| Hotline: 0983.970.780

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 26/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam ghi nhận hàng trăm con lợn của các hộ gia đình ở 6/18 huyện, thị xã, thành phố nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: L.K.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam ghi nhận hàng trăm con lợn của các hộ gia đình ở 6/18 huyện, thị xã, thành phố nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: L.K.

Người chăn nuôi thiệt hại

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Dịch lây lan nhanh khiến các hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm: Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang. Tại 6 huyện này đã có gần 600 con heo của gần 260 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Ông Trần Bốn (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) cho hay, thời gian gần đây, gia đình ông đứng ngồi không yên khi 3 con lợn đến kỳ sinh đẻ không may bị dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. Hiện còn 1 con lợn nái cũng đang có dấu hiệu bỏ ăn, xuất hiện nốt đỏ trên thân.

“Số đàn lợn nái là tài sản có giá trị nhất của gia đình. Lợn chết, tiêu hủy làm tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cũng may vừa qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí để tôi tái đầu tư lại”, ông Trần Bốn tâm sự.

Cách đây hơn tháng, 4 con lợn nái và 36 con lợn con của gia đình bà Dương Thị Vui (thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) đang khỏe mạnh bất ngờ có triệu chứng bỏ ăn, toàn thân run rầy, nổi nhiều nốt mẩn đỏ.

Sau khi báo cho chính quyền địa phương và lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, đàn lợn nhà bà Vui dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy để phòng dịch lây lan.

“Kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào chăn nuôi nên số lợn mắc bệnh này khiến cho tôi thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Sau khi lợn chết, theo hướng dẫn của cán bộ thú y, tôi đã tiến hành rải vôi bột, phun thuốc tiêu độc, khử trùng và thả nuôi lại 3 con lợn giống. Bây giờ tôi cũng thấy lo lắm, không biết số lợn mới nuôi này có bị nhiễm bệnh tiếp không”, bà Vui buồn bã.

Xã Bình Tú là 1 trong những địa phương có số lợn bị nhiễm bệnh nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam với 115 con lợn 68 hộ bị ảnh hưởng, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 8.900kg. Theo lãnh đạo UBND xã Bình Tú, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn từ ngày 4/3. Sau khi phát hiện, chính quyền xã đã thông báo, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống như vệ sinh chuồng trại, khử trùng xung quanh nhà cũng như khu vực chăn nuôi.

“Về phía xã cũng đã trích ngân sách, đề nghị Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình hỗ trợ hóa chất và thành lập tổ thành viên để đến từng hộ gia đình phun tiêu độc. Đến nay, dịch bệnh không xuất hiện đồng loạt như trước mà chỉ rải rác vài con bị nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát dịch bệnh ở địa phương cũng rất khó vì vẫn còn tình trạng người dân giấu dịch, lén lút buôn bán lợn bị nhiễm bệnh”, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú nói.

Trước tình hình diễn biến dịch tả lợn Châu Phi còn phức tạp, các hộ chăn nuôi ở Quang Nam rất lo lắng sau khi tái đàn. Ảnh: L.K.

Trước tình hình diễn biến dịch tả lợn Châu Phi còn phức tạp, các hộ chăn nuôi ở Quang Nam rất lo lắng sau khi tái đàn. Ảnh: L.K.

Mầm bệnh tràn lan ngoài môi trường

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở Quảng Nam thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một số địa phương xác định do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nên phát sinh và lây lan.

Như tại huyện Đông Giang, ông Nguyễn Tài, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện này cho biết, thời gian qua, ở huyện không có tình trạng mua bán, vận chuyển heo từ nơi khác tới nhưng dịch tả lợn Châu Phi vẫn xuất hiện.

“Huyện có 2 xã có dịch là xã Za Hung và Sông Kôn. Qua xác minh thì dịch bệnh tự phát sinh chứ không lây lan vì 2 địa phương này cách xa nhau đến 30km. Thế nên, khi có dịch, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ thú y các địa phương tiến hành khoanh vùng xử lý. Cho đến bây giờ, dịch đã cơ bản tạm ổn và không có dấu hiệu lây lan trên diện rộng”, ông Tài thông tin.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ quan khác là người dân mua lợn nhiễm bệnh từ các địa phương, cơ sở chăn nuôi không rõ nguồn gốc rồi phát tán mầm bệnh ra môi trường. Điển hình như ở xã Bình Sơn (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam).

Vào đầu tháng 2 vừa qua, 3 hộ dân ở đây thông qua zalo, điện thoại được 1 người giới thiệu là người của trại Hoàng Long (đóng tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bán lợn với giá rẻ. Thấy thế, nhóm hộ này đã bỏ ra 60 triệu đồng để mua 55 con lợn về nuôi.

2 ngày sau khi mua về, đàn lợn này bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh rồi lây lan sang một số lợn khác ở địa phương. Qua xét nghiệm, đàn lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn bộ, gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Sau đó, người dân liên hệ lại với đầu mối bán lợn không liên lạc được nên đã báo với cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Ông Trần Tam, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức cho biết, nhận trình báo của người dân, đơn vị đã vào địa điểm của trại lợn theo thông tin cung cấp để xác minh. "Tuy nhiên, tại đây không có cơ sở nào như vậy. Khả năng đây là những đối tượng giả danh, gom heo bệnh bán với giá rẻ để kiếm tiền. Hiện nay, chúng tôi đã làm đơn trình báo cho công an huyện Bình Sơn để điều tra, xử lý”, ông Tam nói.

Cũng theo ông Tam, sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm đã tiến hành công tác tuyên truyền người dân thông qua việc lồng ghép vào các cuộc họp. Cảnh báo các hộ chăn nuôi không nên ham rẻ, mua lợn không rõ nguồn gốc, ko đảm bảo quy định phòng, chống dịch được quảng cáo trên mạng xã hội.

Việc kinh doanh, buôn bán lợn phải thực hiện theo hợp đồng với những cơ sở có địa chỉ rõ ràng, có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng nhằm tránh phát sinh, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi trong địa phương.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: L.K.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: L.K.

Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, đến nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh này cũng đã cơ bản tạm ổn. Mặc dù vậy, các ổ dịch xảy ra lẻ tẻ, rải rác ở các địa phương gây tâm lý chủ quan cho người chăn nuôi cũng như các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.

Từ giữa năm 2022, Cục Thú y đã cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin dịch tả lợn Châu Phi phòng bệnh cho đàn lợn thịt, nhưng do bệnh chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vacxin, vì vậy việc tham mưu chỉ đạo tiêm phòng của cơ quan chuyên môn cũng như việc chấp hành quy định phòng bệnh bắt buộc bằng vacxin cho đàn lợn của người chăn nuôi còn nhiều vướng mắc.

Đến nay, hầu hết đàn lợn của tỉnh Quảng Nam chưa được tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa thật sự quan tâm đến áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn như: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi, con giống không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, sau khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa, cán bộ thú y ở các địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng, giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt khâu vận chuyển, buôn bán lợn ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan. Đơn vị cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tái đàn chăn nuôi lợn.

“Các địa phương cần chủ động giám sát tổng đàn lợn trên địa bàn, nhất là khu vực xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn đối với những khu vực đang có dịch, tập trung các nguồn lực áp dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm ổ dịch ngay khi phát hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh”, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.