| Hotline: 0983.970.780

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

Thứ Sáu 26/04/2024 , 09:30 (GMT+7)

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Chưa khai thác hết giá trị

Nghề chăn nuôi hươu sao được hình thành và phát triển ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ những năm thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Qua thời gian, hươu sao từ loài động vật hoang dã được thuần hóa và được công nhận là giống vật nuôi. 

Nhung hươu mặc dù đem lại nguồn thu lớn cho người dân huyện Hương Sơn, song giá trị gia tăng từ việc chế biến sâu sản phẩm này đang bị bỏ ngỏ. Ảnh: Thanh Nga.

Nhung hươu mặc dù đem lại nguồn thu lớn cho người dân huyện Hương Sơn, song giá trị gia tăng từ việc chế biến sâu sản phẩm này đang bị bỏ ngỏ. Ảnh: Thanh Nga.

Thống kê đến nay, tổng đàn hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn đã phát triển lên hơn 44.600 con, sản lượng nhung đạt hơn 17 tấn/năm. Với sự phong phú, đa dạng về nguồn thức ăn và giá trị mang lại của nhung hươu, hiện nay nghề chăn nuôi hươu sao tại Hà Tĩnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài địa bàn huyện Hương Sơn, một số địa phương khác như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh cũng đã đưa vật nuôi này vào phát triển. Đây là hướng đi mới nhằm chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là trong chăn nuôi nông hộ.

Đối với sản phẩm nhung, mặc dù sản lượng đạt cao song lâu nay bà con chủ yếu bán nguyên liệu thô để ngâm rượu, nấu cháo, ngâm mật ong... Tiềm năng chế biến sâu các sản phẩm từ “tứ đại danh dược” đang bị bỏ ngỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược Tuệ Tĩnh, trong nhung hươu có chứa rất nhiều thành phần, chất dinh dưỡng quý, thiết yếu như: Nhóm chất protid, lipid, loại axit amin; các nguyên tố vi lượng Cu, Zn, Mg, Cr, Br, Coban...; các khoáng chất như Ca, K, Na, Mg, P. Nhóm protein có tác dụng kích thích, điều hòa sự phát triển của các tế bào và nhân trong xương, sụn, tế bào thần kinh. Do đó, nó đặc biệt quý trong việc bồi bổ sức khỏe; phòng, hỗ trợ điều trị các loại bệnh liên quan đến tim mạch, gan, thật, thần kinh, các cơ quan nội tiết; tăng ham muốn và cải thiện khả năng tình dục; điều trị mệt mỏi về tinh thần; phòng chống lãng xương, thoái hóa xương…

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần khẳng định, giá trị dinh dưỡng nhung hươu đem lại cho sức khỏe con người là cực kỳ lớn. Ảnh: Thanh Nga.

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần khẳng định, giá trị dinh dưỡng nhung hươu đem lại cho sức khỏe con người là cực kỳ lớn. Ảnh: Thanh Nga.

“Công dụng của nhung hươu rất nhiều, song việc khai thác hết giá trị của nó thì chưa được như kỳ vọng. Chúng ta đang chủ yếu bán nhung tươi, mà mua nguyên cặp nhung giá tiền lớn, gần như chỉ người có tiềm lực kinh tế mới tiếp cận được. Vì vậy việc chế biến sâu ra nhiều sản phẩm sẽ tạo cơ hội tiếp cận đến đa dạng người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhung”, PGS.TS Thuần nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thừa nhận, giá trị kinh tế nhung hươu mang lại cho người dân địa phương dù rất lớn nhưng chưa khai thác được hết giá trị gia tăng.

“Hiện nay, 70 – 75% nhung hươu thu hoạch chủ yếu là bán nguyên liệu thô, thị trường bán buôn chưa lớn. Hầu hết bà con vẫn phải tự tìm kiếm khách hàng, do đó giá cả thường có nhiều biến động”, ông Hưng chia sẻ. Cũng theo ông Hưng, mấy năm gần đây, lãnh đạo huyện thường xuyên tìm kiếm, kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp có nhu cầu để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang chế biến sâu các sản phẩm từ nhung. Huyện cũng xây dựng nhiều chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến sản phẩm nhung hươu.

Ông Lê Ngọc Châu (giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo khoa học ứng dụng tiến bộ KH-CN vào chế biến sâu sản phẩm nhung hươu vừa được tổ chức tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Lê Ngọc Châu (giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo khoa học ứng dụng tiến bộ KH-CN vào chế biến sâu sản phẩm nhung hươu vừa được tổ chức tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

“Hiện toàn huyện đã có 3 cơ sở thu mua, chế biến sâu sản phẩm nhung gồm: HTX Đầu tư và Phát triển nhung hươu Hương Sơn, HTX Nhung hươu Hương Luật, HTX nhung hươu Ngọc Linh. Các cơ sở này đều đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần giải quyết bài toán đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nhung”, ông Nguyễn Kiều Hưng nhấn mạnh.

Khoảng 30% sản phẩm nhung tươi đã được chế biến sâu

Năm 2019, nhung hươu Hương Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo đó sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn sẽ được bảo hộ độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề cần làm hiện nay là đưa sản phẩm nhung đến nhiều tầng lớp người tiêu dùng hơn và con đường duy nhất là đưa khoa học công nghệ vào chế biến sâu thành các sản phẩm như cao nhung hươu, bột nhung hươu, đế nhung hươu tán bột, nhung hươu tươi thái lát, trà nhung hươu…

Hàng loạt sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu được Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong (TP Hà Tĩnh) tung ra thị trường trong vài năm gần đây. Ảnh: Công ty cung cấp.

Hàng loạt sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu được Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong (TP Hà Tĩnh) tung ra thị trường trong vài năm gần đây. Ảnh: Công ty cung cấp.

Theo ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Hà Tĩnh, sắp tới Sở sẽ phối hợp với huyện Hương Sơn tập trung nghiên cứu, phân tích đầy đủ các thành phần và tác dụng dinh dưỡng có trong nhung hươu để chiết xuất tế bào gốc, ứng dụng trong mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư... Đồng thời chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào chăn nuôi, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản nhung. Trong đó chú trọng bảo tồn, nâng cao chất lượng giống hươu; xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc hươu Hương Sơn, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản nhung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng.

Đối với chế biến, sẽ xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu nhằm nâng cao giá trị; khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu, công nghệ chiết xuất, bào chế, sấy sản phẩm…

Công nghệ đang được các cơ sở chế biến sâu nhung hươu sử dụng hiện nay là sấy thăng hoa. Đây là công nghệ do Viện Công nghệ năng lượng và Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển.

Lê Kiều Hiệp, Viện Công nghệ năng lượng cho rằng, việc đưa công nghệ sấy thăng hoa vào chế biến sâu không chỉ ứng dụng cho sản phẩm nhung mà còn có thể ứng dụng cho huyết nhung. Áp suất của quá trình sấy thăng hoa được đưa xuống mức rất thấp nên trong quá trình sấy nước được chuyển hóa trực tiếp từ thể rắn sang thể hơi. Nhờ đó giữ được hương vị, màu sắc, thành phần vi lượng và hình dáng của sản phẩm so với lúc chưa sấy ban đầu.

“Nhược điểm của phương pháp này là thời gian sấy dài và chi phí rất cao nên chỉ phù hợp với những sản phẩm có giá trị cao và rất cao. Tất nhiên, về lâu dài, muốn khai thác hết tiềm năng, giá trị của nhung hươu thì chính quyền, ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh cần tiếp tục có sự đầu tư tương xứng để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới vào chế biến. Giá trị thu về ban đầu có thể chưa cao nhưng trong tương lai, khi sản phẩm đảm bảo chất lượng, chúng tôi tin giá trị gia tăng sẽ tương xứng với sự đầu tư về công nghệ”, TS Hiệp nói.

Công nghệ sấy thăng hoa được khuyến khích đầu tư đưa vào chế biến nhung. Ảnh: Công ty An Phong cung cấp.

Công nghệ sấy thăng hoa được khuyến khích đầu tư đưa vào chế biến nhung. Ảnh: Công ty An Phong cung cấp.

Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học, anh Hồ Phúc Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Dịch vụ An Phong (TP Hà Tĩnh) – một trong những doanh nghiệp đã và đang chế biến sâu hàng chục sản phẩm từ nhung khẳng định, muốn đưa nhung hươu Hương Sơn vươn ra thị trường quốc tế, nhất định phải có sự đầu tư về thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến đa dạng sản phẩm.

“Tuy nhiên, nếu chỉ một mình doanh nghiệp 'tự bơi' sẽ rất khó, bởi nguồn lực đầu tư lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh Hà Tĩnh, các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp, cơ sở nói thật, làm thật có bệ đỡ để hiện thực hóa mong muốn đưa nhung hươu và các sản phẩm từ con hươu sao trở thành vật nuôi làm giàu cho người dân Hương Sơn nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung”, anh Đồng kiến nghị thêm.

“Đến nay đã có khoảng 30% sản phẩm nhung tươi được chế biến sâu thành phẩm, góp phần tăng 30% giá trị kinh tế so với bán nhung tươi. Đây là một tín hiệu đáng mừng, từng bước chuyển dịch từ xuất bán nguyên liệu thô sang chế biến đa dạng thành phẩm giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận, dễ sử dụng hơn”, ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Hà Tĩnh cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Hà Nội bắt chó thả rông, kiên quyết xử lý theo quy định

Tình trạng thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng không có rọ mõm, dây xích, không có người dắt vẫn đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm