Thế nhưng, xã xác nhận chỉ có 1 số con bị nhiễm bệnh. Điều đáng nói, trên QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn thời gian qua có rất nhiều lợn chết bị vứt dọc đường.
Người dân không đồng ý tiêm phòng?
Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cách đây vài ngày xuất hiện tin đồn tại xóm 10 có một số con lợn khi người dân mổ thịt bán có mùi hôi, thịt màu vàng không thể sử dụng được. Còn một người dân xóm 10 khẳng định, một tuần trở lại đây, xóm có rất nhiều lợn chết vì bệnh Lepto(?).
Rác thải, xác động vật thường xuyên dạt vào các đập tràn của xã Ngọc Sơn |
“Chúng tôi nghe thông tin như thế nhưng qua kiểm tra thì chỉ có 4 con lợn bỏ ăn hoặc ăn ít. Trong số đó, một con bị rối loạn tiêu hóa đã được điều trị khỏi bệnh. Đề nghị ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm, nếu xuất hiện dịch bệnh chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp dập dịch”, ông An cho biết.
Ngày 18/11, sau khi được báo cáo, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Thanh Chương đã cấp 6 lít bencocid cho xóm 10 và cử cán bộ xuống những hộ có lợn ốm để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi kiểm tra lợn của hộ ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Thủy có các dấu hiệu như kén ăn cám, ăn nhiều rau, thân nhiệt cao, ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Thanh Chương cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh Lepto.
“Tại xóm 4, xã Xuân Tường, giáp ranh với xóm 10 xã Ngọc Sơn đã ghi nhận một cá thể lợn chết do Lepto. Lợn của người dân xóm 10 kén cám, ham rau, thân nhiệt cao là dấu hiệu của bệnh Lepto. Thời gian điều trị bệnh này dài nhưng khả năng khỏi bệnh thấp. Chúng tôi không chờ kết quả xét nghiệm mà sẽ làm tờ trình xin cấp vacxin để tiêm phòng. Đề nghị UBND xã Ngọc Sơn cử cán bộ phụ trách cùng vào cuộc và hỗ trợ người dân vôi bột, tuyên truyền để người dân tích cực chống dịch”, ông Biên cho biết.
Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Thanh Chương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm |
Theo thống kê, xóm 10 có tổng đàn lợn 158 con. Tuy nhiên, khi triển khai đăng ký mua vacxin có 22 hộ (nuôi 22 con lợn) không đồng ý tiêm phòng. “Họ nói, nếu tiêm phòng xảy ra chuyện gì thì xã, huyện phải cam kết chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có dịch thì phải dập dịch, hộ nào không tiêm phòng thì căn cứ Luật Thú y để xử lý. Hộ nào tiêm phòng, nếu gia súc chết thì xã sẽ làm thủ tục để xin Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Xã sẵn sàng trích kinh phí mua vacxin và vôi bột để cùng người dân dập dịch”, ông Thái Văn An cho biết thêm.
Nhiều nguy cơ bùng phát dịch
Ngọc Sơn nằm sát QL 46, giáp với các xã Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Ngọc. QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn là địa bàn nối nhiều huyện phụ cận, đường trung chuyển động vật từ khắp nơi đổ về đi các địa phương khác tiêu thụ; sông Lam, sông Gang chảy theo chiều dọc của xã.
|
Xác lợn chết vứt dọc QL 46 đoạn giáp ranh giữa Ngọc Sơn và Thanh Ngọc |
Nhiều đặc điểm cho thấy, đây là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh. Và thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở đây diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, tại xóm 3, từ năm 2014 - 2016 từng xảy ra dịch tụ huyết trùng thể cấp tính khiến hàng chục con trâu bò bị chết. Tháng 11/2017, đàn vịt của người dân xóm 10 cũng chết như ngả rạ nhưng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1.
Một nguy cơ nữa xuất phát từ sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi. Một ngày giữa tháng 12/2017, QL 46 đoạn qua núi Nguộc, điểm giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn và xã Thanh Ngọc xuất hiện một con lợn chừng trên 100kg đã được mổ ruột, màu vàng nghệ bị vứt bỏ bên lề đường.
Người dân ở đây phỏng đoán, có thể con lợn trên bị bệnh Lepto, đã mổ thịt đem đi chợ bán nhưng không bán được nên đem về vứt cạnh đường. Thực tế, thời gian qua, đoạn đường này thường xuyên xuất hiện những bao tải chứa xác động vật chết bốc mùi hôi thối. Do nằm ở địa phận xã, UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần phải cử lực lượng đem xác động vật đi chôn nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.
“Ngoài điểm giáp ranh trên, xã chúng tôi nằm ở hạ nguồn sông Gang, có đập tràn giữ nước tại xóm 5 và xóm 8. Phía thượng nguồn có rất nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm dọc sông. Từ nhiều năm qua, đến thời điểm giao mùa, trên các đập tràn này rất ô nhiễm, có lúc xác lợn, gà mắc vào thân đập thối không thể chịu được. Chúng tôi đã cử lực lượng túc trực để phát hiện nhưng rất khó khăn vì có thể xác động vật trôi từ xã khác xuống hoặc người dân lợi dụng đêm tối đem ra vứt. Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp chứ như thế này người chăn nuôi sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh”, ông Thái Văn An. |