| Hotline: 0983.970.780

Bỏ lúa, nuôi tôm

Thứ Năm 25/07/2013 , 10:08 (GMT+7)

Nhiều nông dân xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã tự phát đưa xáng cuốc đất bao bờ, lấy nước mặn nuôi tôm.

Nằm trong vùng trũng, hệ thống thủy lợi không đảm bảo cho SX lúa, cộng với việc giá lúa rẻ… là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau tự phát đưa xáng cuốc đất bao bờ, lấy nước mặn nuôi tôm.

Chạy dọc theo con lộ giao thông nông thôn láng bóng ở ấp 1, 2 và ấp 4, xã Tân Lộc Bắc là cánh đồng rộng đến hàng trăm ha được quy hoạch khép kín trồng lúa 2 vụ, và một phần diện tích đất đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại nông dân không còn mặn mà với cây lúa vì làm ăn lỗ lã. Vào những ngày này rất dễ nghe thấy tiếng xáng cuốc vang lên ầm ầm khi đang “mổ xẻ” từng thửa đất của vùng quy hoạch này để lên liếp, đắp bờ bao nhằm phục vụ cho mục đích nuôi tôm.

Không chủ trương vẫn làm

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban nhân dân ấp 2 thở dài cho biết, toàn ấp 2 có 268 hộ dân, nhưng lại có 2 mô hình SX là trồng lúa và nuôi tôm. Thế nhưng, toàn vùng duy nhất chỉ có kinh thủy lợi là Kinh Ngang, nhưng nó phải đảm nhận 2 nhiệm vụ cùng một lúc là cung cấp nước mặn cho người dân ở phía nam ấp 2 nuôi tôm, đồng thời cung cấp nước ngọt vào mùa mưa cho nông dân ở phía bắc SX lúa 2 vụ trong năm.

“Với hệ thống thủy lợi bất cập như thế thì không thể nào đảm bảo lợi ích hài hòa cho người dân ở hai phía được. Người trồng lúa luôn chịu thiệt vì nước mặn quanh năm. Đến mùa mưa nông dân tranh thủ nguồn nước lợ để lấy vào đồng ruộng SX và trữ nước lại cho đến khi thu hoạch lúa.

Đó là chưa kể tới những năm ngập lụt, do không có đường nào để thoát nước nên cả cánh đồng nước ngập lênh láng khiến lúa chết sạch, nông dân lại trắng tay sau vụ lúa. Thế nên hiện tại nhiều nông dân ở phía bắc của ấp 2 quay lưng lại với cây lúa cũng là điều dễ hiểu”, ông Hùng nói.


Nhiều nông dân tự phát đưa xáng cuốc vào ruộng lên liếp, bao bờ nuôi tôm

Theo ông Hùng, kể từ năm 2001, một phần diện tích đất ở ấp 2 (phía nam) được quy hoạch nuôi tôm, còn một phần diện tích đất (phía bắc) thì SX lúa khép kín. Mấy năm đầu người dân bên phía bắc còn có thể sống được từ cây lúa, nhưng mấy năm trở lại đây người trồng lúa luôn thua lỗ; thậm chí là lâm nợ nên hiện tại có gần 20 hộ dân trong vùng khép kín tự phát bao bờ trên diện tích đất nhà mình lấy nước mặn nước vào nuôi tôm.

Tìm đến nhà ông Lâm Văn Tỷ, nguyên Bí thư Chi bộ ấp 2. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tỷ lắc đầu, ngán ngẩm: “Ngày 17/7 vừa rồi, xã Tân Lộc Bắc tổ chức cuộc họp Chi bộ ấp 2 bất thường. Tại cuộc họp tập thể đã bỏ phiếu kín thống nhất cách chức Bí thư Chi bộ ấp của tôi vì tội bao vuông, đưa nước mặn vào ruộng lúa. Nhưng hiện tại trồng lúa không sống được chẳng lẽ tôi để gia đình mình chết đói”.

Ông Tỷ khẳng định bản thân ông, cũng như nhiều hộ dân ở ấp 2 luôn mong muốn ngành chức năng quy hoạch cho “ra ngô ra khoai”. Có nghĩa là nếu trồng lúa thì phải đầu tư hệ thống thủy lợi cho dân, còn nếu không thì nên cho người dân ở ấp 2 SX lúa - tôm kết hợp.

Dẫn chúng tôi ra xem cánh đồng hơn 1 ha của gia đình mình, ông Tỷ nói: “Vụ SX lúa vừa rồi tôi trắng tay vì nước ngập khiến lúa chết hết. Tính sơ cũng lỗ gần 10 triệu đồng tiền đầu tư, nên vừa qua tôi bỏ ra hơn 10 triệu thuê xáng cuốc cuốc đất bao bờ với mục đích nuôi tôm và trồng lúa. Đặc biệt là khi có bờ bao rồi thì không phải sợ lúa bị ngập úng vì mình có thể chủ động được nguồn nước”.

Hỏi ông Tỷ về dự tính của mình trong thời gian tới, lão nông này nói giọng trầm buồn: “Tôi biết tôi là đảng viên mà làm ngược lại với chủ trương chung thì cũng không đúng. Nhưng hết cách rồi. Làm ruộng toàn thua lỗ, chẳng lẽ năm nào cũng đem tiền ném bỏ xuống sông.

Hiện tại tôi chỉ mới lên khuôn và lấy nước lợ vào chuẩn bị thả tôm lứa (tôm sú cỡ 60 con/kg). Đến khi nào mùa lúa tới (khoảng cuối tháng 7 âm lịch) thì bơm nước ra trồng lúa”.

Tương tự, hộ ông Bùi Văn Hải, cũng đang thuê xáng về lên liếp, bao bờ vuông. “Vụ lúa rồi tôi lỗ hơn 10 triệu. Theo chủ trương chung thì tôi phải trồng lúa, nhưng đất nhà tôi và nhiều bà con khác ở đây như cái “lòng chảo”, xung quanh nước mặn bao vây tứ phía, hễ mưa lớn kéo dài là lúa ngập úng thì làm sao nông dân chúng tôi trồng lúa mà sống được”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Nhân dân ấp 2, cho biết thêm, trước tình trạng người dân “xé rào” đưa nước mặn vào nuôi tôm, nhiều lần các ngành chức năng xã Tân Lộc Bắc kết hợp với chính quyền địa phương đến lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính (2 triệu đồng/hộ) đối với các hộ dân phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân, nếu như không muốn nói là tranh cãi.

Chính quyền “rình” dân

Đem chuyện nhiều nông dân nằm trong vùng quy hoạch SX lúa khép kín, hướng đến thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ấp 1, 2 và 4 “xé rào” ra trao đổi với bà Lâm Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc.

 Bà Mai cũng nhận định: “Nếu như ngành chức năng không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng bà con nông dân đưa nước mặn vào ruộng lúa như hiện nay thì không lâu nữa sẽ phá vỡ quy hoạch cánh đồng mẫu lớn ở địa phương”.

Theo bà Mai, diện tích đất SX lúa ở ấp 1, 2, và 4 của xã với khoảng 167 ha nằm trong chương trình cánh đồng mẫu lớn. Hiện tại đã có một phần diện tích ở ấp 1 và ấp 4 đã thực hiện mô hình này.

Bà Mai khẳng định: “Trước đó chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp trên đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ (trạm bơm, hệ thống cống) để phục vụ cho người dân SX lúa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xem xét. Hiện tại, chúng tôi đã cử nhiều lực lượng thường xuyên bám sát các hộ dân có ý định bao bờ đưa nước mặn vào nuôi tôm ở các ấp nói trên nhằm khống chế kịp thời.

Đồng thời buộc người dân làm cam kết không được phép đưa nước mặn vào ruộng lúa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài thì không biết ra sao”.

Nhìn nhân về chuyện nông dân thua lỗ khi trồng lúa, ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Lộc Bắc nói nửa đùa nửa thật: “1 kg lúa bây giờ không bằng 1 kg cá rô phi. Thử hỏi người dân làm sao có lời. Tuy cách đây khoảng 15 km có kho thu mua tạm trữ lúa gạo của Nhà nước đặt tại xã Trí Phải, nhưng từ trước đến nay nông dân ở đây không bán được lúa theo chương trình này. Mà chủ yếu là bán cho các thương lái vùng trên, nông dân phải chịu ép giá”.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết:

"Huyện đã chỉ đạo xã Tân Lộc Bắc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đưa nước mặn vào ruộng lúa. Kiên quyết xử lý các hộ cố tình vi phạm. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các ô thủy lợi khép kín để phục vụ cho người dân SX lúa 2 vụ và cánh đồng mẫu lớn".

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất