thuyên được điều động về Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội để chung tay đào tạo những tài năng nghệ thuật mới cho quân đội nói riêng và cho xã hội nói chung.

Có thể nói dấu ấn của nhạc sĩ An Thuyên ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội rất đậm nét. Từ mô hình cao đẳng được nâng cấp lên đại học, Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội được đánh giá là một đơn vị giáo dục uy tín nhất. Nhiều nhạc sĩ và ca sĩ xuất sắc đã bước ra từ chiếc nôi kỷ luật, bài bản và thân ái này.

Nhạc sĩ An Thuyên đã được phong quân hàm Thiếu tướng khi đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Những năm nhạc sĩ An Thuyên làm lãnh đạo, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có cách tuyển sinh khá độc đáo. Không chỉ thường xuyên mở lớp đào tạo ở các địa phương và các quân khu, mà còn đặc cách cấp học bổng cho những gương mặt triển vọng. Nhờ thiện chí với thế hệ trẻ của An Thuyên, mà đời sống biểu diễn có được các gương mặt như Hồ Quỳnh Hương hay Lê Anh Dũng.

Thậm chí, chỉ cần theo dõi các cuộc thi ca hát, thấy thí sinh nào có tố chất thì nhạc sĩ An Thuyên cũng đích thân có lời mời vào Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Có thể kể một thí dụ. Ở cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc, khi nghe ca sĩ Giáp Thị Kim Thủy của tỉnh Bình Dương trình bày một ca khúc khá ngọt ngào, nhạc sĩ An Thuyên đã chủ động tìm gặp và hỏi: “Cháu có phải là con gái của Giáp Văn Thạch không?”.

Cô gái đứng trước mặt xác nhận thân phụ chính là tác giả ca khúc “Quê hương”, nhạc sĩ An Thuyên thổ lộ luôn: “Cha của cháu mất sớm, tôi chưa có dịp hạnh ngộ. Thấy cháu nối nghiệp cha, tôi rất mừng. Nếu cháu tin tưởng, hãy nộp đơn vào trường của tôi, để được rèn giũa theo con đường chuyên nghiệp!”.

Thái độ khuyến khích tích cực của nhạc sĩ An Thuyên, đã đưa Giáp Thị Kim Thủy ra Hà Nội và bây giờ đầu quân cho Đoàn văn công Thủ đô.

Ngoài tâm huyết dành cho sự nghiệp đào tạo, An Thuyên vẫn miệt mài sáng tác. Tài năng của ông không chỉ được quân đội thừa nhận, mà khán giả cả nước hoan nghênh.

Các ca khúc của An Thuyên đi vào đời sống tinh thần hàng triệu người, như “Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà”, “Thơ tình của núi”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Chín bậc tình yêu”, “Neo đậu bến quê”...

Ở lĩnh vực nhạc phim, nhạc kịch và khí nhạc, An Thuyên đều có thành tựu riêng. Còn chuyện sáng tác ca khúc, điểm dễ nhận ra nhất của An Thuyên là sự vận dụng khéo léo chất liệu dân ca.

Ngay từ ca khúc “Em chọn lối này”, An Thuyên đã phát huy chất văn học trong ca từ: “Lối ấy có ánh trăng soi đường, có tiếng suối trong ban mai/ Tiếng giã gạo trong sông mây, là lối về bản em đây”.

Do vậy, những ca khúc nổi tiếng của An Thuyên như “Huế thương” hay “Ca dao em và tôi” đều có ca từ rất đẹp!

Nhạc sĩ An Thuyên quan niệm về sáng tác: “Mỗi người có một lối riêng, cách làm riêng. Ý chí của tôi là: “trèo lên vai cha ông để nói tiếng nói thời đại mình!” Dân ca Nghệ Tĩnh đã cho tôi tất cả, cuộc sống, sự nghiệp, sự dâng hiến và tư cách làm người. Tôi sinh ra trong một gia đình diễn kịch dân gian, những năm tháng trẻ trung được đi sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Có lẽ đây là bệ phóng may mắn quyết định mà tôi có được. Tôi đang tiếp tục khai thác thế mạnh này để tiếp tục sáng tạo, hy vọng sẽ có thêm những tác phẩm mới có tinh thần Nghệ Tĩnh mới mẻ hơn như tôi hằng mong muốn: Trong nền âm nhạc Việt Nam có một An Thuyên nói giọng Nghệ mang tâm hồn Việt Nam”.

Trong bài “Huế thương”, nhạc sĩ An Thuyên viết “trở lại Huế yêu, lần theo ân tình câu hát”. Lời ca ấy cũng chính là lẽ sống của An Thuyên: luôn trọng ân tình. Ân tình với bạn bè, ân tình với đồng đội, ân tình với học trò, và ân tình với nơi chôn nhau cắt rốn “sông Lam biết khi mô cho cạn/ Người ơi, đục trong câu hát cháy lòng...”

Sài Gòn, 4/7/2015

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm