Khởi nghiệp từ 80 con chồn giống
Chúng tôi đến tham quan trang trại chồn hương Đức Thắng lúc anh Nguyễn Văn Đức, chủ trang trại ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang tất bật kiểm tra chồn giống trước khi xuất bán cho các cơ sở nuôi chồn hương.
Tiếp đón chúng tôi, anh Đức hồ hởi chia sẻ, anh vốn là người đam mê chăn nuôi. Năm 2019, sau khi cùng một số người bạn vào miền Nam để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại nuôi chồn hương, anh nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Trở về quê, khi các thủ tục đã được cơ quan chức năng cấp phép, anh đầu tư số vốn hơn 1 tỷ đồng thuê 2ha đất của địa phương, mua 60 con chồn mẹ, 20 con chồn bố và xây dựng 180 ô chuồng để khởi nghiệp từ loài động vật có nguồn gốc hoang dã này.

Anh Đức đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín với kinh phí hàng tỉ đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Thời gian đầu mới chăn nuôi, anh Đức cho biết cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ tìm tòi học hỏi và áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương ngày càng sinh sôi, phát triển. Đến năm 2020, trang trại đã tự túc được con giống, anh Đức mở rộng thêm 200 ô chuồng nuôi. Đến nay, trang trại có quy mô lên tới 3.000 ô chuồng với 700 con chồn mẹ, 200 con chồn bố và thường xuyên duy trì hơn 1.000 con chồn giống.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, theo anh Đức ngoài việc đầu tư chuồng trại trại thì việc lựa chọn con giống cũng như việc quản lý, chăm sóc chồn rất quan trọng vì chồn hương là động vật hoang dã, đòi hỏi người nuôi phải am hiểu đặc tính của chúng.

Đến nay, trang trại có quy mô lên tới 3.000 ô chuồng với 700 con chồn mẹ, 200 con chồn bố sinh sản và thường xuyên duy trì hơn 1.000 con chồn giống. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Đặc tính của chồn hương là nhút nhát, ngủ ngày, ăn đêm nên chuồng trại phải làm nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Anh Đức đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín với kinh phí hàng tỉ đồng. Chuồng được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng khoảng 1m2, bố trí trên giá đỡ cách nền 30 - 50cm để thông thoáng, tránh ẩm thấp và thuận tiện trong việc vệ sinh chuồng trại.
Ngoài ra, trong chuồng anh Đức còn lắp đặt camera, bóng sưởi vào mùa đông, quạt trần vào mùa hè. Để thuận lợi trong quá trình chăm sóc, anh phân chia chuồng thành các khu riêng biệt như khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn bố mẹ, khu nuôi chồn sơ sinh… Tùy từng giai đoạn phát triển mà có thể nhốt chồn trong lồng theo số lượng từ 1 đến 2 con hoặc nhiều con.
Tuy chồn hương là động vật rất ít bị bệnh nhưng nếu đã bị bệnh sẽ rất khó khăn trong việc chữa trị vì chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy theo anh Đức, để chồn phát triển khỏe mạnh cần có hệ thống chuồng trại đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ. Do đó, hàng ngày phải dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ 4 đến 5 ngày phun khử khuẩn chuồng trại một lần để hạn chế dịch bệnh.

Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín, đầu gà, trứng gà và cá rô phi, đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Quy mô hàng đầu cả nước
Theo anh Đức, nuôi chồn hương nếu biết cách thì rất dễ, lại nhàn thân. Chồn hương ăn rất ít, thức ăn chủ yếu là chuối, đầu gà, trứng gà và cá rô phi... Tuy nhiên, nguồn thức ăn cho chồn phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Do đó, đối với các thức ăn như trứng, đầu gà, cá rô phi... phải được luộc chín, chuối phải đảm bảo chín và an toàn, đảm bảo chất lượng.
“Đối với chồn hương trưởng thành mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần vào buổi chiều, với chồn nhỏ cho ăn 2 lần/ngày vào sáng và tối. Chi phí thức ăn cho chồn hương không nhiều, mỗi ngày chỉ tốn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/con, thậm chí nhiều hộ nuôi có thể khép kín, tự cung, tự cấp để giảm chi phí” anh Đức cho biết.
Để tránh các bệnh liên quan đến đường ruột, nước uống cho chồn phải sạch và qua xử lý kỹ. Về mùa hè có thể bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin C, vitamin tổng hợp để chồn phát triển tốt hơn.

Để chồn khỏe mạnh, hàng ngày phải dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ 4 đến 5 ngày phun khử khuẩn chuồng trại một lần để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Một kinh nghiệm nữa mà anh Đức chia sẻ, đó là muốn có nguồn giống chất lượng thì con đực vẫn là yếu tố then chốt, con đực to, khỏe chất lượng giống mới cao.
Về sinh sản, chồn mẹ đã thuần dưỡng có thể sinh sản sau 8 - 10 tháng. Chồn mang thai khoảng 2 tháng sẽ đẻ, mỗi lứa từ 2 - 6 con. Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6 - 8 triệu đồng/cặp, từ 3 - 4 tháng giá 8 - 15 triệu đồng/cặp. Chồn mẹ sinh sản giá bán từ 20 - 25 triệu đồng/con, chồn bố sinh sản có giá từ 30 triệu đồng mỗi con.
Mỗi năm trang trại chồn hương Đức Thắng xuất bán ra thị trường từ 2.000 - 3.000 con chồn giống. Ngoài ra, trang trại còn liên kết với một số trại chồn khác nhằm cung cấp con giống, thiết kế, thi công chuồng trại, đồng thời chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người muốn đầu tư nuôi loài động vật này.

Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6 - 8 triệu đồng/cặp, từ 3 - 4 tháng giá 8 - 15 triệu đồng/cặp. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Trang trại chồn hương Đức Thắng là mô hình mới điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương và các vùng lân cận.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với chủ trang trại tổ chức cho các hộ dân tham quan, học hỏi, nhân rộng mô hình nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình cần quan tâm đến một số vấn đề như vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã, tích lũy kinh nghiệm nuôi và phòng trừ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ.
Hiện trang trại chồn hương Đức Thắng tiêu thụ sản phẩm khắp cả nước, trong đó tập trung tại các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… Với quy mô sản xuất như hiện nay, đây là một trong những trang trại chồn hương có quy mô lớn hàng đầu cả nước. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại lãi trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng.