Diện mạo nông thôn Bình Đại đang khởi sắc, cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp
Bình Đại là huyện miệt biển Bến Tre nằm giữa hai sông lớn Cửa Đại, Ba Lai, có 27 km bờ biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, hình thành môi trường sinh thái khá lý tưởng không chỉ cho việc phát triển thủy sản ở cả 3 vùng mặn, lợ, ngọt mà còn tạo điều kiện phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện “Xây dựng nông thôn mới gắn với việc nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Bình Đại (Bến Tre) đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên.
Đến nay, Bình Đại đã huy động được trên 376 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 53 tỷ đồng, cùng với hơn 1.600 ngày công lao động và hiến gần 21.925m2 đất, cây cối, hoa màu…
Từ nguồn vốn huy động, Bình Đại đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, dặm vá 42 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 30.000m, xây dựng, sửa chữa 19 cầu giao thông nông thôn, nạo vét 20 tuyến kênh nội đồng…
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Bình Đại đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại vùng nông thôn. Qua đó, các chính sách dành cho hộ nghèo đã tác động rất lớn đến với người nghèo, cận nghèo thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, Bình Đại hỗ trợ vốn vay cho tín dụng ưu đãi trên 190 tỷ đồng cho bà con nghèo có vốn phát triển kinh tế và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, dê, nuôi nghêu, sò, trồng màu, nuôi tôm, trồng cây ăn trái, trồng lúa chất lượng cao…
Đồng thời, Bình Đại tổ chức 105 lớp dạy nghề cho 2.889 lao động nông thôn với các nghề chăn nuôi vịt, heo, mô hình may công nghiệp, đan giỏ xách, dệt thảm…đã góp phần giải quyết việc làm mới 6.291 lao động (đạt 125,82% so với kế hoạch).
Ngoài việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo vay vốn, Bình Đại còn quan tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các đối tượng hộ nghèo. Qua tập huấn đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trình độ thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, đời sống người dân có bước chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, người dân từng bước tiếp cận với thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.
Nằm trong hợp phần nâng cao năng lực sản xuất và thu nhập cho người nghèo thông qua các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và học nghề, dự án RADCC (Tổ chức Oxfam và Chính phủ Úc tài trợ) thực hiện nhiều mô hình sinh kế đạt hiệu quả tại xã Đại Hòa Lộc, góp phần giúp người dân nghèo cải thiện sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.
Hộ anh Nguyễn Văn Bé Tám ấp Mắc Miễu, xã Đại Hòa Lộc phấn khởi cho biết: "Năm 2013, tôi được hỗ trợ 1 con dê cái. Đến nay, đã xuất chuồng bán được 4 con với tổng số tiền 15 triệu đồng. Hiện, đàn dê trong chuồng còn được 5 con. Đây là nguồn tài sản quý của gia đình tôi.
Anh Nguyễn Văn Bé Tám đang chăm sóc đàn dê do dự án RADCC hỗ trợ
“Ngoài việc hỗ trợ dê cho hộ nghèo, dự án RADCC còn hỗ trợ ống hồ chứa nước với thể tích chứa 2m3 nước. Việc hỗ trợ ống hồ là hoạt động thiết thực giúp bà con đảm bảo nước sạch trong mùa khô, bởi vì nguồn nước trên địa bàn xã bị nhiễm mặn. Đồng thời, ống hồ chứa nước sẽ giúp giảm chi phí sinh hoạt cho người nghèo trong mùa khô, giảm bớt chi phí mua nước sạch…” – anh Bé Tám nói. Để thực hiện mô hình, dự án tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi dê, bò sinh sản cho hộ nghèo, thành lập mạng lưới thú y cấp xã và tập huấn kỹ thuật nâng cao chuyên môn về hỗ trợ dịch vụ chữa bệnh cho dê, bò. Sau đó, dự án tổ chức bàn giao con giống cho hộ nuôi.
Thời gian qua, nhờ chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hộ chăn nuôi bò đã chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò, từng bước thay thế đàn bò địa phương bằng những giống bò lai đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Châu Hưng (Bình Đại) là địa phương tập trung phát triển đàn bò theo hướng lai, hướng vỗ béo và tận dụng tối đa diện tích đất vườn để trồng xen cỏ hoặc chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hiện tổng đàn bò của xã có hơn 1.300 con (chiếm hơn 12% tổng đàn bò toàn huyện), trong đó, 100% đàn bò của xã đều được lai tạo cho năng suất, chất lượng cao, như giống bò lai Sind, giống bò Red – Angus, bò cọp.
Qua 2 năm thành lập, Tổ hợp tác nuôi bò xã Phú Vang đang duy trì và hoạt động tốt, đàn bò phát triển khỏe mạnh, các tổ viên đều vui mừng, phấn khởi. Anh Trần Thanh Bằng, một thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò xã Phú Vang phấn khởi nói: “Tham gia vào tổ hợp tác, tôi được hướng dẫn, tập huấn đầy đủ và được chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, tôi rất vui vì hiệu quả được nâng lên mà chi phí đầu vào giảm hẳn. Bước đầu đã nâng cao được nhận thức của nông dân về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất, giúp nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, từng bước tạo ổn định cho đầu ra sản phẩm, để nâng cao giá thành sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững cho nông dân”…
Nếu như năm 2011, Bình Đại còn 6.188 hộ nghèo (chiếm 16,73%), đến nay giảm còn 2.605 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,52% – theo chuẩn cũ). Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (giai đoạn 2016 – 2020), Bình Đại còn 4.428 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 11,07%) và 1.614 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,04%.).
Dự án RADCC còn hỗ trợ ống hồ chứa nước cho hộ nghèo tham gia dự án ỡ xã Thạnh Phước (Bình Đại), giảm bớt chi phí mua nước sạch cho người nghèo trong mùa khô
Theo ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp thoát nghèo; thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, góp phần cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã Bằng nhiều giải pháp thiết thực và sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, Bình Đại phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo (tương đương với giảm 801 hộ), trong đó ít nhất có 280 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5,11% vào năm 2020.