Gia đình ông Nguyễn Minh Tiến ngụ ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo (huyện Châu Thành, Trà Vinh) vừa thu hoạch xong 4ha đất lúa với năng suất bình quân đạt 750 - 800 kg/công (1.000m2), bán với giá 9.200 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Gia đình ông phấn khởi vì vụ lúa đông xuân năm nay vừa được mùa, được cả giá.
Ông Tiến chia sẻ, vụ này gia đình sử dụng giống lúa ST24, đây là giống lúa được ngành nông nghiệp khuyến cáo sử dụng. Với giống lúa này, ông không cần phun thuốc, bón nhiều phân nhưng năng suất rất đạt. Bên cạnh đó, nhờ tham gia HTX, ông Tiến được tập huấn các kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ và ứng dụng cơ giới hóa nên giảm được chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo.
"Vụ này tôi lãi hơn 35 triệu đồng/ha, ngoài ra công việc cũng nhàn hơn nhiều bởi đã có máy bay phun thuốc, giảm hơn 10 triệu đồng tiền thuê nhân công/vụ", ông Tiến phấn khởi.
Bà Trần Thị Hạnh có 3ha ruộng (ngụ cùng địa phương) cho biết, từ ngày được tập huấn các kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, bà đã mạnh dạng trồng thêm lúa vụ 3 bởi mọi năm, cánh đồng nơi đây không đủ nước tưới vụ đông xuân.
Bà Hạnh hồ hởi nói: "Vụ này tôi sử dụng giống ST và OM18, thu hoạch được 11 bao/1.000m2, lúa rất nặng ký bởi tưới đủ nước. Trừ hết chi phí tôi lãi hơn 3 triệu đồng/1.000m2, cao hơn năm rồi, còn được thương lái tới tận ruộng thu mua".
Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh Trà Vinh xuống giống gần 56.300ha. Nhờ khuyến cáo bà con thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống cũng như tuân thủ lịch thời vụ. Tính đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 25.000ha, đạt khoảng 40% diện tích xuống giống.
Bên cạnh đó, dù đứng trước tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm từ tháng 12/2023 với mức độ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nhờ địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô nên mực nước nội đồng trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, đảm bảo đủ phục vụ cho bà con sản xuất.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giảm sức lao động cho nông dân mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hạt lúa, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn.
Ông Lê Văn Đông, Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn đồng hành với bà con nông dân trong sản xuất cũng như canh tác lúa đạt hiệu quả, chất lượng cao. Sở đã phối hợp với các địa phương và giao Chi cục Trồng trọt - BVTV cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn tập huấn kỹ thuật cho nông dân thực hiện các cái quy trình canh tác, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Thời gian qua ngành nông nghiệp Trà Vinh cũng khuyến khích nông dân ứng dụng cơ giới hóa, hỗ trợ HTX máy sạ cụm, máy bay không người lái... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng thường xuyên tổ chức các buổi thăm đồng, tập huấn cho nông dân trong việc canh tác cũng như bảo vệ mùa màng. Từ đó giúp nông dân canh tác giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.