Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, nếu như năm 2016 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh đạt 95.930ha thì đến năm 2023 chỉ còn 84.500ha. Dù diện tích giảm nhưng với giống mới, công nghệ mới và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nên về cơ bản sản lượng không giảm nhiều, thậm chí có thời điểm còn tăng như năm 2023 lúa tăng 12%, ngô tăng 3,7%, rau các loại tăng 15,8% so với năm 2022.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được trên 4.800ha rau an toàn, hàng chục mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ như thanh long ruột đỏ ở huyện Lập Thạch; dưa lê ở huyện Tam Dương; lúa tại các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch; rau su su ở huyện Tam Đảo…
Trong chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ giữ ổn định 23.593ha đất lúa, đảm bảo sản lượng trên 252.000 tấn thóc; xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và tiêu thụ rau; phát triển trồng ngô tại các vùng đất bãi ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô; phát triển cây ăn quả tại các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc; phát triển cây dược liệu tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, TP Phúc Yên; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại TP Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo…