| Hotline: 0983.970.780

Bài học từ cây cà phê chè ở Sơn La

Thứ Ba 03/04/2012 , 14:37 (GMT+7)

Nhờ những bước đi vững chắc, cây cà phê chè đang ngày càng khẳng định là cây trồng có vị thế số một của nhiều địa phương tỉnh Sơn La. Đây là thành công từ một cây trồng từng bị coi là thảm bại

Nhờ những bước đi vững chắc, cây cà phê chè đang ngày càng khẳng định là cây trồng có vị thế số một của nhiều địa phương tỉnh Sơn La. Thực tế này cho thấy, phát triển một loại cây trồng nào, việc quy hoạch và vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng có vai trò quyết định cơ bản tới thắng hay bại.

>> Đến lượt cây cà phê Tây nguyên... nguy hiểm

Đi tù vì... cây cà phê chè

Ông Phạm Văn Khánh, người có thâm niên 24 năm đảm nhiệm chức vụ chủ tịch UBND xã Chiềng Ban - nơi tập trung vựa cà phê lớn nhất tỉnh Sơn La ví von rằng, câu chuyện về cây cà phê chè ở Chiềng Ban chẳng khác gì một tiểu thuyết với nhiều thăng trầm đau đớn, nhưng kết thúc cũng rất có hậu. Nhìn vào những cơ ngơi hoành tráng mà cây cà phê chè tạo ra ở Chiềng Ban bây giờ, ít ai ngờ rằng đã có một thời, cây cà phê từng mang lại sự thất bại đắng cay cho người dân nơi đây. Sự thất bại, theo cách nói của ông Khánh thì đó là kết quả của sự vội vàng, thiếu định hướng quy hoạch và ấu trĩ về tư duy SX.


Cà phê chè đã tạo được bước đi vững chắc tại Sơn La nhờ có định hướng và quy hoạch rõ ràng

Khoảng những năm 1997 - 1998, tỉnh Sơn La từng đưa ra một kế hoạch hoành tráng khi giao cho một DN nông nghiệp nhà nước là Cty chè - cà phê – cây ăn quả Sơn La nhiệm vụ mở rộng ồ ạt cây cà phê chè tại huyện Mai Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn hecta cà phê chè đã được mở rộng ồ ạt tại các địa phương của huyện Mai Sơn không theo một quy hoạch nào.

Nông dân miền núi, vốn chỉ quen trồng ngô, trồng sắn bỗng nhiên lại phải trồng một loại cây trồng khó tính mà họ vốn chẳng biết gì về kỹ thuật. Kèm theo đó, cơ chế DN cung cấp toàn bộ giống, phân bón, vật tư để nông dân SX, sau đó thu mua lại sản phẩm, nông dân gần như chẳng có trách nhiệm gì với cây cà phê.

Ông Hoàng Văn Chất (bản Củ II, xã Chiềng Ban) nhớ lại: Cà phê lúc đó như “cha chung không ai khóc”. Phân bón nhận từ Cty về, hộ nào thích thì vãi bừa ra vườn cà phê, ai không thích bón thì bán đi lấy tiền uống rượu. Cà phê trồng ra chẳng ai thèm chăm sóc, cỏ mọc um tùm, cũng chẳng ai biết tỉa chồi, cắt ngọn hay phòng trừ sâu bệnh thế nào nên hầu hết bị còi cọc, năng suất cao lắm chỉ 4 – 5 tấn quả tươi/hecta, chở lên tận Cty bán chỉ được 800 – 1.000 đ/kg. Hồi đó, gia đình ông Chất được vận động nên liều vay ngân hàng gần 50 triệu đồng trồng hơn 14 hecta cà phê.

Nhưng câu chuyện sau đó đúng là cười ra nước mắt. Mùa đông năm 1999, một đợt sương muối dày đặc kéo dài đã gần như xóa sạch toàn bộ diện tích cà phê ở Chiềng Ban cũng như các địa phương khác của Sơn La. Hơn 14 hecta cà phê chè 2 năm tuổi của ông Chất bị sương muối làm cháy trụi, số nợ lãi chồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau mấy năm, số nợ đã bị đội lên gần cả tỷ đồng. Ông Chất trở thành con nợ lớn nhất ở xã Chiềng Ban.

Năm 2003, ông Chất đã phải ra tòa, chịu mức án 5 năm tù giam về tội lừa đảo, làm thất thoát tiền của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Đợt sương muối năm 1999, không chỉ xóa sổ hoàn toàn diện tích cà phê ở Sơn La, mà còn khiến bao người trồng cà phê ở Mai Sơn đau điếng vì nợ nần. Nhưng đó cũng là bài học lớn cho sự phát triển vội vàng, giúp nông dân và cả ngành nông nghiệp ở Sơn La tỉnh ngộ.

Đã có quy hoạch chi tiết

Sau đợt sương muối năm 1999, nhiều đơn vị khoa học, trong đó đặc biệt có Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã cử nhiều cán bộ trực tiếp lên Sơn La nghiên cứu kỹ về bản đồ sương muối cũng như lập lại điều tra về điều kiện thổ nhưỡng cho cây cà phê chè tại Sơn La. Qua đó, những khuyến cáo về quy hoạch phát triển theo từng tiểu vùng khí hậu phù hợp cho cây cà phê chè đã được đưa ra một cách căn cơ.

Hàng trăm lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ thuật canh tác cà phê cũng đã được tỉnh Sơn La chú trọng bồi dưỡng cho nông dân tại các vùng có điều kiện phát triển cây cà phê theo định hướng. Từ năm 2005, cùng với sự khởi sắc của giá cà phê, cây cà phê chè đã dần hồi sinh và mở rộng trở lại. Dẫn chúng tôi tham quan đồi cà phê mêng mông với hơn 7 hecta, ông Cầm Văn Dua (bản Áng, xã Chiềng Ban) hồ hởi cho biết: Nhờ được tham gia tập huấn kỹ thuật bài bản nên cách trồng và chăm sóc cà phê bây giờ khác xưa một trời một vực. Từ phương pháp bón phân, tỉa cành, phòng sâu bệnh… chúng tôi đều đã được trang bị đầy đủ nhờ các chương trình tập huấn.

Từ khoảng năm 2005 trở lại đây, khi được biết điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Chiềng Ban rất thích hợp cho cây cà phê chè, chúng tôi đã mở rộng diện tích theo từng bước chắc ăn, chứ không trồng mù mờ như trước. Với năng suất cà phê trung bình 10 tấn quả tươi/ha, năm nay, mặc dù giá cà phê có giảm đôi chút, nhưng chỉ cần với giá cà phê tươi trên 7 nghìn đồng/kg, thì nông dân đã thu lãi gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn như trước đây.


Nhiều hộ dân khấm khá nhờ cây cà phê chè

Từ một xã nghèo, đến nay với khoảng hơn 1.000 hecta cây cà phê chè, Chiềng Ban đã trở thành một xã có thu nhập bình quân cao nhất nhì tỉnh Sơn La. Năm 2011, thu nhập từ cà phê của xã đã lên tới 130 tỉ đồng. Hộ gia đình ông Hoàng Văn Chất, từng phải đi tù vì cà phê, đến nay sau khi ra tù, nhờ bám trụ vững chắc với cây cà phê chè mà đã trở thành hộ giàu nhất nhì xã Chiềng Ban, với ngôi nhà 3 tầng khang trang.

Phân tích về những thành công từ thăng trầm của cây cà phê chè ở Mai Sơn, ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu đó vẫn là định hướng quy hoạch và kỹ thuật. Bởi cà phê chè là cây trồng khó tính, không phải chỗ nào cũng trồng được.

Kỹ sư Nguyễn Quang Trung – Bộ môn nghiên cứu cà phê (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Tây Bắc): “Nhiều địa phương ở Sơn La, đặc biệt là huyện Mai Sơn có điều kiện tự nhiên tuyệt vời để trồng cà phê chè như: độ cao trên 500m so với mực nước biển, nhiệt độ chênh lệch ngày – đêm trên 5 độ C, đất đỏ Feralit có độ dày trên 50cm, có một mùa đông khô kéo dài (cà phê chè không cần tưới nước như cà phê vối Tây Nguyên)… Từ khi hồ Thủy điện Sơn La hình thành, hiện tượng sương muối cũng giảm rõ rệt nên rất thuận lợi để trồng cà phê. Tuy nhiên, đặc điểm khí hậu theo từng tiểu vùng ở Sơn La cũng rất rõ rệt, nên quy hoạch cho cây cà phê chè cần phải cẩn trọng và kỹ càng, tránh sương muối”.

Rút kinh nghiệm từ bài học trước đây, đến nay, cùng với quy hoạch chung của toàn tỉnh, huyện Mai Sơn đã có quy hoạch chi tiết cho việc phát triển cây cà phê chè cho từng giai đoạn ngắn và tới năm 2020. Theo đó, căn cứ vào điều kiện của từng tiểu vùng khí hậu và đất đai đã được khảo sát điều tra kỹ, huyện Mai Sơn ra quy hoạch tới năm 2020, diện tích cà phê đạt khoảng 3.000 hecta, tại 8 xã trong huyện như Chiềng Ban, Chiềng Mung, Chiềng Chung… Những vùng có điều kiện đất đỏ Feralit có độ dày trên 50cm, không có ngập úng, không thường xuyên có sương muối thì mới quy hoạch. Việc phát triển phải đảm bảo liền vùng, được bố trí giao thông tiện cho thu mua và chế biến và tránh chồng lấn với cây trồng khác như ngô, mía…

Năm 2011, UBND tỉnh Sơn La cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cho cây cà phê trên địa bàn tỉnh. Theo đó đến năm 2020, nâng tổng diện tích cà phê toàn tỉnh lên khoảng 10.000 ha. Trong đó, diện tích cà phê hiện có được đưa vào quy hoạch 5.003 ha, và trồng mới 4.997 ha. Trước mắt giai đoạn 2011 – 2015 sẽ trồng mới 997 ha, tập trung ở huyện Mai Sơn, TP Sơn La, huyện Thuận Châu và mở rộng một phần chắc ăn tại huyện Sốp Cộp. Tỉnh này cũng đã có hàng loạt các chính sách và dự án cụ thể về giao thông, giống, tiêu thụ, vốn vay… với tổng số vốn giai đoạn 2011 – 2020 là hơn 2 nghìn tỉ đồng nhằm thúc đẩy cây cà phê theo định hướng quy hoạch. 


Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê chè ở Sơn La (KS Nguyễn Quang Trung, bộ môn nghiên cứu cà phê chè - Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Tây Bắc). Thực hiện: LÊ BỀN

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm